Đằng sau việc Trung Quốc xóa loạt phim Rise of the Dark Lotus từng gây ra cơn sốt vàng
Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 12:28, 01/01/2024
Đằng sau việc Trung Quốc xóa loạt phim Rise of the Dark Lotus từng gây ra cơn sốt vàng
Loạt phim nhỏ (mini) nổi tiếng Trung Quốc là Rise of the Dark Lotus đã biến mất khỏi mạng internet nước này sau khi thu hút hàng triệu lượt xem trong vòng chưa đầy một tuần.
Mô tả về sự trả thù của một người phụ nữ bị tổn thương trong 120 tập phim ngắn, Rise of the Dark Lotus (Sự trỗi dậy của Hoa sen đen) tồn tại không lâu nhưng đã trở thành hiện tượng mạng trước khi bị gỡ bỏ. Hai nền tảng video ngắn nổi tiếng Douyin và Kuaishou Technology đưa ra nguyên nhân Rise of the Dark Lotus bị gỡ bỏ là vì phim có "nhiều cảnh trả thù quá cực đoan".
Rise of the Dark Lotus do công ty sản xuất phim ít tên tuổi Tinhuadao thực hiện.
Theo báo chí địa phương, trong vòng 24 giờ sau khi phát hành, Rise of the Dark Lotus đã thu về 20 triệu nhân dân tệ (2,8 triệu USD) phí đăng ký. Tập đầu tiên Rise of the Dark Lotus đã đạt được 10 triệu lượt xem, trở thành một trong những ví dụ nổi bật nhất của thể loại phim nhỏ này.
Loạt phim truyền hình nhỏ này là một phần của cơn sốt vàng với các nhà sản xuất video trực tuyến ở Trung Quốc, nơi mà xu hướng xem những chương trình ngắn trên thiết bị di động đang nổi lên.
Tuy nhiên, lĩnh vực này đang phải chịu sự giám sát ngày càng tăng của cơ quan quản lý. Vào tháng 11, Cơ quan Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) đã triển khai hành động để xem xét việc sản xuất, tiếp thị và các giá trị xã hội liên quan đến nội dung đó.
Bất chấp những rủi ro này, các công ty sản xuất địa phương đã gấp rút tung ra những loạt phim nhỏ này, thường bao gồm 100 tập trở lên, mỗi tập dài khoảng 1 đến 5 phút, với thời gian và kinh phí eo hẹp. Việc quay toàn bộ loạt phim có thể được hoàn thành trong vòng một tuần.
Theo Cai Juntao, Phó chủ tịch Hixi Media Group - công ty sản xuất nội dung có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), ngân sách sản xuất thường thấp, dao động trong khoảng 200.000 - 300.000 nhân dân tệ. Công ty văn học trực tuyến iReader cho biết có thể phát hành từ 15 đến 18 chương trình khác nhau mỗi tháng.
Theo các chuyên gia trong ngành, bất chấp ngân sách thấp và phát hành nhanh chóng những chương trình như vậy, cư dân mạng Trung Quốc vẫn yêu quý chúng vì khai thác rất nhiều từ các chủ đề phổ biến trong văn học và văn hóa Trung Quốc, được hỗ trợ bởi hoạt động tiếp thị rầm rộ.
Yan Min, người sáng lập công ty tư vấn công nghiệp Duanju Insider, cho biết hình thức này đã trở thành phương tiện thông minh để chuyển thể tiểu thuyết trực tuyến phổ biến lên màn ảnh.
Các chủ đề phổ biến gồm tỷ phú phải lòng người dọn dẹp nhà cửa hay nhân viên bán hàng thấp kém, hoặc một người xuất thân hoàn cảnh khó khăn đột nhiên thức dậy với siêu năng lực. Cốt truyện thường sến súa nhưng diễn biến nhanh, với vô số tình tiết bất ngờ và những cảnh tình dục hoặc bạo lực, đã nhanh chóng thu hút sự chú ý.
Theo Cai Juntao, chi tiêu cho tiếp thị những phim nhỏ dạng này, gồm cả việc mua quảng cáo trên các nền tảng truyền thông xã hội và video ngắn, có thể lên tới hàng chục triệu nhân dân tệ. “Họ biến việc kinh doanh nội dung thành một trò chơi tiếp thị hoặc mua lưu lượng truy cập”, ông nói.
Dòng phim nhỏ sử dụng mô hình kinh doanh freemium, cung cấp miễn phí các tính năng cơ bản của dịch vụ cho người dùng và tính phí với các tính năng bổ sung hoặc nâng cao.
Trong trường hợp đó, các clip của loạt phim nhỏ thường được quảng cáo thông qua nền tảng video ngắn như Douyin (phiên bản TikTok Trung Quốc của ByteDance) và Kuaishou để thu hút đối tượng khán giả thường dùng thiết bị di động ở Trung Quốc, đa phần là những người thuộc các tầng lớp không giàu có.
Khoảng 10 tập đầu tiên của phim được xem miễn phí, phần còn lại yêu cầu thanh toán để mở khóa, việc này có thể được thực hiện cho một tập hoặc trong toàn bộ phần còn lại.
Một tập phim thường có giá dưới 4 nhân dân tệ, thậm chí nhiều tập có giá khoảng 1 nhân dân tệ. Tuy nhiên, nếu xem hết loạt phim, người dân ở Trung Quốc có thể phải trả 100 nhân dân tệ mỗi tháng, gần bằng giá đăng ký Netflix tiêu chuẩn ở Mỹ.
Con số này cũng cao hơn nhiều so với một thuê bao phát trực tuyến thông thường ở Trung Quốc, nơi dịch vụ như iQiyi của Baidu và Tencent Video tính phí khoảng 25 nhân dân tệ mỗi tháng.
Cơn sốt vàng đã mang lại cho ngành này doanh số bán hàng mỗi tháng lên đến 60 triệu nhân dân tệ, tăng 50% trong 5 tháng tính đến tháng 11.2023, từ mức 40 triệu nhân dân tệ vào tháng 6.2023, theo nhà nghiên cứu chứng khoán CSC Financial.
CSC Financial ước tính thị trường phim truyền hình nhỏ ở Trung Quốc sẽ đạt giá trị từ 20 tỉ đến 30 tỉ nhân dân tệ trong năm nay. Để so sánh, ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đã kiếm được 30 tỉ nhân dân tệ tại phòng vé vào năm 2022, do ảnh hưởng bởi các hạn chế kéo dài về COVID-19 khiến nhiều rạp chiếu phim phải đóng cửa.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý Trung Quốc luôn cảnh giác với bất kỳ nội dung nào vi phạm các quy tắc chính trị và đạo đức nghiêm ngặt của đất nước.
Đánh giá tháng 11 của Cơ quan Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc về nội dung, sản xuất và tiếp thị loạt phim nhỏ (diễn ra trước khi Rise of the Dark Lotus phát sóng) cũng thiết lập một hệ thống danh sách đen để chặn các chương trình không phù hợp, chẳng hạn có nội dung bạo lực, khiêu dâm hoặc thô tục.
Niu Hui, người sáng lập và Giám đốc nghệ thuật tại xưởng sản xuất Red Box (có trụ sở tại Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), cho biết cuộc truy quét của cơ quan quản lý có thể giúp thúc đẩy ngành này bắt đầu thực hiện các chương trình chất lượng cao hơn.
Ông nói: “Việc thắt chặt quy định, cùng với thị trường đông đúc hơn, đã thúc đẩy ngành công nghiệp phim truyền hình nhỏ lên tầm cao cấp hơn, với các hiệu ứng đặc biệt, nội dung và cách thể hiện nghệ thuật tốt hơn”.
Niu Hui nói thêm rằng trong tác phẩm gần đây của mình là Supreme Dragon King, Red Box đã tránh những hiệu ứng đặc biệt rẻ tiền và sử dụng loạt hiệu ứng thường thấy trong các phim trực tuyến.