Viện trợ của phương Tây bị đình trệ, quân đội Ukraine cạn kiệt đạn pháo
Quốc tế - Ngày đăng : 19:20, 25/12/2023
Viện trợ của phương Tây bị đình trệ, quân đội Ukraine cạn kiệt đạn pháo
Các binh sĩ cho biết lực lượng Ukraine đang thiếu đạn pháo ở tiền tuyến, khiến một số đơn vị phải hủy bỏ các cuộc tấn công đã lên kế hoạch.
Theo Washington Post, tình trạng thiếu đạn dược đang làm sâu sắc thêm nỗi lo lắng của Ukraine, khi viện trợ của Mỹ và châu Âu bị đình trệ và mùa đông lạnh giá đang kéo đến.
“Các binh sĩ của chúng tôi chỉ được cấp giới hạn đạn cho mỗi mục tiêu. Những người lính đang rất mệt mỏi. Họ vẫn còn động lực, nhiều người hiểu rằng họ không có lựa chọn nào khác… Nhưng chúng tôi không thể thắng một cuộc chiến chỉ dựa trên động lực. Lẽ ra phải có một loại lợi thế về số lượng nào đó, như với vũ khí và hệ thống vũ khí. Mọi thứ chỉ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi có thể tồn tại được bao lâu? Thật khó để nói, nhưng nó không thể lâu dài được. Mọi người đều hiểu điều này”, một thành viên giấu tên của Lữ đoàn tấn công miền núi số 128, đang chiến đấu ở vùng Zaporizhzhia phía đông nam cho Washington Post biết trong cuộc phỏng vấn.
Theo Artem, 31 tuổi, thuộc Lữ đoàn pháo binh 148, người phụ trách một khẩu pháo 155mm, đơn vị của anh gần đây đã nhận thấy sự khác biệt “đáng kể” về trữ lượng đạn sau khi chuyển từ mặt trận phía nam ở Zaporizhzhia đến các vị trí ở phía đông.
Artem tiết lộ đơn vị của anh hiện chỉ bắn 10 đến 20 quả đạn mỗi ngày vào các mục tiêu của đối phương, trong khi trước đây đơn vị này sử dụng trung bình 50 quả đạn, và đôi khi lên tới 90.
“Nếu tình hình không thay đổi, hoặc thậm chí trở nên tồi tệ hơn, chúng tôi sẽ không thể phản công và họ (Nga) sẽ đẩy lùi chúng tôi. Bạn có thể làm gì với 10 viên đạn mỗi ngày? Nó hầu như không đủ để cản lại những bước tiến của họ, chưa nói đến việc tấn công các vị trí của họ”, Artem cho hay.
Trong khi đó, Ivan Zadontsev, nhân viên báo chí của Tiểu đoàn xung kích riêng biệt số 24, còn được gọi là Aidar, cho biết họ đã giảm hỏa lực khoảng 90% so với mùa hè năm ngoái. Tiểu đoàn của ông đang rất cần đạn 122mm cho các loại pháo thời Liên Xô.
Giống như Lữ đoàn pháo binh 148, tiểu đoàn Aidar đang cố gắng trấn giữ các tuyến phòng thủ ở phía đông, gần thị trấn Klishchiivka, nơi lực lượng Ukraine đã giành quyền kiểm soát từ Nga vào tháng 9. Tuy nhiên, ông Zadontsev nói rằng việc lên kế hoạch cho bất kỳ cuộc tấn công tiếp theo “sẽ là ngu ngốc… trong khi quân đội Nga có ưu thế về pháo binh”.
“Tôi hy vọng chính phủ Mỹ hiểu rằng việc giữ an toàn cho Ukraine bằng đạn dược sẽ rẻ hơn nhiều so với việc tái vũ trang cho Ba Lan và các nước vùng Baltic nếu Ukraine thất thủ”, Zadontsev nhấn mạnh.
Nguồn cung cấp đạn pháo không đủ đã là vấn đề dai dẳng đối với Ukraine kể từ khi Nga phát động cuộc chiến vào tháng 2 năm ngoái. Tổng thống Volodymyr Zelensky xác nhận tình trạng thiếu hụt hiện tại trong cuộc họp báo cuối năm vào tuần trước, mặc dù ông nhấn mạnh rằng quân đội Ukraine đang đứng vững, đồng thời vẫn bày tỏ niềm tin vào sự hỗ trợ của Mỹ.
Đầu tháng này, ông Zelensky đã đến thăm Washington, nơi ông kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ đồng thuận giải phóng 60 tỉ USD viện trợ mà Tổng thống Joe Biden đã đề xuất cho Ukraine. Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào được thông qua do đảng Cộng hòa yêu cầu phải giải quyết các biện pháp an ninh biên giới trước khi gửi viện trợ cho Kyiv. Vài ngày sau, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng đã chặn khoản viện trợ trị giá 55 tỉ USD của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine.
Sự chậm trễ này, xảy ra sau cuộc phản công không thành công của Ukraine vào mùa hè và mùa thu năm nay, đã tạo ra nhiều rào cản không mong muốn trước mùa đông.
Nga tiếp tục cố gắng đẩy mạnh các mặt trận phía nam và phía đông, đồng thời tấn công các thành phố của Ukraine bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa. Nhiều cuộc tấn công trong số đó đã bị ngăn chặn bởi hệ thống phòng không cải tiến Ukraine song những hệ thống đó cũng phụ thuộc vào sự hỗ trợ liên tục của nước ngoài.
Tuy nhiên, các binh sĩ Ukraine đồn trú ở mặt trận cho biết họ chưa phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo tương tự.
Mặc dù Nga buộc phải giảm đáng kể hoạt động sản xuất đạn dược trong vài tháng đầu sau khi cuộc chiến bùng phát, song kể từ đó, Moscow đã tìm cách lách các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu cứng rắn của phương Tây, đồng thời tái tạo năng lượng cho hoạt động sản xuất quân sự của mình. Các nhà quan sát cho rằng Nga đã làm được điều này một phần bằng cách khai thác các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, chuyển hàng hóa qua các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia.
Tướng Oleksandr Tarnavskyi, Phó tư lệnh Bộ chỉ huy miền đông của quân đội Ukraine cho Reuters biết, quân đội Ukraine không có đủ đạn dược, đặc biệt là đạn pháo hiện đại để tăng cường năng lực chiến đấu cho các đơn vị khi cuộc xung đột với Nga bước sang năm thứ hai.
“Tình trạng thiếu hụt đạn dược đang được cảm nhận trên toàn bộ chiến tuyến”, ông Oleksandr Tarnavskyi nói và thừa nhận rằng một số kế hoạch đã phải thay đổi do thiếu nguồn cung cấp.
Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Ukraine và Tổng thống Zelensky nói với các phóng viên tuần trước rằng ông “chắc chắn rằng Washington sẽ không rời bỏ Ukraine”. Nhưng việc Tổng thống Biden không đảm bảo được nguồn tài trợ khẩn cấp cần thiết cho Ukraine trước cuối năm nay cho thấy rằng Nhà Trắng đã không thể đảm bảo sự hỗ trợ lâu dài.
Đứng cạnh người đồng cấp Ukraine tại Nhà Trắng cách đây hơn một năm, Tổng thống Joe Biden tuyên bố dõng dạc rằng Mỹ sẽ ủng hộ Ukraine “miễn là cần thiết”. Đó là cam kết mà nhà lãnh đạo Mỹ đã lặp lại từ lâu trong 22 tháng kể từ cuộc xung đột nổ ra.
Nhưng vào ngày 12.12, khi ông Zelensky có chuyến thăm khác tới Washington trong hoàn cảnh có nhiều thay đổi đáng kể, Tổng thống Biden chỉ cam kết Mỹ sẽ cung cấp vũ khí và thiết bị quan trọng “miễn là chúng tôi có thể”.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã kêu gọi các đồng minh hợp tác để tăng cường sản xuất đạn vũ khí, đạn dược để hỗ trợ cho Ukraine.
Hà Lan hôm 22.12 cho biết sẽ chuyển 18 máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, mặc dù thời gian giao hàng chưa được công bố. Trong khi đó, Nhật Bản đã đồng ý gửi tên lửa Patriot tới Mỹ, một động thái có thể cho phép Washington gửi thêm vũ khí tới Ukraine. Kyiv phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống Patriot do Mỹ thiết kế để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng ở các thành phố lớn.
Nhận thức được rằng không thể mãi dựa vào viện trợ bên ngoài, Ukraine đang cố gắng tăng cường sản xuất vũ khí trong nước. Bộ trưởng các ngành công nghiệp chiến lược nước này hôm 19.12 tuyên bố rằng Ukraine có kế hoạch sản xuất 1 triệu máy bay không người lái (UAV) góc nhìn thứ nhất vào năm tới, cùng với hàng nghìn vũ khí tầm trung và tầm xa khác.