Thực phẩm bẩn 'tấn công' thị trường cận Tết

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:32, 28/12/2023

Thời điểm cận Tết cũng chính là dịp các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... được trà trộn, tung ra thị trường tiêu thụ.
Thị trường và chính sách

Thực phẩm bẩn 'tấn công' thị trường cận Tết

Tuyết Nhung 28/12/2023 12:32

Thời điểm cận Tết cũng chính là dịp các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... được trà trộn, tung ra thị trường tiêu thụ.

Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, sức mua của người tiêu dùng gia tăng đáng kể. Nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm lại trở thành vấn đề nóng. Nhất là thời gian ngắn trở lại đây, các cơ quan chức năng liên tiếp bóc gỡ những vụ việc liên quan đến kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

qltt1.jpg

Điển hình là Cục Quản lý thị trường Hà Nội ngày 27.12 bất ngờ kiểm tra một kho lạnh là một căn nhà cấp 4 lụp xụp nằm giữa cánh đồng, phát hiện cả tấn thực phẩm bẩn chờ đổ buôn cho các quán ăn vỉa hè trên địa bàn Hà Nội. Đường dây này được lực lượng chức năng trinh sát, thẩm tra, xác minh cách đây 2 tháng trước khi tiến hành kiểm tra.

Đường dây mua bán thực phẩm bẩn này được vận chuyển từ các tuyến biên giới đưa về Hà Nội tiêu thụ. Để trốn tránh cơ quan chức năng, chúng thường xuyên thay đổi phương tiện, di chuyển nhiều cung đường và cất giấu thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tại nhiều địa chỉ khác nhau. Sau đó, chúng lợi dụng nửa đêm về sáng chuyển hàng đến tập kết tại kho hàng chính ở khu vực vắng người qua lại.

qltt2.jpg

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác liên ngành phát hiện trong kho hàng chứa khoảng hơn 1 tấn thực phẩm bẩn gồm chân gà, tràng lợn, trứng non, lòng lợn, lườn ngỗng...

Chủ kho hàng trên là Đào Hoàng Thắng (SN 1987) trú tại xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

Thắng khai đặt hàng mua thu gom từ đường biên giới Lào Cai giáp Trung Quốc về tập kết tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Số thực phẩm bẩn, không nguồn gốc này theo Thắng khai nhận sẽ đổ buôn cho các nhà hàng, quán ăn vỉa hè trên địa bàn TP.

Để trốn tránh cơ quan chức năng, Thắng đã lựa chọn điểm tập kết kho hàng là một căn nhà cấp 4 lụp xụp nằm giữa cánh đồng trên địa bàn phường Tây Tựu. "Nếu không có quá trình trinh sát dày công theo dõi địa điểm thì kho hàng đông lạnh này rất khó bị phát hiện, vì nó giống với nhiều kho lạnh chứa hoa của người dân làng hoa Tây Tựu", đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin.

Hay tại Yên Bái ngày 25.12 vừa qua, lực lượng chức năng khu vực đã bóc trần mánh khóe kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là thực phẩm và buộc tiêu hủy lô hàng 10 tấn nầm lợn tươi sống.

img_1151.jpg.jpg

Cục Quản lý thị trường TP.HCM mới đây cũng tạm giữ gần 25 tấn nội tạng động vật đông lạnh không nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, cục đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH DECQB Logistics trên đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức. Công ty TNHH DECQB Logistics do ông N.D.A làm giám đốc, hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH một thành viên. Đoàn kiểm tra ghi nhận tại kho lạnh của công ty đang chứa trữ số lượng lớn hàng hóa là nội tạng động vật đông lạnh các loại, không ghi xuất xứ, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng, không hóa đơn chứng từ, gồm: 3.110kg bao tử heo, 9.150kg vú heo, 5.000kg lá sách bò, 7.095kg dồi trường heo và 650kg trứng gà non. Tổng cộng 24.915kg, trị giá 2.414.550.000 đồng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định.

tp-ban-02.jpg

Các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn dịp Tết Nguyên đán thường là các thực phẩm tươi sống, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, nước đá, các loại thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay, nếu không được kiểm soát tốt sẽ có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tiếp tục tăng cường thực hiện biện pháp nghiệp vụ, công tác quản lý địa bàn, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm góp phần bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho người tiêu dùng.

Các chuyên gia an toàn thực phẩm cảnh báo, một số thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc trong những ngày lễ tết là gỏi, thịt chưa chín kỹ, bánh, mứt, nước ngọt và thực phẩm giá rẻ không rõ nơi sản xuất, thực phẩm có màu (hóa chất) và mùi lạ, không rõ hạn sử dụng.

Cùng với đó, là các loại hải sản khô lâu ngày bị nấm mốc, các loại cá và hải sản không tươi sống hay chưa chín kỹ. Thời tiết là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Do đó, chỉ cần sơ suất trong chế biến và bảo quản thực phẩm là có thể dẫn đến ngộ độc.

Người dân cũng có thể bị ngộ độc nếu ăn các loại rau sống không được rửa sạch; uống sữa và các sản phẩm từ sữa chưa diệt khuẩn, các thức uống tự pha chế không đảm bảo vệ sinh…

Để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, các chuyên gia an toàn thực phẩm lưu ý người dân cần tránh mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin nhà phân phối, nhất là bánh kẹo nhập khẩu. Nên tìm mua sản phẩm từ những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.

Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.

Với các loại rau, quả tươi, người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ. Với thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn, người tiêu dùng cần nhận diện thông tin về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ, rõ ràng trên sản phẩm, cơ sở sản xuất - kinh doanh, thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng trên nhãn…

Tuyết Nhung