Các nhóm vũ trang thân Iran tại Trung Đông
Quốc tế - Ngày đăng : 16:40, 06/01/2024
Các nhóm vũ trang thân Iran tại Trung Đông
Hãng tin AP chỉ ra tình hình Trung Đông thời gian qua cho thấy Hamas không hề đơn độc. Điều này đồng nghĩa với việc Israel và Mỹ phải đối phó các nhóm vũ trang khác được Iran hậu thuẫn có liên kết với Hamas.
Từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, nhóm Hezbollah hùng mạnh ở Lebanon lập tức đẩy mạnh hoạt động tấn công biên giới phía bắc Israel, nhóm Houthi ở Yemen liên tục tập kích tàu hàng qua Biển Đỏ, vài nhóm khác ở Syria và Iraq cũng không ngần ngại tấn công lực lượng Mỹ đồn trú. Dường như tất cả đều nhằm mục đích khiến Israel không thể dành toàn bộ nguồn lực cho chiến dịch quân sự tại Dải Gaza, đồng thời đẩy cao thiệt hại quân sự, kinh tế lẫn chính trị của xung đột mà Israel - Mỹ phải gánh chịu.
Các nhóm không nhất thiết phải làm xung đột leo thang, tuy nhiên nhà phân tích Randa Slim (Viện nghiên cứu Trung Đông) cảnh báo, tất cả đã tự liên kết thành một mạng lưới và khi sự tồn vong của bất cứ nhóm nào bị đe dọa thì họ sẽ tập hợp lại.
Hamas
Ra đời vào năm 1987 lúc biểu tình phản đối Israel chiếm đóng lan rộng, Hamas thuộc một nhánh của Phong trào Anh em Hồi giáo - một trong số lực lượng vũ trang nổi bật trong cộng đồng Hồi giáo Sunni. Nhóm từng thực hiện không ít vụ đánh bom liều chết và tấn công nhằm vào dân thường lẫn binh lính Israel.
Hamas dùng vũ lực giành quyền kiểm soát Dải Gaza vào năm 2007 - một năm sau khi chiến thắng cuộc bầu cử quốc hội tại đây. Israel phong tỏa vùng lãnh thổ này và kể từ đó, hạn chế lượng người cùng hàng hóa ra vào. Tuy nhiên, Hamas lại nhận được sự ủng hộ từ thế giới Ả Rập và Hồi giáo trong đó có Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù theo Hồi giáo Sunni nhưng nhóm này lại xây dựng quan hệ mật thiết với Iran cùng các thế lực Hồi giáo Shiite. Giới phân tích nhận định đợt tập kích miền Nam Israel ngày 7.10.2023 của Hamas là động thái nhằm tái thu hút sự chú ý từ cộng đồng quốc tế khi chính quyền cực hữu ở Israel gạt bỏ mọi nỗ lực đàm phán đạt thỏa thuận chính trị với Palestine.
Hezbollah
Thành lập năm 1982 để đối phó Israel đưa quân vào Lebanon, Hezbollah theo Hồi giáo Shiite mạnh cả về quân sự lẫn tổ chức. Trong thập niên 1990 nhóm từng thực hiện nhiều vụ tấn công chống lại Mỹ, chẳng hạn như đánh bom doanh trại thủy quân lục chiến ở Beirut năm 1983. Từ năm 1992 họ bắt đầu tham gia chính phủ Lebanon. Cánh quân sự của nước này mạnh hơn cả quân đội đất nước.
Năm 2006, Hezbollah bắt cóc binh sĩ Israel làm bùng lên cuộc chiến tàn phá Beirut và miền Nam Lebabon. Khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, người dân đã lo lắng lịch sử lặp lại. Tuy nhiên đến nay nhóm chỉ bắn pháo và tên lửa qua biên giới chứ chưa thực hiện hành động mạo hiểm nào. Không loại trừ khả năng tình hình leo thang vì vụ sát hại phó chỉ huy Saleh Mohammed Suleiman Al-Arouri của Hamas tại miền nam Lebanon tuần qua. Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 5.1 tuyên bố nhóm phải trả đũa nếu không toàn bộ Lebanon sẽ trở thành mục tiêu Israel nhắm đến.
Houthi
Có tên chính thức là Ansar Allah, Houthi khởi đầu với tư cách một trong số nhóm vũ trang tranh giành quyền lực tại Yemen. Phương châm của nhóm là tiêu diệt Israel và Mỹ, tuy nhiên nhóm chủ yếu tập trung vào sự vụ trong nước.
Mâu thuẫn với chính phủ Yemen, Houthi giành quyền kiểm soát thủ đô vào năm 2014 rồi nhanh chóng chiếm giữ phần lớn miền Bắc. Liên minh quân sự do Ả Rập Saudi dẫn đầu phát động chiến dịch tấn công nhằm loại bỏ nhóm nhưng bất thành, Houthi dần dựa vào hỗ trợ tài chính và vũ khí từ Iran.
Thời gian gần đây, Houthi liên tục tập kích tàu hàng qua Biển Đỏ hoặc yêu cầu tàu chuyển hướng gây thiệt hại lớn cho kinh tế thế giới.
Các nhóm dân quân nhỏ ở Syria và Iraq
Một loạt nhóm dân quân nhỏ đã chiến đấu chống lại lực lượng Mỹ cùng đồng minh suốt nhiều năm qua. Họ thường nhắm vào căn cứ có quân phương Tây đồn trú ở khu vực.
Từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, số vụ tấn công tăng mạnh. Ngày 4.1 vừa qua, Mỹ tiến hành tập kích thủ lĩnh nhóm dân quân thân Iran Harakat al-Nujaba tại Baghdad, khiến người này cùng một thành viên khác của nhóm thiệt mạng - diễn biến khiến Thủ tướng Iraq Mohammed Shia' Al Sudani tức giận yêu cầu chấm dứt vĩnh viễn hiện diện của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đồn trú nước này.
Vài nhóm cực đoan khác
Xung đột Israel - Hamas là cơ hội để một số nhóm cực đoan Hồi giáo Sunni kêu gọi thực hiện hành động khủng bố. Ngày 5.1, IS kêu gọi người Hồi giáo khắp thế giới “trả thù cho người dân Gaza” bằng cách “săn lùng người Do Thái, người theo đạo Thiên Chúa”.