Tự bào chữa, Tổng giám đốc Việt Á nói ‘bản thân không vụ lợi’

Sự kiện - Ngày đăng : 14:18, 28/12/2023

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Phan Quốc Việt thừa nhận sai phạm của mình nhưng khẳng định “bị cáo không hề có động cơ vụ lợi nào”.
Sự kiện

Tự bào chữa, Tổng giám đốc Việt Á nói ‘bản thân không vụ lợi’

Nhã Thanh 28/12/2023 14:18

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Phan Quốc Việt thừa nhận sai phạm của mình nhưng khẳng định “bị cáo không hề có động cơ vụ lợi nào”.

Ngày 28.12, Tòa án Quân sự thủ đô Hà Nội tiếp tục xét xử 7 bị cáo trong vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Học viện Quân y và Công ty Việt Á.

Sau phần luận tội của Viện kiểm sát, được quyền bào chữa trước HĐXX, bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) trình bày: "Tôi nhận sai phạm của mình, nhưng bị cáo không hề có động cơ vụ lợi nào".

phan-quoc-viet.jpg
Bị cáo Phan Quốc Việt trong phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Học viện Quân y - Ảnh: N.A

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Phan Quốc Việt cho rằng bản thân không ngại khó mà xông vào tâm dịch, bất chấp nguy hiểm về tính mạng. Thời điểm đó, ngoài Việt Á, không có đơn vị nào đáp ứng được nhu cầu về kit xét nghiệm cho cả nước để chống dịch.

Câu nói “cả nước cần Việt Á” được bị cáo Việt nhắc đi nhắc lại trong phần tự bào chữa. Theo bị cáo này, nếu về kit xét nghiệm thì công trạng là của Việt Á, cần được ghi nhận và công ty này không có gì để vụ lợi. Chính Việt Á là đơn vị áp dụng mẫu gộp, giúp tiết kiệm hàng chục ngàn tỉ đồng cho đất nước, giúp tăng tốc độ xét nghiệm…

Bị cáo Việt mong tòa xem xét đến tính chất phạm tội của bị cáo khi mà sai phạm và đóng góp của bị cáo đều xảy ra trên cùng sự việc, trong thời điểm COVID-19.

Bào chữa cho bị cáo Phan Quốc Việt, luật sư Hà Thế Long cho rằng bản thân bị cáo Việt không phải là người chủ động xin được tham gia đề tài, và thời điểm đó nhà nước kêu gọi các cá nhân, tổ chức cùng tích cực tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Theo luật sư Long, số tiền bị cáo Việt đưa cho các cán bộ Học viện Quân y không phải là tiền đưa hối lộ; tiền này là lợi nhuận mà Việt Á có được, chi cho Học viện Quân y nhằm hỗ trợ với mục đích chống dịch, không nhằm mục đích khác.

Trước đó, bị cáo Phan Quốc Việt bị VKS đề nghị 15 năm tù về hành vi lợi dụng chức vụ và từ 10 - 11 năm tù cho hành vi vi phạm đấu thầu, tổng hợp hình phạt từ 25 - 26 năm tù.

trinh-thanh-hung-2-.jpg
Bị cáo Trịnh Thanh Hùng trình bày trước HĐXX Tòa án Quân sự thủ đô Hà Nội - Ảnh: N.A

Tự bào chữa cho mình trước HĐXX, bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng, Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH-CN) đề nghị HĐXX xem xét về mặt nhận thức của bị cáo. Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo nhận thức rằng quy trình sản xuất bộ kit xét nghiệm là đề tài, là tài sản của nhà nước, phù hợp theo quy định của pháp luật.

Theo lời bị cáo Hùng tại tòa, việc tách vụ án để hai tòa án cùng xét xử là điều thiệt thòi cho bị cáo.

Trước đó, bị cáo Trịnh Thanh Hùng bị đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trước đó, nêu quan điểm luận tội, đại diện VKS cho biết dịch COVID-19 gây ra nhiều thiệt hại ở Việt Nam và thế giới, trong khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải ra sức chống đỡ nhưng các bị cáo có hành vi gian dối, lợi dụng dịch bệnh để phạm tội, gây thiệt hại cho nhà nước.

VKS nhận định hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quyền quản lý, làm giảm hiệu lực quản lý của nhà nước; gây giảm uy tín của cơ quan nhà nước nói chung và Học viện Quân y nói riêng…

VKS xét thấy tất cả bị cáo phải bị phạt tù nghiêm; tuy nhiên VKS cũng cân nhắc, ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ như nộp tiền khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, có thành tích trong công tác… Học viện Quân y cũng xin giảm nhẹ cho 4 bị cáo là cựu sĩ quan trong đơn vị.

Nhã Thanh