Cơ sở hạ tầng - điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 09:04, 01/01/2024
Cơ sở hạ tầng - điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch
Một năm trôi qua với những thăng trầm, biến động, hãy tự thưởng cho mình và gia đình một chuyến đi, vừa có dịp khám phá phong cảnh tuyệt đẹp, vừa là cơ hội để tề tựu, sum vầy.
Và đây cũng là “thời điểm vàng” để quảng bá hình ảnh đất và người An Giang nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh vốn có phát triển xứng tầm một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, “yếu tố tiên quyết” để phát triển du lịch, đồng thời thu hút nhà đầu tư “rót vốn” vào một cách mạnh mẽ chính là “cơ sở hạ tầng”, trong đó gồm cả đường sá, tuyến giao thông huyết mạch kết nối các khu-điểm du lịch lân cận
Tuyến đường huyết mạch rất cần được khơi thông
Thực trạng cho thấy tuyến đường tỉnh 948 từ Tịnh Biên đi Tri Tôn là tuyến kết nối du lịch, vận chuyển hàng hóa quan trọng của tỉnh An Giang. Tuy nhiên dự án này bị chậm tiến độ, phải xin gia hạn nhiều lần. Những ngày Tết đến, xuân về gần kề mà tuyến đường “then chốt” này vẫn trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, thi công chưa đến đâu, chật hẹp “nhiêu khê” vô cùng.
Một số đoạn xe chỉ chạy được một bên trong khi nhiều phương tiện giao thông đưa khách từ Tịnh Biên đến tham quan núi Cấm rất đông đúc dẫn đến chậm trễ tour của du khách; bụi bay mịt mù, sỏi đá lởm khởm nhấp nhô tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đáng tiếc.
Kế đến, con đường di chuyển từ Tri Tôn đến khu du lịch Đồi Tức Dụp cũng xuống cấp không kém do đặc thù địa hình, nhiều ổ voi ổ gà nối tiếp nhau, đường nhựa nát tan, chi chít, lởm chởm sỏi đá. Không khỏi nóng lòng, Ban Quản lý khu du lịch Đồi Tức Dụp phải ra tay sửa chữa, làm phẳng một đoạn trước cổng chào để phục vụ du khách. Người dân địa phương đa phần là dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn nên cũng chỉ vá víu tạm thời đoạn đường ngang nhà mình cho thuận tiện đi lại.
Để ngành du lịch thực sự trở thành kinh tế mũi nhọn, rất cần đẩy mạnh công tác xúc tiến “khơi thông” những tuyến đường trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi, di chuyển nhanh chóng, chỉnh trang đường sá rộng rãi, đẹp mắt, góp phần tạo ấn tượng đối với du khách đến thăm An Giang trong những ngày đầu năm mới.
Nội lực sẵn sàng đột phá
Mới đây, UBND tỉnh An Giang ban hành Chương trình số 300/CTr-UBND về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh thời kỳ 2021-2025, xem như một trong những chương trình trọng điểm của tỉnh nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 nhiệm kỳ 2020-2025.
Được biết nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang củng cố nội lực, tăng vốn, sẵn sàng “đột phá” với nhiều dự án công trình mới, chỉ còn chờ cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Đơn cử như khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm chuẩn bị cho chiến lược “làm mới sản phẩm du lịch” trên nhiều phương diện thuộc hệ sinh thái rộng lớn sẵn có như: Trang trí cảnh quan khuôn viên nhà ga cáp treo, đầu tư khu resort đẳng cấp, bổ sung nhiều dịch vụ cao cấp khu vui chơi giải trí, nhà hàng Hoa Anh Đào…
Chuỗi công trình này mang tính đồng bộ về cảnh quan với diện mạo mang âm hưởng hiện đại kết hợp hài hòa cùng văn hóa tín ngưỡng đặc trưng hấp dẫn xứng danh "đệ nhất Thất Sơn” hùng vĩ.
Kỳ vọng tỉnh An Giang tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên cơ sở cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS, DDCI; đồng thời chuẩn bị tốt “5 sẵn sàng”: quỹ đất, cơ sở hạ tầng, nguồn lực, sẵn sàng giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm giá trị cốt lõi và sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư.
Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu ở Nam Bộ và cả Việt Nam, thu hút du khách về hành hương, chiêm bái.
Tỉnh An Giang ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tạo cơ sở, điều kiện cho những bứt phá trong kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch thời gian tới, nhất là dịp Tết Giáp Thìn 2024.