Bán hàng qua Internet: Cần chế tài xử lý mạnh hơn!
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 19:41, 19/04/2019
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua là từ 25% - 30%/năm. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đạt mức 30% với tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử (B2C) đạt trên 8 tỉ USD.
Tốc độ phát triển của thương mại điện tử phát sinh cùng với nhiều vấn đề liên quan. Do tính chất đặc thù của thương mại điện tử như người mua và người bán không gặp mặt mà chỉ liên lạc trên môi trường mạng, các công cụ tìm kiếm thuận tiện, cho phép người mua tìm kiếm dễ dàng, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Những vi phạm liên quan tới hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường Internet.
Việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp nơi trên thế giới và cả trên những sàn thương mại điện tử lớn… gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Tại Lễ ký cam kết "Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử" ngày 18.4, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay thương mại điện tử đã trở thành kênh tiêu thụ hiệu quả hàng giả, hàng gian, hàng cấm của nhiều đối tượng, làm mất lòng tin của người tiêu dùng.
Theo Tổng cục trưởng, các trường hợp vi phạm chủ yếu là không đăng ký, tập trung vào các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Hầu hết các trang web này đều đăng hình ảnh hàng hóa thật để thu hút người tiêu dùng, giá rất rẻ do là hàng nhái, giả... nhất là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, pháo... nhưng nguồn gốc, chất lượng là vấn đề đáng bàn.
Hơn nữa, hàng hóa luân chuyển đến các công ty chuyển phát hầu hết không có hóa đơn chứng từ và hàng hóa được thanh toán qua trung gian, các cơ quan chuyển phát đã vô hình trung trở thành vận chuyển hàng giả, hàng gian... gây nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường.
Theo đó, ông Trần Hữu Linh kiến nghị, với đặc điểm của internet được khởi tạo nhanh và gỡ đi cũng nhanh nên cần chế tài xử lý mạnh hơn. Cùng với đó, xây dựng một Nghị định quản lý mới có chương riêng về xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử phải mạnh hơn xử lý vi phạm ngoài đời thực, dừng cấp tên miền, gắn trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử và nhất là sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với các cơ quan tài chính, thuế...
Riêng lực lượng quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh tập huấn nâng cao trình độ đấu tranh với hàng giả, hàng gian, liên kết giữa các doanh nghiệp sàn thương mại điện tử và người tiêu dùng để nhận biết các sàn thương mại uy tín, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Chia sẻ về định hướng một số hoạt động đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) đề xuất một số giải pháp như: hoàn thiện khung khổ pháp lý; rà soát, phân loại các website ứng dụng; nâng cao năng lực thực thi pháp luật vè thương mại điện tử; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; giải pháp tổng thể bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật...
Trong vòng 4 năm, từ 2014 đến 2018, lực lượng quản lý thị trường toàn quốc đã xử lý tổng cộng 1.024.000, tổng số tiền xử phạt và nộp ngân sách 92.000 tỉ đồng. Riêng năm 2018, xử lý 232.000 vụ và nộp ngân sách 490 tỉ đồng.
Tuyết Nhung