Chuyện về ‘Giấc mơ Nhật’ của cô gái Việt
Văn hóa - Ngày đăng : 16:29, 22/12/2023
Chuyện về ‘Giấc mơ Nhật’ của cô gái Việt
Người ta thường nhắc đến "giấc mơ Mỹ" và xem đây là miền đất của tự do sáng tạo, còn "giấc mơ Nhật Bản" của cô gái Việt thì sao?
Nhật Bản – “miền đất hứa” trong mơ Nguyễn Phương Dung - một cô gái Việt (sinh năm 1993) đã hiện lên rất rõ qua những trang viết chân thật về văn hóa, con người và nhiều lĩnh vực khác ở Nhật Bản hiện nay. Để cụ thể hóa "giấc mơ Nhật" của mình, ngoài sự may mắn, Nguyễn Phương Dung đã phải nỗ lực không ngừng. 7 năm ở Nhật, cô đã học được nhiều bài học nhân văn của người Nhật về cuộc sống.
Giấc mơ Nhật: Đi để vấp ngã, đi để trưởng thành cũng chính là cuốn sách đầu tay của Nguyễn Phương Dung để kể về hành trình chinh phục, theo đuổi giấc mơ học tập, sinh sống và làm việc ở xứ Phù Tang.
Chia sẻ với sinh viên Trường Đại học Văn Lang và Cao đẳng Du lịch Sài Gòn về quá trình viết nên cuốn sách đầu tay, Nguyễn Phương Dung cho biết, 4 năm viết nên cuốn sách này là hành trình rất ý nghĩa và thiêng liêng với bản thân cô. Cuốn sách đi xuyên qua giai đoạn dịch COVID-19 khi toàn xã hội buộc phải cách ly, ngắt bớt kết nối và phải ngồi lại với chính mình rất nhiều. 4 năm với rất nhiều mất mát nhưng cũng rất nhiều nhiệt huyết và lòng biết ơn được khơi dậy, thúc đẩy cô viết nên cuốn sách du ký - trải nghiệm đầy sống động này.
Cuốn sách cũng được lồng ghép thêm các nội dung về kỹ năng sống với mong muốn giúp độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ tìm được những lời giải đáp cho thắc mắc của mình về con đường hiện thực hóa "giấc mơ Nhật".
"Giấc mơ Nhật hay bất cứ thứ giấc mơ gì, nói rộng ra là tất cả những giấc mơ của tuổi trẻ đều rất thiêng liêng và mang nhiều ý nghĩa với Dung. Đó là lý do mình lựa chọn tên sách là Giấc mơ Nhật", Nguyễn Phương Dung chia sẻ.
Trong Giấc mơ Nhật, Nguyễn Phương Dung kể lại những kỷ niệm khó quên về văn hóa, con người Nhật Bản với nhiều nét thú vị, nhân văn đến bất ngờ và cảm động: "Khi mới sang nước ngoài một năm, mọi thứ sẽ rất mới mẻ, mọi người xung quanh cũng sẽ không yêu cầu quá cao khi ai đó nói rằng tôi mới sang Nhật. Tuy nhiên, khi ở 8 năm, lúc này ta sẽ cần nhập gia tùy tục. Yêu cầu ta phải bám rễ thật sâu vào một môi trường nửa lạ nửa quen. Và lúc này ta cần cạnh tranh trực tiếp với người bản xứ, phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người bản xứ là chuyện rất bình thường. Bởi ngoài những kiến thức chuyên ngành phải học bằng thứ ngôn ngữ khác, ta còn cần hiểu văn hóa và những thứ phi ngôn ngữ nằm sâu phía dưới...".
Tác giả cho biết, thứ khiến cô quyết định chọn Nhật Bản để gắn bó là bởi niềm ngưỡng mộ tính nhân văn trong con người và văn hóa của họ. Cách họ để những chiếc ô miễn phí ở một số sân ga cho người đi đường tự do sử dụng, sau đó dùng xong, người mượn tự ý thức mang trả lại. Cách họ để dép xoay ngược hướng về người bên trong nhà, để khi ra khỏi nhà, ta cứ thế mà xỏ giày dép chứ không phải xoay người theo hướng giày... Tất cả những thứ tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại khiến cô thật sự yêu mến, ngưỡng mộ.
Nói về cơ hội tìm việc tại Nhật, tác giả cho rằng các công ty Nhật khá đề cao sự thành thật và nhân cách của một con người. Họ sẵn sàng chấp nhận một người ham học hỏi nhưng không có kinh nghiệm gì. Những ứng viên luôn có thể từ một trang giấy trắng rồi đào tạo lại từ đầu. Vì vậy, ở bên Nhật, việc học một ngành nghề rồi tốt nghiệp đi làm một nghề khác là chuyện bình thường.
Nhớ lại hành trình tìm việc gian nan bên Nhật, Nguyễn Phương Dung đưa ra một góc nhìn khá thú vị: “Khoảng thời gian tìm việc tại Nhật quả thực không đơn giản; nhưng tôi đã biến nó thành cái cớ để tự thử thách bản thân mình. Đó là niềm tin và động lực. Tôi tâm đắc cái câu: "Đi mãi rồi sẽ tìm thấy đường. Tìm mãi rồi sẽ thấy bến đỗ cho riêng mình”.
Khi được hỏi về giá trị của việc “dám mơ”, tác giả khẳng định cô sẽ luôn chọn “mơ lớn” để cố gắng thực hiện: "Nếu ngay từ ban đầu ta chỉ đặt những giấc mơ nhỏ, sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội của bản thân mình. Bởi khi bản thân dám mơ lớn hơn, ta sẽ nhìn được một bức tranh toàn cảnh rộng lớn hơn rất nhiều, đồng thời sẽ nhận được cực kỳ nhiều nguồn lực hỗ trợ tương xứng từ mọi người".
Hành trình từ 20 tuổi tới năm 30 với tôi là 10 năm mài mòn "cái tôi" của bản thân. Khi ta càng để "cái tôi" nhỏ bé, tức theo đuổi sự khiêm tốn sẽ rất tốt cho quá trình trưởng thành. Bởi nước sẽ chỉ chảy xuống những chỗ trũng. "Cái tôi" càng thấp sẽ càng hứng được nhiều kiến thức...
...Thanh xuân quá ngắn ngủi. Trong quãng thời gian ấy, có rất nhiều người đã đi qua cuộc đời tôi, có những người nằm lại mãi, cóngười lại về hưu từ tuổi hai mươi hai. Họ dạy tôi trân trọng từng giây phút còn được tồn tại. Cuộc sống thực sự quá ngắn ngủi, đến mức không còn đủ thời gian để ghét bỏ bất kỳ ai hay điều gì. Chưa có một chuyến đi nào vô ích, chưa có một cuộc gặp gỡ nào tôi không học được chút gì đó hay ho từ người mình tiếp xúc. Nó là cách tôi lựa chọn để trưởng thành trong suốt bảy năm. Vì đơn giản, bản thân mỗi người là một thước phim muôn màu cần được trân trọng”.
Nguyễn Phương Dung