Nhiều nước chào giá thấp, tôm Việt Nam khó cạnh tranh tại Trung Quốc

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:26, 21/12/2023

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng mạnh nhưng do có quá nhiều nguồn cung đổ xô vào thị trường này với giá chào thấp nên tôm Việt Nam khó cạnh tranh về giá.
Thị trường và chính sách

Nhiều nước chào giá thấp, tôm Việt Nam khó cạnh tranh tại Trung Quốc

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung 21/12/2023 14:26

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng mạnh nhưng do có quá nhiều nguồn cung đổ xô vào thị trường này với giá chào thấp nên tôm Việt Nam khó cạnh tranh về giá.

Tôm luôn được xem là mặt hàng xuất khẩu tỉ đô chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam khi hằng năm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chiếm từ 40 - 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

tom.png

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tính tới tháng 11.2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và vùng lãnh thổ Hồng Kông đạt 569 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc - Hồng Kông tiếp tục giảm 24%, đạt 52 triệu USD trong tháng 11.2023. Nhu cầu của thị trường này không ổn định, tăng trưởng trong 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8, sau đó quay lại đà giảm trong tháng 9, 10 và 11. Tuy vậy, mức độ sụt giảm không mạnh như những tháng đầu năm. Trung Quốc - Hồng Kông là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính.

Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Trung Quốc - Hồng Kông không chỉ phụ thuộc tình hình tăng trưởng kinh tế, lượng tồn kho tại nước này mà còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung giá rẻ từ Ecuador và một số nước khác

Theo VASEP, nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc vẫn tăng mạnh nhưng do có quá nhiều nguồn cung đổ xô vào thị trường này với giá chào thấp nên tôm Việt Nam khó cạnh tranh về giá. Tháng cuối năm nay, xuất khẩu tôm Việt sang thị trường này dự kiến vẫn giảm so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc - Hồng Kông dao động từ 543 triệu USD năm 2019 đến 664 triệu USD năm 2022. Trong 5 năm qua, xuất khẩu tôm sang thị trường này dao động không ổn định nhưng nơi đây vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và Nhật Bản. Mặc dù xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông năm 2023 giảm so với năm 2022 (năm mà kim ngạch xuất khẩu tôm đạt kỷ lục) nhưng vẫn tăng so với các năm trước đó.

Dịch COVID-19 đã chấm dứt, kinh tế Trung Quốc có tín hiệu tích cực, nhu cầu về tôm sú, tôm chân trắng đang hồi phục. Vị thế địa lý gần thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc về chi phí logistics.

VASEP cho hay Trung Quốc đang đẩy mạnh việc phục hồi kinh tế nhưng có vẻ họ không dành nhiều ngân sách cho sản xuất thủy sản nội địa. Trung Quốc không coi đây là ngành hàng chủ lực có lợi nhuận cao. Do đó, đây là cơ hội cho Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường này.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu, giống như mô hình các nước phương Tây. Lượng tiêu thụ tôm của Trung Quốc lớn, thậm chí hơn cả Mỹ và châu Âu. Trong năm 2023, ước tính nước này nhập khẩu lượng tôm khổng lồ lên tới 1 triệu tấn, chủ yếu để chế biến, tiêu thụ trong nước, chứ để xuất khẩu gần như không đáng kể.

Trung Quốc khẳng định nước này sẵn sàng mở rộng nhập khẩu các mặt hàng thủy sản, nông sản của Việt Nam. Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới có chuyến thăm Việt Nam, mở ra nhiều triển vọng tươi sáng trong quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước.

Trung Quốc là thị trường mục tiêu của nhiều nước xuất khẩu tôm như Ecuador, Ấn Độ với nguồn cung tôm nguyên liệu giá rẻ nên tôm Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ chính các nhà chế biến tôm tại thị trường nội địa Trung Quốc.

Hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỉ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 11 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 155,8 tỉ USD, dự báo cả năm 2023 thương mại hai chiều sẽ đạt mức kim ngạch như hai bên đã đạt được trong năm 2022.

Ngày 12.12 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng nghe báo cáo về 36 văn bản thỏa thuận hợp tác đã được các ban bộ ngành trung ương và địa phương ký kết trong chuyến thăm Việt Nam cấp nhà nước của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Các văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết giữa các ban bộ ngành địa phương hai nước.

Trong đó có Kế hoạch hành động thời kỳ 2024-2026 triển khai Bản ghi nhớ trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.

Tại Hội nghị xúc tiến thương mại và hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (tại tỉnh Vân Nam) ngày 21.12, diễn ra lễ ký kết 3 thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về lĩnh vực nông sản, thực phẩm. Thông qua việc kết nối, trao đổi này, các doanh nghiệp hai bên có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn nhu cầu xuất nhập khẩu của nhau, xác định được đối tác tiềm năng, để từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp và hiệu quả.

Để tận dụng những cơ hội từ Trung Quốc, hoạt động giao thương B2B cần được tăng cường hơn nữa, trong đó giao thương cấp địa phương cần được quan tâm hơn. Ngoài ra, cần có sự trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu và quy định thị trường, đặc biệt khi có những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu.

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung