Mỹ dùng thứ gì đối phó Houthi tại Biển Đỏ?
Chuyển động - Ngày đăng : 15:57, 20/12/2023
Mỹ dùng thứ gì đối phó Houthi tại Biển Đỏ?
Đài CNN dẫn lời giới chuyên gia nhận định Mỹ có thể đã sử dụng tên lửa đối không, pháo, hệ thống vũ khí tầm gần để đánh chặn máy bay không người lái (UAV) và tên lửa của Houthi tại Biển Đỏ thời gian qua.
Từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, nhóm vũ trang Houthi được Iran hậu thuẫn đẩy mạnh hoạt động tấn công tàu hàng di chuyển qua Biển Đỏ. Nhóm này tiến hành tấn công bằng UAV hoặc tên lửa chống hạm, thậm chí dùng trực thăng bắt giữ tàu.
Biển Đỏ là tuyến vận tải quan trọng nên bất ổn tại đây ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại toàn cầu. Các hãng vận tải MSC, Maersk, CMA CGM, Hapag-Lloyd đều thông báo tránh kênh đào Suez do lo ngại không được an toàn. Tập đoàn dầu mỏ BP cũng làm theo, khiến giá dầu khí đầu tuần qua tăng vọt.
Hải quân Mỹ tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ tàu hàng. Vũ khí, phương tiện mà họ có thể sử dụng là khu trục hạm lớp Arleigh Burke USS Carney - chiếc tàu chiến vừa bắn hạ 14 UAV ngày 16.12.
Vũ khí trên USS Carney có:
Tên lửa SM-6 với tầm bắn 370km, đủ sức bắn hạ tên lửa đạn đạo ở tầng khí quyển cùng nhiều tên lửa quỹ đạo thấp hơn. Mỗi quả SM-6 trị giá hơn 4 triệu USD.
Tên lửa SM-2 tầm bắn từ 185 - 370km tùy phiên bản. Giá mỗi quả khoảng 2,5 triệu USD.
Tên lửa ESSM tầm bắn 50km, chuyên đối phó tên lửa chống hạm cùng mối đe dọa tốc độ thấp như UAV hay trực thăng. Mỗi quả khoảng 1 triệu USD.
Theo giới chuyên gia, thời gian qua hải quân Mỹ chủ yếu dùng SM-2 và ESSM. Nếu Houthi duy trì hoạt động tấn công tàu hàng bằng UAV giá rẻ - chưa tới 100.000 USD/chiếc - trong thời gian dài thì Mỹ sẽ rất tốn kém.
Giáo sư Alessio Patalano (Đại học King London) đánh giá: “Chúng (SM-2 và ESSM) đều là vũ khí đánh chặn tiến tiến giá trung bình 2 triệu USD/quả, do đó dùng chúng hạ UAV quá tốn chi phí”. Giới chuyên gia cảnh báo Houthi nhận tài trợ từ Iran nên nhóm này đủ sức duy trì hoạt động tấn công tàu hàng trong thời gian dài.
Cựu sĩ quan hải quân Mỹ Carl Schuster cho rằng hệ thống súng Gatling tầm gần bắn đến 4.500 viên đạn/phút trên khu trục hạm USS Phalanx là phương án diệt UAV khả thi và hợp lý hơn về chi phí. Tuy nhiên nếu UAV nằm ngoài tầm bắn của súng thì sinh mạng binh sĩ Mỹ sẽ gặp nguy hiểm.
“Chỉ 1 tên lửa hay 1 UAV thì không thể đánh chìm tàu chiến Mỹ, nhưng nó có thể giết người hoặc gây thiệt hại khiến tàu phải quay về cảng sửa chữa”, theo học giả John Bradford (Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ).
Hơn nữa súng Gatling chẳng thể bảo vệ tàu hàng cách xa hàng cây số. Khả năng bảo vệ tầm xa đòi hỏi phải dùng đến tên lửa phòng không.
Nhưng học giả Sidharth Kaushal (Viện Nghiên cứu Royal United Service) nhắc nhở mỗi tổ hợp phóng trên tàu chỉ mang được số tên lửa nhất định, Houthi có thể triển khai chiến thuật tấn công liên tiếp hòng làm cạn kiệt đạn dược khiến tàu chiến Mỹ không còn tự bảo vệ được mình cũng như bảo vệ tàu hàng.
Hiện tại Houthi chưa sử dụng UAV theo chiến thuật “tấn công bầy đàn”. Giáo sư Salvatore Mercogliano (Đại học Campbell) cảnh báo với một vụ tập kích như vậy thì rủi ro có máy bay lọt qua hệ thống phòng không Mỹ đánh trúng tàu hàng sẽ rất cao.
Mỹ đã nhờ đến đồng minh giúp đỡ. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ngày 18.12 thông báo một số quốc gia đồng ý cùng tiến hành tuần tra khu vực phía nam Biển Đỏ cùng vịnh Aden để bảo vệ tàu hàng. Liên quân tuần tra do Mỹ dẫn đầu, có sự tham gia của Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Ý, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha.
Giáo sư Patalano nhận định động thái trên đánh dấu sự hiện diện của nhiều tàu chiến hơn, giúp mở rộng phạm vi bao quát lẫn số vũ khí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ.
Theo giới chuyên gia, sắp tới không loại trừ khả năng Houthi dùng đến tên lửa hành trình hay thậm chí tên lửa đạn đạo chống hạm. Lúc đó có thể USS Carney phải dùng tới SM-6, vì khi căng thẳng leo thang đến mức độ nhất định thì hải quân Mỹ sẽ quyết định tấn công địa điểm phóng tên lửa thay vì chỉ phòng thủ bị động.