Đại sứ Ukraine bác bỏ việc Đức gây áp lực để đàm phán hòa bình với Nga
Quốc tế - Ngày đăng : 15:03, 26/12/2023
Đại sứ Ukraine bác bỏ việc Đức gây áp lực để đàm phán hòa bình với Nga
Đại sứ Ukraine tại Đức đã bác bỏ cáo buộc cho rằng Berlin có thể đang gây áp lực "bí mật" với Kyiv nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga.
Theo Politico, suy đoán đã được thúc đẩy bởi một báo cáo trên tạp chí Đức Der Spiegel hôm 22.12 về một "bữa tối Nga" bí mật tại Đại sứ quán Đức ở Washington vào cuối tháng 10, trong đó trợ lý thân cận nhất của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đứng đầu văn phòng thủ tướng Wolfgang Schmidt, được cho là đã "hưng phấn khen ngợi" đề xuất của Samuel Charap, nhà khoa học chính trị cấp cao tại Tập đoàn RAND nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine thông qua một thỏa thuận thương lượng với Moscow.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Đức RRB, Oleksii Makeiev, đại sứ Ukraine tại Đức, đã phủ nhận việc Berlin đang thúc đẩy Kyiv chấp nhận các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.
Nhà ngoại giao Ukraine nhấn mạnh, các cuộc thảo luận với giới chức Đức luôn được công khai và không có áp lực sau những cánh cửa đóng kín.
Thủ tướng Scholz và các nhà lãnh đạo phương Tây khác trước đó đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chỉ riêng Kyiv mới có quyền quyết định khi nào và theo những điều kiện nào để đạt được thỏa thuận hòa bình với Moscow.
Cố vấn chính sách an ninh và đối ngoại của Thủ tướng Đức Jens Plötner đã viết trong một bài báo chung hồi đầu tháng này với Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine, rằng "một lệnh ngừng bắn đơn giản sẽ tương đương với việc hợp pháp hóa việc Nga kiểm soát lãnh thổ và mở ra con đường cho một cuộc xung đột khác”.
Đức - nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Kyiv sau Mỹ, đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Ukraine chống lại quân đội Nga.
Tháng trước, Đức đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỉ euro (khoảng 1,4 tỉ USD) cho Ukraine. Đây là nỗ lực thể hiện sự ủng hộ của Berlin dành cho Kyiv giữa lúc tình hình viện trợ của phương Tây đang có dấu hiệu chững lại.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết gói viện trợ mới này sẽ bao gồm một hệ thống phòng không tiên tiến IRIS-T của Đức. Ông Pistorius khẳng định muốn bày tỏ "sự đoàn kết ngưỡng mộ sâu sắc" của Đức dành cho cuộc chiến tốn kém và dũng cảm của Ukraine.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto lưu ý, trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine sắp bước sang năm thứ ba, “điều quan trọng là phải đi theo những con đường dẫn đến một giải pháp chính trị”.
Crosetto nhấn mạnh những nỗ lực này phải đi đôi với việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ý chỉ ra rằng, mặc dù phương Tây đã thành công trong việc đảm bảo “sự sinh tồn” của Ukraine, nhưng các mục tiêu khác của nước này vẫn chưa được thực hiện.
“Những gì không thể đạt được về mặt quân sự… có thể đạt được bằng cách mở một mặt trận ngoại giao và chính trị nhằm cố gắng đạt được kết quả tương tự thông qua các cuộc đàm phán hòa bình… Những gì tồn tại trước chiến tranh phải được khôi phục, những gì không thể thực hiện bằng vũ khí phải được thực hiện theo cách khác”, ông Crosetto nhấn mạnh.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin giữa tháng này cho biết ông không sẵn sàng thảo luận về hòa bình với Ukraine cho đến khi đạt được mục tiêu trong cuộc chiến.