Có cách điều trị ung thư chi phí thấp, hãng Israel tìm chỗ đứng vững chắc ở Trung Quốc
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 16:50, 01/01/2024
Có cách điều trị ung thư chi phí thấp, hãng Israel tìm chỗ đứng vững chắc ở Trung Quốc
Hãng công nghệ y tế P-Cure (Israel) đang tìm cách đảm bảo chỗ đứng vững chắc ở Trung Quốc bằng hệ thống trị liệu ung thư bằng proton siêu nhỏ gọn, có thể giúp họ tận dụng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cung cấp phương pháp điều trị y tế tiên tiến với giá cả phải chăng cho bệnh nhân.
Thông qua công ty con SIHA ở Trung Quốc, P-Cure đã bắt đầu xây dựng một trung tâm trị liệu bằng proton ở thị trấn Thái An (tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc), thực hiện bước đi quan trọng đầu tiên trong việc thúc đẩy hệ thống để mang lại lợi ích cho hàng triệu bệnh nhân ung thư ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Yang Chen, Chủ tịch SIHA, nói với tờ SCMP rằng hệ thống siêu nhỏ gọn, có khả năng điều chỉnh 360 độ mà không cần cột trụ, có giá chỉ bằng một phần nhỏ so với hơn 50 triệu USD cho các phương pháp thay thế hiện tại. Nó sẽ được xây dựng tại nhiều bệnh viện và cơ sở y tế trên khắp Trung Quốc trong bối cảnh các cơ quan y tế quốc gia này nỗ lực phục vụ tốt hơn cho những bệnh nhân ung thư chưa được điều trị đúng mức.
Bà nói: “P-Cure có lợi thế về chi phí thấp và mất ít thời gian hơn để hoàn thành việc xây dựng. Chúng tôi tin rằng đây là một hệ thống trị liệu bằng proton lý tưởng để hỗ trợ nỗ lực của Trung Quốc nhằm nâng cao hệ thống y tế cho mình”.
Tháng 3.2022, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt Giải pháp Trị liệu Proton Thích ứng của P-Cure, dẫn đến việc chính quyền Trung Quốc tiến hành xây dựng cơ sở ở tỉnh Sơn Đông hai tháng sau đó.
Công nghệ này cho phép bác sĩ tăng liều bức xạ lên khối u, đồng thời giảm thiểu tác động lên các mô khỏe mạnh xung quanh.
Phương pháp của P-Cure bao gồm chụp cắt lớp vi tính (CT) 4D chất lượng chẩn đoán, quét chùm tia bút chì, hệ thống định vị robot, hình ảnh X quang và huỳnh quang liên tục cũng như phần mềm định vị để đảm bảo điều trị được đưa đến khối u mà không nhắm vào mô khỏe mạnh. Nó có thể được sử dụng để điều trị ung thư phổi, vú, ngực, đầu, cổ và thân dưới.
Công nghệ trị liệu bằng proton thường cần 200 tấn thiết bị và phải mất khoảng 5 năm để hoàn thành việc xây dựng. Những công ty hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực này là Siemens và Hitachi.
Có hơn 100 trung tâm trị liệu bằng proton ở khoảng 20 quốc gia trên thế giới, hầu hết tại Mỹ. Ở Trung Quốc, đến năm 2022 mới chỉ có 5 trung tâm loại này được xây dựng.
Yang Chen cho biết SIHA đang đàm phán sơ bộ với một số cơ quan cùng tổ chức y tế về việc đầu tư và xây dựng các trung tâm điều trị P-Cure, nhưng sẽ không tiết lộ thêm thông tin chi tiết.
Chủ tịch SIHA nói thêm, thời gian xây dựng cơ sở ở Thái An của P-Cure kéo dài khoảng hai năm, chỉ bằng khoảng một nửa thời gian để hoàn thành một trung tâm trị liệu bằng proton truyền thống.
Yang Chen nói: “Điều quan trọng là làm cho việc điều trị tiên tiến có thể tiếp cận được và giá cả phải chăng, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn quan tâm đến việc liệu công nghệ này có thể được sử dụng để điều trị bệnh của họ hay không”.
Chi phí điều trị bằng proton ở Trung Quốc hiện nay có thể lên tới 500.000 nhân dân tệ (70.524 USD). Yang Chen cho biết P-Cure đặt mục tiêu cung cấp gói sản phẩm của mình với giá dưới 200.000 nhân dân tệ.
Hiện tại, chưa đến 1% người mắc các bệnh lý có thể được điều trị bằng liệu pháp proton đủ khả năng tiếp cận với công nghệ này, theo Yang Chen.
Năm 2023, khoảng 4 triệu ca ung thư mới được báo cáo ở Trung Quốc. Zhang Yong, Giám đốc Trung tâm Ung thư Quốc gia Trung Quốc, nói với Tân Hoa Xã rằng nhiệm vụ phòng ngừa và kiểm soát ung thư của đất nước vẫn còn khó khăn và đòi hỏi nỗ lực chung của các tổ chức khác nhau.
Mạnh Tianying, Giám đốc điều hành cấp cao của công ty tư vấn Domo Medical (có trụ sở tại thành phố Thượng Hải), nói: “Ung thư, một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu, là mối đe dọa thường xuyên với sức khỏe của người dân Trung Quốc. Công nghệ và phương pháp điều trị với giá cả phải chăng sẽ được các cơ quan y tế và bệnh nhân Trung Quốc hoan nghênh nhất”.
Ủy ban Y tế Quốc gia đặt mục tiêu xây dựng hơn 40 trung tâm trị liệu bằng proton mới ở Trung Quốc vào năm 2025.
Trị liệu bằng proton là một phương pháp điều trị ung thư sử dụng proton để tạo ra tác động của bức xạ đến khối u. Proton là một loại hạt mang điện tích dương. So với các tia X thông thường, proton có khả năng tập trung hơn vào khu vực cần điều trị và giảm thiểu tác động lên mô khỏe mạnh xung quanh.
Trong phương pháp trị liệu này, các proton được tăng tốc độ năng lượng và được hướng tới khối u. Khi di chuyển qua cơ thể, proton truyền năng lượng đến khối u và gây tổn thương cho tế bào ung thư. Do tính chất của proton, lượng bức xạ đến mô khỏe mạnh xung quanh ít hơn so với các phương pháp điều trị bằng tia X truyền thống.
Trị liệu bằng proton được coi là phương pháp tiên tiến và có lợi ích đặc biệt trong việc điều trị các khối u ở những vị trí quan trọng hoặc gần các cơ quan nhạy cảm. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi các trung tâm y tế đặc biệt với thiết bị đắt đỏ và chuyên gia chuyên nghiệp để triển khai.
Trung Quốc: Mỗi phút có 6 người mắc ung thư
Theo thống kê của các chuyên gia y tế Trung Quốc, cứ mỗi phút nước này lại có 6 người được chẩn đoán bị ung thư. Trong đó, tuổi đời của các bệnh nhân ung thư ngày càng trẻ hơn và ung thư phổi là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Thống kê này được tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đăng tải hồi tháng 6.2023. Theo đó, mỗi năm nước này ghi nhận trung bình tới 3,12 triệu ca ung thư mới, với khoảng 2 triệu trường hợp tử vong.
Độ tuổi của các bệnh nhận và tình trạng gia tăng nhanh chóng của bệnh ung thư phổi, ung thư vú và ung thư ruột kết là khiến các bác sĩ lo lắng hơn cả. Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng 60% số trường hợp mắc bệnh lẽ ra có thể tránh được nếu có lối sống lành mạnh.
Các bệnh ung thư có gắn với lối sống đang tăng nhanh tại Trung Quốc.
Xu Congjian, Giám đốc điều hành Bệnh viện sản phụ khoa thuộc Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), nói số bệnh nhân nữ mắc ung thư tại Trung Quốc ngày càng trẻ hơn trước. Trong số các bệnh nhân ung thư phụ khoa, 21% là phụ nữ trẻ chưa có con.
Trong khi đó, ung thư cổ tử cung đang bắt đầu ảnh hưởng tới phụ nữ ở tuổi 30 và 40, sớm hơn 10 năm so với trước đây, do đời sống tình dục sớm hơn, quan hệ với nhiều người và thói quen hút thuốc, theo Xu Congjian.
Trong số các bệnh ung thư tại Trung Quốc, ung thư phổi, dạ dày, trực tràng, gan và thực quản là thường gặp nhất. Chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất là ung thư phổi.
Trong vòng 30 năm qua, tỷ lệ tử vong vì ung thư phổi tại nước này tăng tới 465% và trở thành loại ung thư gây tử vong cao nhất.
Chen Wanqing, Phó giám đốc Cơ quan quốc gia về phòng chống và nghiên cứu kiểm soát ung thư Trung Quốc, nói 85 – 90% số ca ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá, 20% số ca tử vong vì ung thư có liên quan đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng và thiếu luyện tập.
Ô nhiễm môi trường cũng khiến nhiều người mắc ung thư hơn, nhưng đến nay vẫn chưa có nghiên cứu trên diện rộng về vấn đề này.