Nghịch lý: Trộm một chiếc xe máy thì đi tù, nhưng ăn trộm bộ phim 40 tỉ đồng chỉ phạt hành chính
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 16:59, 22/12/2023
Nghịch lý: Trộm một chiếc xe máy thì đi tù, nhưng ăn trộm bộ phim 40 tỉ đồng chỉ phạt hành chính
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng giám đốc Công ty BHD nêu ý kiến về chuyện vi phạm bản quyền bằng ví dụ: ăn trộm một cái xe máy thì bị đi tù, nhưng ăn trộm một bộ phim 30 - 40 tỉ đồng thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Tại hội nghị về công nghiệp văn hóa ngày 22.12, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng giám đốc Công ty BHD cho rằng ngành công nghiệp văn hóa vẫn là một thứ rất mới với Việt Nam.
Ví dụ ngành điện ảnh, hiện tại các hệ thống rạp có phim Việt chiếm khoảng 30% thị phần, so với các nước trong khu vực thì tỷ lệ này khoảng 70 - 90%. Doanh thu phim Việt thì khoảng từ 18 - 33%, so với những nước như Hàn Quốc, Trung Quốc là 50 - 70%. Tỷ lệ bán vé trong những năm gần đây của Việt Nam tăng 20 - 40%.
“Việt Nam có khả năng vào top 10 nước có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới. Khi Việt Nam được vào nhóm đó thì tỷ lệ phim sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm hay vẫn là 70% dành cho nước ngoài? Chính sách của Nhà nước rất quan trọng để hỗ trợ điện ảnh nước nhà phát triển”, bà Hạnh nói.
Theo bà Hạnh, sản phẩm văn hóa là tài sản trí tuệ nhưng tài sản này không thể mang ra vay vốn ngân hàng được. Tài sản trí tuệ cũng không được bảo hộ. Liên quan đến vi phạm bản quyền, ăn trộm một cái xe máy thì bị đi tù nhưng ăn trộm một bộ phim 30 - 40 tỉ đồng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Bà Hạnh mong Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như lãi suất cho vay nông nghiệp. Làm sao để các bộ phim không có tài sản hữu hình mà có thể đi vay để sản xuất được.
Ngoài ra, theo bà Hạnh, để xây dựng được công nghiệp văn hóa thì phải xây dựng được cơ sở vật chất cho công nghiệp đó, ví dụ như rạp chiếu phim, phim trường. Rạp chiếu phim cần được giảm giá hoặc những địa điểm hơi xa thì được miễn tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước cho doanh nghiệp làm văn hóa.
Ví dụ BHD thuê rạp chiếu phim ở các trung tâm thương mại thì phải cạnh tranh với các lĩnh vực khác, rất khó khăn. Một vé xem phim giá chỉ bằng cốc cà phê thôi vì nó là văn hóa đại chúng, mọi người dân đều được tiếp cận. Nếu giá thuê cao cạnh tranh với những hàng ăn, hàng xa xỉ thì không cạnh trạnh được mà các doanh nghiệp cho thuê không giảm giá. Nên giảm giá tiền thuê đất, tiền điện, nước rất quan trọng.
Về thủ tục hành chính, bà Hạnh cho biết để quay một cảnh phim, phải xin nhiều giấy phép, trong đó có giấy phép của Sở Văn hóa, giấy phép của phường, công an phường, công ty cây xanh nếu quay ở công viên cây xanh, phim có hành đông cháy nổ phải xin phép cơ quan phòng cháy, chữa cháy... Trong một ngày đoàn làm phim đi làm ở 3 địa điểm thì ngần ấy giấy phép phải làm, rất khó khăn.
Ngoài ra, các nhà sáng tạo nội dung trên Facbook, Youtube, Tiktok... có đóng góp rất lớn cho giới trẻ, đóng góp thuế rất lớn nhưng hiện nay vẫn còn bất cập. Họ là những bạn trẻ 18 - 20 tuổi không thuộc một tổ chức nào cả. Nhà nước cần định hướng cho người ta biết làm việc gì đúng.
Bà Hạnh cũng cho biết thuế xuất khẩu đi nước ngoài là 0% nhưng những nhà sáng tạo nội dung xuất khẩu nội dung sang Mỹ, ngoài nộp 35% thuế ở Mỹ, về Việt Nam vẫn phải nộp 10% thuế VAT trong khi người Việt Nam không hề xem nội dung đó.
“Nếu các nhà sáng tạo nội dung không ký trực tiếp với nền tảng mà ký hợp đồng hợp tác qua các agency thì đại lý sẽ phải đóng thuế VAT 10% cho toàn bộ doanh thu của cả nhà sáng tạo nội dung và sau đó các nhà sáng tạo nội dung phải nộp thêm phần thuế VAT 5% của mình. Việc này sẽ giúp các cơ quan thuế cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông dễ quản lý một số đầu mối chính thay vì khoảng hơn hai mươi ngàn nhà sáng tạo nội dung cá nhân như hiện nay…”, bà Hạnh nói.
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam là người gắn với các hoạt động tổ chức biểu diễn. Ông cho biết đây là một cuộc chơi lắm công phu và những công ty về giải trí về văn hóa trong những năm qua cũng rất cố gắng nhưng rất chật vật, đôi khi phải "lấy lỗ làm lãi".
“Lãi ở đây là về mặt quảng bá văn hóa, danh tiếng để có thể hy vọng khi nền kinh tế tốt hơn sẽ có những dự án hấp dẫn, giúp cho công ty được tốt hơn”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, trường hợp của Việt Nam trong công nghiệp văn hóa dựa trên nghệ thuật biểu diễn và văn hóa du lịch, là thế mạnh đầy tiềm năng.
“Tôi là đạo diễn show Tinh hoa Bắc Bộ ở Chùa Thầy (Hà Nội). Show diễn ra đời từ năm 2017, trải qua những năm khó khăn vì COVID-19. Với 60 phút của chương trình, tôi nhận thấy tất cả khán giả, du khách quốc tế đều rất ấn tượng và cảm thấy tiếp cận được với văn hóa Việt Nam chỉ trong thời lượng rất ngắn. Nhưng buổi diễn cũng gặp rất nhiều khó khăn và nhiều khi nghĩ đến phương án đóng chương trình với rất nhiều lý do khác nhau”, ông Nam nói.