Cận cảnh dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đang ‘đắp chiếu’
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:08, 20/04/2019
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Những người bị khởi tố là Mai Văn Tinh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam, Đậu Văn Hùng - nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TISCO, Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc TISCO, Ngô Sỹ Hán - nguyên Phó tổng Giám đốc và Trưởng ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO.
Về TISCO giai đoạn 2, vào tháng 5.2005 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 để tăng thêm năng lực sản xuất 500.000 tấn phôi thép/năm, sử dụng nguồn quặng trọng nước. Sau đó, dự án được đấu thầu quốc tế và nhà thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim (MCC) của Trung Quốc trúng thầu. Đến ngày 29.9.2007 thì dự án được khởi công.
Thời gian từ 2007-2009, do khủng hoảng kinh tế thế giới khiến giá cả tăng đột biến nên nhà thầu MCC đã nhiều lần đòi tăng giá hợp đồng EPC và dừng triển khai dự án 18 tháng. Nội dung này vượt quá thẩm quyền hợp đồng EPC đã ký nên TISCO phải xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Đến ngày 25.3.2009, Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp với Tổng công ty Thép, tổng thầu MCC, TISCO và đại diện Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tìm cách tháo gỡ khó khăn cho dự án. Sau đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản đồng ý điều chỉnh chi phí phần C (xây lắp), giao cho VINAINCON của Việt Nam thực hiện và Bộ Công Thương cũng cho phép điều động thêm các nhà thầu phụ để hoàn thành dự án.
Giai đoạn này, vì ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới khiến giá cả vật tư , nguyên liệu, tiền lương cơ bản, tỷ giá, lãi suất tăng. Đây là nguyên nhân chính của việc tăng chi phí đầu tư, khó khăn trong việc huy động đủ vốn để thực hiện dự án. Do thiếu vốn nên các nhà thầu đã dừng thi công và rùy khỏi hiện trường khu vực Lưu Xá cuối quý 1/2013.
Tháng 4.2013, Thủ tướng đồng ý chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư án và TISCO điều chỉnh tăng vốn từ 3.843 tỉ đồng lên 8.104 tỉ đồng. SCIC cũng cũng tham gia góp 1.000 tỉ đồng vào dự án. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư thì dự án vẫn chậm tiến độ và đắp chiếu cho đến ngày nay.
Lãnh đạo TISCO cho biết việc triển khai bị chậm, tiến độ kéo dài đã gây dư luận không tốt trong xã hội đối với dự án, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của công ty.
Từ năm 2011, TISCO đã phải dùng nguồn vốn ngắn hạn để trả lãi và gốc vay của dự án cho ngân hàng hết khoảng 1.500 tỉ đồng, khiến TISCO phải vay thêm vốn để bù đắp vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh khiến chi phí tài chính tăng cao.
Từ tháng 1.2017, nợ vay cho dự án đến hạn trả gốc và lãi, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả cho ngân hàng 47 tỉ đồng nhưng do chậm tiến độ, chưa đi vào sản xuất nên TISCO chưa có nguồn để trả nợ. VietinBank chuyển nhóm nợ của TISCO sang nhóm 5; SCIC rút 1.000 tỉ đồng khỏi TISCO cũng khiến các chỉ tiêu tài chính xấu đi; nhiều ngân hàng đã giảm hạn mức cho vay và tăng lãi suất đối với doanh nghiệp khiến TISCO khó khăn trong cân đối dòng tiền.
Cũng theo doanh nghiệp, hiện TISCO cũng có vướng mắc với nhà thầu MCC của Trung Quốc. Theo đó, MCC cương quyết yêu cầu TISCO phải bồi thường chi phí kéo dài dịch vụ kỹ thuật, trông coi, bảo vệ thiết bị với mức 170 USD/người/ngày, tính từ quý 4/2012 tới nay; trả phí hướng dẫn lắp đặt và dịch vụ sau bán hàng cho chuyên gia máy nén ni-tơ với mức 1.000 USD/người/ngày.
Đặc biệt, MCC yêu cầu phải thanh lý hợp đồng, đưa hết các nhà thầu phụ Việt Nam ra khỏi công trường, giao mặt bằng để MCC đưa nhà thầu Trung Quốc vào thi công xây lắp hoàn thành dự án; thu xếp đầy đủ vốn theo tổng mức đầu tư được phê duyệt (8.104 tỉ đồng) trước khi khởi động lại dự án...
Với 14 nhà thầu phụ của Việt Nam ở dự án, TISCO cho biết họ đều đòi chi phí trông coi, bảo vệ công trường, máy móc từ khi tạm dừng thi công đến nay.
Tuy nhiên, những vướng mắc với MCC vượt ngoài thẩm quyền của TISCO nên hiện nay chưa thể giải quyết dứt điểm. Hợp đồng EPC và 14 thầu phụ đang lâm vào bế tắc.
Dưới đây là một số hình ảnh mà phóng viên Một Thế Giới ghi lại tại TISCO giai đoạn 2:
Nhiều hạng mục đã hoàn thành được 80%
TISCO giai đoạn 1 vẫn đang hoạt động với gần 5.000 công nhân
Phôi thép vừa được sản xuất
Máy móc, thiết bị được bảo quản trong thùng. Hơn 35.000 tấn máy móc đã được chuyển sang
Bài và ảnh: Lam Thanh