‘Kẻ thù mới’ của quân đội Hàn Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 10:50, 31/12/2023

Đài CNN dẫn lời giới phân tích nhận định tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới sẽ khiến lực lượng vũ trang Hàn Quốc khó duy trì đủ quân số để đối phó với các mối đe dọa khu vực Tây Thái Bình Dương ngày càng căng thẳng.
Quốc tế

‘Kẻ thù mới’ của quân đội Hàn Quốc

Cẩm Bình 31/12/2023 10:50

Đài CNN dẫn lời giới phân tích nhận định tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới sẽ khiến lực lượng vũ trang Hàn Quốc khó duy trì đủ quân số để đối phó với các mối đe dọa khu vực Tây Thái Bình Dương ngày càng căng thẳng.

Do luôn cảnh giác trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên nên Hàn Quốc thường duy trì lực lượng thường trực khoảng 500.000 quân. Nhưng tỷ lệ sinh chỉ 0,78 em bé ở mỗi phụ nữ đang khiến nước này đau đầu. Seoul có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài giảm bớt quân số.

Giáo sư Choi Byung-ook (Đại học Sangmyung) chỉ ra nếu muốn duy trì quân số hiện tại, mỗi năm lực lượng vũ trang Hàn Quốc cần tuyển mộ 200.000 người. Tuy nhiên năm 2022 chỉ có chưa đến 250.000 trẻ được sinh ra, giả sử tỷ lệ nam - nữ ngang bằng nhau thì 20 năm nữa số nam giới đến tuổi nhập ngũ chỉ là khoảng 125.000. Phụ nữ không bị buộc phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, số nữ giới tình nguyện phục vụ quân ngũ chỉ chiếm 3,6%.

Đáng ngại hơn, số trẻ được sinh ra mỗi năm sẽ còn giảm: năm 2025 có thể chỉ có 220.000, đến năm 2072 là 160.000.

ke.jpg

Quân đội đã dự báo và chuẩn bị trước cho xu hướng tỷ lệ sinh giảm từ cách đây 20 năm. Sách trắng Quốc phòng Hàn Quốc năm 2022 cho biết đầu thập niên 2000 nước này quyết định giảm lực lượng thường trực từ 674.000 xuống 500.000 vì nghĩ rằng mối đe dọa từ Triều Tiên sẽ giảm dần và mong muốn xây dựng quân đội quy mô nhỏ nhưng tinh nhuệ.

Giai đoạn 2002-2022, quy mô quân đội giảm 27,6%. Nhưng mối đe dọa từ Triều Tiên lại diễn biến vô cùng phức tạp.

Từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011, quan hệ liên Triều cùng quan hệ Mỹ - Triều trải qua khoảng thời gian tốt đẹp ngắn ngủi rồi lại khôi phục trạng thái đối đầu căng thẳng. Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển hạt nhân và tên lửa.

Sau lần thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thứ 5 trong năm nay, nhà lãnh đạo Kim tuyên bố không ngần ngại tiến hành tấn công hạt nhân nếu kẻ thù khiêu khích bằng vũ khí chiến lược - ám chỉ loạt khí tài mang được vũ khí hạt nhân mà Mỹ triển khai trên và xung quanh bán đảo Triều Tiên. Nếu tấn công thực sự xảy ra, quân đội Hàn Quốc sẽ phải chịu gánh nặng phòng thủ rất lớn.

Nhờ đến công nghệ

Giới chuyên gia cho rằng Hàn Quốc cần dùng công nghệ đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên, tận dụng khủng hoảng nhân lực tiến hành chuyển đổi.

Theo cựu trung tướng Chun In-bum: “Giới chức quốc phòng Hàn Quốc có chính sách chuyển từ quân đội lấy nhân lực làm trung tâm sang quân đội định hướng công nghệ. Họ đang cố gắng chuyển đổi nhưng lại không thấy phải thực hiện gấp gáp vì lượng lính nghĩa vụ rất dồi dào”.

Cuộc chiến Ukraine là minh chứng cho thấy quân số lớn chưa chắc đem lại chiến thắng. Quân đội Ukraine với máy bay không người lái (UAV) cùng vũ khí sở hữu công nghệ tiên tiến do phương Tây cung cấp gây ra không ít thiệt hại cho lực lượng Nga đông đảo hơn.

Hàn Quốc hiện rất nỗ lực trang bị công nghệ mới cho quân đội. Vào năm ngoái, Bộ Quốc phòng nước này công bố kế hoạch triển khai sử dụng hệ thống phối hợp tác chiến giữa phương tiện có người lái với phương tiện không người lái (MUM-T) dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) theo từng giai đoạn, đồng thời ra mắt lữ đoàn TIGER dùng cả binh sĩ lẫn thiết bị không người lái để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra Seoul còn đang tự phát triển máy bay không người lái tầm trung (MUAV) và phương tiện không người lái dưới nước (UUV).

Nhân sự vẫn giữ vai trò chủ chốt

Tuy nhiên, tướng Chun nhắc nhở công nghệ không phải “thuốc chữa bách bệnh”. Quân đội vẫn cần dùng đến binh sĩ để đánh chiếm và giữ quyền kiểm soát lãnh thổ. Các hệ thống AI ngoài chiến trường cần có nhân sự được đào tạo bài bản vận hành và giám sát.

Tướng Chun đề xuất cần cải tiến cơ chế huy động người theo hướng cho phép gọi nhiều lính dự bị nhập ngũ hơn.

Hiện tại nam giới Hàn Quốc sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc 18 - 21 tháng sẽ trở thành lính dự bị trong vòng 8 năm. Trong khoảng thời gian này, mỗi năm họ đều được triệu tập về đơn vị cũ để nghe nhắc nhở về vị trí cùng nhiệm vụ của bản thân. Sau đó họ phải tham gia huấn luyện phòng thủ dân sự hằng năm cho đến 40 tuổi. Cơ chế đang áp dụng đem lại cho Hàn Quốc 3,1 triệu lính dự bị.

Khóa huấn luyện hằng năm cho lính dự bị thường kéo dài 3 ngày 2 đêm. Hàn Quốc hiện thí điểm chọn ra lượng lính dự bị nhất định để tiến hành huấn luyện 180 ngày mỗi năm để củng cố năng lực chiến đấu của họ.

Một phương án khác là tăng số lượng nhân sự chuyên nghiệp (phục vụ thời gian dài hơn). Thành phần này giúp giữ vững năng lực chiến đấu bất chấp quân số giảm.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tỷ lệ nhân sự chuyên nghiệp trong quân đội đã tăng từ 31,6% năm 2017 lên 40,2% năm 2022. Mục tiêu đến năm 2027 đạt 40,5%.

Kế hoạch trên gặp phải vấn đề lớn: ít người muốn phục vụ quân ngũ. Dữ liệu từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho thấy số người ứng tuyển các vị trí nhân sự chuyên nghiệp giảm từ khoảng 30.000 năm 2018 xuống còn 19.000 năm 2022.

Phương án huy động phụ nữ thì sao? Nữ giới chiếm tỷ lệ không nhỏ trong lực lượng vũ trang nhiều nước như Israel, Canada, Mỹ.

Giáo sư Choi nhận định huy động phụ nữ có thể giải quyết vấn đề, nhưng phương án này bị cản trở bởi xã hội Hàn Quốc còn nặng tính gia trưởng, chi phí xã hội cao và việc phụ thuộc vào phụ nữ sinh con. Tướng Chun lại cho rằng phương án hoàn toàn khả thi nếu đưa ra mức lương đủ hấp dẫn.

Cẩm Bình