Bộ Công Thương nói trước khi tăng giá điện đã trình Chính phủ, sao bây giờ...
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 18:43, 04/05/2019
Chiều 4.5, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, phóng viên đã hỏi đại diện Bộ Công Thương về vấn đề tăng giá điện. Theo đó, trước khi tăng giá điện phải có đánh giá tác động của chính sách tăng giá. Vừa qua Bộ đã tăng giá điện rồi, giờ mới đi lập đoàn, kiểm tra đánh giá tác động, vì sao bộ lại làm ngược như vậy? Trách nhiệm của bộ trong giám sát việc điều chỉnh tăng giá điện thời gian qua thế nào?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết ông chia sẻ với những suy nghĩ, bức xúc của người tiêu dùng khi hóa đơn tiền điện cao hơn trong bối canh đang khó khăn hiện nay. Theo đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải tiếp nhận xử lý, giải đáp đầy đủ các khiếu nại của khách hàng trong tháng 4. Nếu phát hiện lỗi do tập đoàn thì phải xử lý nghiêm.
Ông Hải cho rằng EVN cũng cần tăng cường việc truyền thông để người dân hiểu việc tăng tiền điện, tiếp tục làm tốt công việc chăm sóc khách hàng trong những tháng nắng nóng. “Cách đây 2 ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra để làm việc về vấn đề giá điện. Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu thành lập đoàn thanh tra về vấn đề này”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, trước khi có quyết định tăng giá điện thì Bộ Công Thương đã đánh giá tác động của việc tăng giá điện để trình Chính phủ, bao gồm việc tăng ảnh hưởng đến giá cả mặt hàng, CPI ra sao…
"Sáng nay phó thủ tướng, trưởng ban điều hành giá cũng đã họp với các bên liên quan, nhận được lời khẳng định là đảm bảo được CPI của tháng 4, và chỉ tiêu CPI dưởi 4% mà Quốc hội đã đặt ra cho năm 2019", ông Hải nói.
Đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ phối hợp với các bộ ngành để thanh tra vấn đề giá điện trong tuần tới với tinh thần khách quan, nghiêm túc về việc tăng giá điện cũng như phương pháp tính giá bán điện. Sau khi có kết quả sẽ công bố với công chúng.
Liên quan đến việc sửa bậc thang 6 bậc, giảm bù chéo, ông Hải cho biết quan điểm của Bộ Công Thương là quy định nào đưa ra mà thấy không hợp lý, thấy cần sửa thì phải kiên quyết sửa, còn việc sửa thế nào thì phải tính toán để tốt hơn trước, đảm bảo mục tiêu tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả và phù hợp với thực tiễn đất nước.
Về danh mục bí mật nhà nước ngành công thương, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 mặt hàng là xăng dầu và điện. Đây là phương án để tính toán, trình các cấp có thẩm quyền trước khi công bố một cách chính thức.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, biến động giá xăng dầu có ảnh hưởng đến việc lạm phát, nhất là lạm phát kỳ vọng trong nhân dân. Giá điện cũng vậy, có ảnh hưởng lớn đến điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước và cuộc sống của người dân. Lạm phát kỳ vọng trong nhân dân có ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều hành của nhà nước. Do đó, Bộ Công Thương đề xuất đưa vào danh mục bí mật nhà nước của ngành công thương.
Lam Thanh