‘Giao đường sắt Bắc - Nam, sân bay Long Thành cho tư nhân làm chỉ mất 10 năm’
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:30, 03/05/2019
“Tôi nói ví dụ như dự án đường sắt Bắc Nam hay là cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nếu Chính phủ giao cho khối tư nhân thì tôi tin chắc rằng việc thực thi không phải mất 30 năm mà chỉ trong vòng dưới 10 năm. Và đây là những nỗ lực mà khối doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng nhận nhiệm vụ với Chính phủ", ông Bình nói.
Chia sẻ quan điểm này, bà Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch VietjetAir, một doanh nghiệp tư nhân hàng không của Việt Nam, cho biết phía VietjetAir mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để các tập đoàn tư nhân có tiềm lực tham gia đầu tư hạ tầng sân bay. Đơn cử, việc VietjetAir muốn nâng cấp sân bay Điện Biên.
“Chúng tôi cũng mong được đối xử bình đẳng, công bằng, cũng như mong muốn Chính phủ sớm điều chỉnh quy hoạch xây dựng hạ tầng sân bay, nhất là sân bay quá tải”, bà Hà kiến nghị.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, xã hội hóa dịch vụ công và thực hành đối tác công-tư (PPP) trong mọi lĩnh vực có thể là con đường huy động sức dân cho các mục tiêu phát triển.
Theo ông Lộc, đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong nội dung cải cách của các bộ ngành và chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, so với các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và phi chủ quản hóa các doanh nghiệp nhà nước, thì nhiệm vụ xã hội hóa các dịch vụ công các bộ ngành triển khai rất chậm trễ.
Ông Lộc đề nghị Quốc hội và Chính phủ yêu cầu các bộ ngành và chính quyền các địa phương xây dựng và triển khai quyết liệt chương trình này. Theo đó, việc gì người dân và doanh nghiệp, các tổ chức xã hội làm được thì Nhà nước không ôm, để đạt được mục tiêu tinh giản hóa bộ máy, giảm chi tiêu và đầu tư của nhà nước, huy động được nguồn lực, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đồng thời mở ra thị trường và không gian phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân - “một mũi tên trúng được nhiều đích”.
Đối với các dịch vụ phát triển kinh doanh, đề nghị các bộ ngành và địa phương có kế hoạch chuyển giao sớm cho các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Các công trình dự án đầu tư công lớn cần đưa ra bàn bạc với cộng đồng doanh nghiệp.
Người đứng đầu VCCI chia sẻ, với sự chung tay của các doanh nghiệp Việt và thực tiễn là những công trình tiêu biểu mà họ đã thực hiện như các khu đô thị lớn nhất Việt Nam, tòa nhà cao nhất Việt Nam, các sân bay, bến cảng, tuyến đường cao tốc, các dự án sản xuất ô tô, dịch vụ hàng không, thành phố thông minh…, các doanh nghiệp Việt có thể chung tay với Nhà nước đóng vai trò chủ trì theo phương thức đối tác công-tư trong xây dựng các công trình lớn hàng đầu của đất nước.
“Đặc biệt là các dự án có ý nghĩa chính trị, kinh tế và xã hội rộng lớn, biểu tượng cho tinh thần dân tộc và sự phát triển của quốc gia như: các tuyến đường cao tốc Bắc Nam, sân bay quốc tế Long Thành... và các dự án chiến lược khác”, ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, đây là nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt, là trách nhiệm của họ với đất nước và cũng là cơ hội thị trường và cơ hội kinh doanh để họ có thể lớn lên. Sau hơn 40 năm đất nước thống nhất, sau hơn 30 năm đổi mới, đây có lẽ là thời điểm thích hợp các doanh nghiệp Việt có thể hợp sức làm nên những công trình có tầm vóc lịch sử này.
Chủ tịch VCCI cũng đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành luật về đối tác công-tư để bảo đảm thuận lợi, minh bạch, an toàn, bảo vệ hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, của nhà nước và tất cả các chủ thể có liên quan. Đó là điều kiện cần không thể thiếu làm điểm tựa niềm tin và khung pháp lý vững chắc cho việc triển khai các dự án đối tác công-tư trong thời gian tới.
Lam Thanh