Vụ 'bay giải cứu': Tô Anh Dũng được giảm 2 năm tù, Hoàng Văn Hưng thoát án chung thân
Sự kiện - Ngày đăng : 12:49, 27/12/2023
Vụ 'bay giải cứu': Tô Anh Dũng được giảm 2 năm tù, Hoàng Văn Hưng thoát án chung thân
HĐXX cấp phúc thẩm tuyên bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) 14 năm tù (giảm 2 năm so với án sơ thẩm).
Sáng 27.12, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên bản án sơ thẩm đối với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.
Theo đó, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định tuyên phạt Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Y tế), Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh), Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) tù chung thân (y án sơ thẩm) về tội “Nhận hối lộ”.
Cùng phạm tội “Nhận hối lộ”, bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) bị tuyên phạt 14 năm tù (giảm 2 năm), Trần Văn Tân (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) 5 năm tù (giảm 1 năm). Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh) 9 năm tù (y án), Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự) 10 năm tù (giảm 2 năm).
Với các bị cáo phạm tội “Đưa hối lộ” có đơn kháng cáo, HĐXX phúc thẩm quyết định tuyên phạt từ 27 tháng đến 9 năm tù. Có 1 bị cáo bị tuyên y án sơ thẩm.
Đối với tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, 2 bị cáo có đơn kháng cáo được HĐXX tuyên phạt 18 tháng tù và 30 tháng từ, đều cho hưởng án treo. Với tội “Môi giới hối lộ”, 2 bị cáo kháng cáo bị tuyên phạt 13 tháng tù và 3 năm tù, cho hưởng án treo.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng bị tuyên phạt 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (án sơ thẩm: chung thân). Bị cáo Trần Minh Tuấn bị tuyên phạt 18 năm tù (y án) về cả 2 tội “Đưa hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vụ án đặc biệt nghiêm trọng
Theo nhận định của HĐXX, việc đưa và nhận tiền của các bị cáo diễn ra nhiều lần trong thời gian dài; doanh nghiệp chi tiền với số lượng lớn để được cấp phép chuyến bay sớm, số lượng nhiều. Việc này cũng được các bị cáo là đại diện doanh nghiệp thừa nhận tại phiên tòa.
Đối với các bị cáo là cán bộ nhà nước trong vụ án này đã nhận số tiền đặc biệt lớn từ phía doanh nghiệp, không báo cáo cơ quan mà chiếm hưởng cá nhân...
Tại phiên phúc thẩm, diễn biến vụ việc đã được làm rõ. Cụ thể, khi dịch COVID -19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, tổ công tác của một số bộ ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.
Lợi dụng chủ trương trên, một số cá nhân thuộc các bộ ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp, cùng một số đối tượng khác đã thực hiện hành vi phạm tội.
Từ tháng 9.2020 đến tháng 12.2022, 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10,4 tỉ đồng.
23 bị cáo là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 226,7 tỉ đồng; 4 bị cáo môi giới hối lộ số tiền hơn 74,4 tỉ đồng và 2 bị cáo lừa đảo chiếm đoạt số tiền 24,5 tỉ đồng.
Tại tòa phúc thẩm, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội đúng như bản án sơ thẩm đã quy kết. Riêng bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Xây dựng Thái Hòa) không thừa nhận hành vi lừa đảo nhưng HĐXX đã căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo khác… và có đủ cơ sở xác định Tuấn đã đưa ra thông tin gian dối để lừa đảo.
Xét tính chất, hành vi phạm tội, HĐXX cấp phúc thẩm nhận thấy hành vi của các bị cáo xảy ra ở nhiều bộ ban ngành, địa phương, các bị cáo giữ chức vụ khác nhau nhưng không thực hiện đúng công vụ, nhiều lần nhận lợi ích vật chất, gây nhũng nhiễu, khó khăn, buộc doanh nghiệp phải có chi phí bôi trơn; mập mờ, không minh bạch trong việc cấp phép chuyến bay, xin chủ trương cách ly y tế…
Tuy nhiên, trong khi xét xử, HĐXX cũng phân hóa vai trò của từng bị cáo. Cụ thể, với những bị cáo đưa hối lộ, HĐXX xét thấy họ có mong muốn được tạo điều kiện để thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước nhưng việc đưa hối lộ diễn trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan nhà nước.
Với nhóm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo HĐXX, 2 bị cáo đã đưa ra thông tin gian dối. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên) đã thành khẩn, khắc phục hậu quả.
Xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo HĐXX, các bị cáo phạm tội trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hành vi của các bị cáo diễn ra nhiều lần và tòa cấp sơ thẩm đã đánh giá vai trò, nhân thân của từng bị cáo để đưa ra mức án phù hợp. Đối với Hoàng Văn Hưng, cấp phúc thẩm nhận định bị cáo này có tình tiết mới là thừa nhận sai phạm và khắc phục hậu quả nên có căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Theo nhận định của HĐXX, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên khi quyết định hình phạt, HĐXX cần căn cứ vào tài liệu, hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo, của những người liên quan, thái độ ăn năn, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình sự, xem xét quá trình công tác, nguyên nhân, bối cảnh phạm tội, việc khắc phục hậu quả… của từng bị cáo để đưa ra phán quyết phù hợp, nghiêm minh nhưng cũng nhân văn.
HĐXX xét thấy bị cáo Phạm Trung Kiên và Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ nhiều lần, số tiền lớn nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc.
Bị cáo Tô Anh Dũng, Trần Văn Tân... có thêm tình tiết giảm nhẹ mới, khắc phục xong hậu quả vụ án nên HĐXX xét thấy có căn cứ chấp nhận kháng cáo.
Đối với 2 bị cáo không có đơn kháng cáo là Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội) và Trần Việt Thái (cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia), HĐXX cũng xem xét và giảm nhẹ cho họ 1 năm tù. Cụ thể, bị cáo Tuấn lĩnh án 4 năm tù, bị cáo Thái nhận 3 năm tù theo đúng tội danh truy tố.