Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đạt 73.5% kế hoạch

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 14:00, 03/01/2024

Bộ Tài chính cho biết kết quả giải ngân 12 tháng ước đạt 73,5% tổng kế hoạch năm 2023.
Tài chính và đầu tư

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đạt 73.5% kế hoạch

Lam Thanh 03/01/2024 14:00

Bộ Tài chính cho biết kết quả giải ngân 12 tháng ước đạt 73,5% tổng kế hoạch năm 2023.

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 14447/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 11 tháng, ước thực hiện 12 tháng kế hoạch năm 2023.

Theo báo cáo về giải ngân vốn kế hoạch năm 2023, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 30.11.2023 là 449.506,6 tỉ đồng, đạt 56,98% kế hoạch (788.935,5 tỉ đồng). Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH là 58.902 tỉ đồng (đạt 45,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31.12.2023 là 579.848,8 tỉ đồng, đạt 73,5% kế hoạch (đạt 81,87% kế hoạch được giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch và đạt 75,11% kế hoạch được giao). Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH là 72.686 tỉ đồng (đạt 56,1% kế hoạch được giao).

Nhận xét tình hình giải ngân kế hoạch vốn, Bộ Tài chính cho biết kết quả giải ngân 12 tháng ước đạt 73,5% tổng kế hoạch năm 2023.

Trong khi có một số đơn vị đạt kết quả tích cực, có khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân như Ngân hàng Nhà nước (94,74%), Bộ Giao thông vận tải (86,08%), Bộ Quốc phòng (85,05%), Quảng Ngãi (98,94%), Long An (94,78%), Đồng Tháp (91,68%), Cà Mau (90,49%).

tien-nh.jpeg
Kết quả giải ngân 12 tháng ước đạt 73,5% tổng kế hoạch năm 2023

Còn 63/115 đầu bộ và địa phương có kết quả giải ngân ước 12 tháng thấp hơn bình quân của cả nước trong đó nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp (12 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân được dưới 20%, 2 địa phương dưới 40%).

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân là mâu thuẫn, chồng chéo về cơ chế, chính sách. Cụ thể như một số quy định pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất; quy định việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, cơ chế giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư công các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác

Ngoài ra, là quy định về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm, thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn tại Điều 52, Điều 56 Luật Đầu tư công và trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước theo Điều 46 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/04/2020...

Về tổ chức thực hiện, trong công tác giải phóng mặt bằng, vướng quy hoạch sử dụng đất, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư... dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công.

Chậm điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án do nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn tâm lý giữ vốn, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Cần quyết liệt hơn nữa

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm trong việc lập, thực hiện các kế hoạch đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện thi công các dự án đầu tư công; phối hợp chặt chẽ, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, về nguồn nguyên vật liệu, về đơn giá để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công…

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng đầu tư công góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, liên kết vùng, nên có ý nghĩa quan trọng không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn tạo nền tảng phát triển cho nhiều năm sau này.

“Tôi ví dụ, nếu 10 năm trước mà có những cao tốc như bây giờ thì tốt biết mấy. Quốc lộ 1 quá chật hẹp, đường thuỷ thì tàu lớn cũng khó di chuyển. Các doanh nghiệp nước ngoài trước khi họ vào đầu tư họ cũng xem xét đến vấn đề hạ tầng, nếu thấy đường sá phát triển, vận chuyển hàng hóa thuận lợi thì họ mới đầu tư”, ông Nhân nói.

ts.-le-ba-chi-nhan-1.jpg
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân

Một điểm nghẽn lớn nữa theo ông Nhân là giải phóng mặt bằng. “Có tỉnh chỉ mấy tháng đã đạt 80 - 90%, nhưng có tỉnh thì kéo dài mãi không xong, trong khi cơ chế, chính sách, giá đất thì như nhau? Vấn đề lớn là ở chính sách tuyên truyền, vận động”.

“Anh phải sâu sát xuống dân. Có thể một lần họ chưa hiểu, nhưng “mưa dầm thấm lâu”, vận động nhiều lần họ sẽ hiểu ra. Cần phân tích việc một dự án, cao tốc đi qua thì người dân họ sẽ được hưởng lợi những gì? Đồng thời có chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư… hợp lý mới có thể thuyết phục họ giải phóng mặt bằng”, ông Nhân nói và cho rằng đây là vấn đề cốt lõi cần giải quyết.

Bộ Tài chính đề nghị chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị, công điện và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng.

Đối với số vốn đề nghị điều chuyển giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: Hiện nay, UBTVQH không thông qua phương án điều chuyển, vì vậy đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ trong tháng 12 (trong trường hợp chưa phân bổ) và giải ngân nguồn vốn nêu trên theo Nghị quyết số 217/NQ-CP ngày 15.12.2023 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.2023.

Ngoài ra, các chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng gửi KBNN thanh toán theo quy định; sớm có phương án đối với nguồn vốn không giải ngân hết theo thời gian quy định, chỉ đề xuất kéo dài đối với các dự án đúng đối tượng theo quy định tại Nghị định số 40/2020/NĐ-CP và thực sự cần thiết, có khả năng tiếp tục giải ngân, tránh trường hợp được phép kéo dài nhưng vẫn không giải ngân được, gây lãng phí.

Lam Thanh