Năm 2023 miễn giảm, giãn hoãn gần 200.000 tỉ đồng thuế, phí
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:20, 27/12/2023
Năm 2023 miễn giảm, giãn hoãn gần 200.000 tỉ đồng thuế, phí
Năm 2023, Bộ Tài chính đã đề xuất chính sách miễn giảm, gia hạn thuế phí gần 200.000 tỉ đồng.
Chiều nay (27.12), Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Theo đó, Bộ Tài chính cho biết đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2023, với quy mô khoảng 200.000 tỉ đồng (miễn, giảm 79.000 tỉ đồng; gia hạn 121.000 tỉ đồng).
Trong đó, có rất nhiều chính sách lớn, như: giảm 2% thuế giá trị gia tăng; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; giảm 10 - 50% đối với 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2023.
Có chính sách số tiền gia hạn lên tới hơn 100.000 tỉ đồng. Riêng chính sách giảm 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Tài chính dự kiến tác động giảm thu khoảng 700 tỉ đồng.
Tính đến hết 25.12.2023, thu ngân sách nhà nước đạt 1.693,5 nghìn tỉ đồng, tăng 72.700 tỉ đồng (tăng 4,5%) dự toán, giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2022 (ngân sách trung ương tăng 4,6%; ngân sách địa phương tăng 4,4% so với dự toán).
Trong đó, thu nội địa tăng 5,7%; thu dầu thô đạt tăng 44,6%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 92,1% dự toán. Tổng số đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193.400 tỉ đồng, trong đó: miễn, giảm khoảng 78.400 tỉ đồng; gia hạn khoảng 115.000 tỉ đồng.
Tổng số chi ngân sách nhà nước đến ngày 31.12.2023 ước đạt khoảng 1,73 triệu tỉ đồng, bằng 83,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 144.000 tỉ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022; chi thường xuyên đạt 90,3% dự toán. Như vậy, ước tính năm 2023, bội chi ngân sách nhà nước thực hiện khoảng 4% GDP, giảm 40.300 tỉ đồng so với dự toán.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhìn nhận: "Năm 2023, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, hàng loạt chính sách đã đi vào cuộc sống với quy mô lên đến khoảng 200.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã thu được khoảng 1,7 triệu tỉ đồng".
Giải ngân đầu tư công đến thời điểm này đã đạt 76% so với kế hoạch Thủ tướng giao. Công tác quản lý nợ công chặt chẽ, hiệu quả cũng là một điểm sáng trong điều hành chính sách tài khóa nói riêng và chính sách vĩ mô nói chung. Quy mô nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần Quốc hội cho phép (60% GDP). Nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 50%. Cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên. Nợ trong nước chủ yếu là trái phiếu chính phủ có kỳ hạn phát hành dài, giảm thiểu rủi ro vay đảo nợ. Nợ nước ngoài giảm dần trong cơ cấu vay của Chính phủ. Danh mục nợ nước ngoài hiện hành chủ yếu vẫn là các khoản vay kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi.
Bộ trưởng nhận định năm 2024 là năm sẽ tiếp tục khó khăn. Kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong nước, sản xuất kinh doanh tăng trưởng thấp, lãi suất tiền vay cao, nợ xấu vẫn ở mức cao, nợ trái phiếu vẫn cao, các động lực tăng trưởng như bất động sản, giải ngân đầu tư công... chưa đạt như kỳ vọng. Đây sẽ là những yếu tố tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng cũng lưu ý, các giải pháp về thu ngân sách trong lĩnh vực thuế, hải quan năm qua đã được triển khai và có nhiều cải tiến khi thực hiện hóa đơn điện tử, kết nối liên thông với dữ liệu dân cư, thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, chống chuyển giá, thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền... nhưng tới đây, cần tiếp tục rà soát, tập trung nguồn thu từ giao dịch số, sàn thương mại điện tử trong nước, thu từ chuyển nhượng bất động sản, chống gian lận hoàn thuế, hóa đơn giả. "Đây là lĩnh vực tiềm năng, có điều kiện thực hiện và cần tập trung và phối hợp với các đơn vị làm ngay", Bộ trưởng yêu cầu.
Cũng theo Bộ trưởng, năm 2023, đã có nhiều giải pháp về miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Tuy vậy, việc giảm thuế để thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nếu tiếp tục kéo dài thì nguồn lực tài chính công sẽ bị suy giảm và đi ngược với thông lệ quốc tế. Bộ trưởng cho rằng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ là giảm thuế, mà rất nhiều việc phải làm, ví dụ như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục pháp lý, khó khăn về tín dụng, nguồn vốn.
Một vấn đề tiếp theo được Bộ trưởng nhắc đến là tháo gỡ nút thắt cho nền kinh tế để thúc đẩy tăng tổng cầu, tập trung vào 6 động lực: bất động sản, đầu tư công, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, tiêu dùng xã hội. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương cần làm thế nào để cùng thúc đẩy các động lực trên để phát triển trong năm tới.
Tới đây, Bộ Tài chính sẽ tập trung sửa một số luật như: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp...; sửa chính sách, chế độ về công tác phí, tiếp khách nước ngoài, phí cho cán bộ ngoại giao... đòi hỏi chi đúng, chi đủ để cường hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Liên quan đến thị trường vốn, chứng khoán, bảo hiểm, tín dụng, trái phiếu, theo Bộ trưởng, để doanh nghiệp trả được các khoản nợ đến hạn, cốt lõi là phải tạo môi trường đầu tư, hướng về doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp để họ "ăn nên làm ra", làm ăn hiệu quả, từ đó doanh nghiệp mới có nguồn lực trả nợ trái phiếu, bảo hiểm, có nguồn lực chăm lo cho người lao động, mở rộng sản xuất kinh doanh...