Chip AK5818 giúp ô tô phát hiện trẻ em bị bỏ quên, độ chính xác cao hơn 75% các sản phẩm hiện có
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 12:03, 07/01/2024
Chip AK5818 giúp ô tô phát hiện trẻ em bị bỏ quên, độ chính xác cao hơn 75% các sản phẩm hiện có
Tập đoàn Asahi Kasei (Nhật Bản) đã tạo ra chip cho phép hệ thống ô tô phát hiện tốt hơn liệu một đứa trẻ có bị bỏ quên bên trong hay không.
Asahi Kasei hy vọng sẽ bắt đầu sản xuất chip hàng loạtsớm nhất là vào tháng 10.2024 trong bối cảnh các quy định trên toàn thế giới thắt chặt nhằm ngăn ngừa những cái chết do tai nạn, trang Nikkei Asia đưa tin.
Được phát triển bởi Asahi Kasei Microdevices - công ty con của Asahi Kasei, chip AK5818 sử dụng sóng milimet để phát hiện vật thể. Công ty khởi nghiệp Pontosense (Canada) đang cung cấp kiến thức chuyên môn cho Asahi Kasei Microdevices về các phương pháp phát hiện.
Chip mới đặc biệt tốt trong việc phân biệt giữa người với đồ vật và được cho có độ chính xác cao hơn 75% so với các sản phẩm hiện tại. Công nghệ kiểm soát tần số độc quyền cho phép chip AK5818 không chỉ phát hiện hình dạng mà còn cả những chuyển động nhỏ như hơi thở của trẻ em.
Chip AK5818 dự kiến sẽ được ra mắt tại CES, triển lãm thương mại công nghệ tiêu dùng lớn nhất thế giới, sẽ chính thức khai mạc hôm 9.1.2024 ở thành phố Las Vegas (Mỹ). Khách tham quan CES 2024 có thể trực tiếp trải nghiệm công nghệ phát hiện của Pontosense. Asahi Kasei hy vọng sẽ gây ấn tượng với các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp liên quan.
Xếp hạng an toàn ô tô của châu Âu sẽ gồm cả việc liệu các phương tiện có cảm biến để phát hiện đứa trẻ bị bỏ quên (bắt đầu từ năm 2025 hay không), trong khi Nhật Bản yêu cầu lắp đặt thiết bị an toàn trên xe buýt chở trẻ em.
Theo công ty nghiên cứu Global Information, thị trường toàn cầu cho các hệ thống phát hiện như vậy được dự đoán sẽ tăng lên 83,13 tỉ USD vào năm 2030, gấp 27 lần so với 2022.
Với nhu cầu về công nghệ phát hiện sóng milimet được dự báo sẽ tăng lên, Asahi Kasei đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần doanh số các sản phẩm liên quan từ năm tài chính 2023 đến 2030.
Các nhà sản xuất chip Mỹ và châu Âu dẫn đầu về chip phát hiện trẻ sem bị bỏ quên trên ô tô. Asahi Kasei hy vọng có thể khai thác các công nghệ cảm biến của mình để thâm nhập vào thị trường vốn đã có sự hiện diện của tên tuổi lớn như Infineon Technologies (Đức) và Texas Instruments (Mỹ).
Ngoài ra, Asahi Kasei còn mong muốn chip này sẽ được sử dụng trong các hệ thống giám sát cấp cao.
Lý do trẻ em bị bỏ quên trên ô tô dễ tổn thương não, hôn mê, tử vong
Theo một nghiên cứu từ Mỹ, cơ thể trẻ em nóng lên nhanh gấp 3 đến 5 lần so với người lớn, Reuters đưa tin. Nếu bị bỏ lại trong một chiếc ô tô hơi nóng, các cơ quan trong cơ thể đứa trẻ bắt đầu ngừng hoạt động khi nhiệt độ đạt tới 40 độ C.
Đã có nhiều trường hợp trẻ em tử vong thương tâm khi bị bỏ quên trên ô tô. Theo các chuyên gia, khi ngồi trong một chiếc ô tô quá nóng, chỉ cần 20 phút là đứa trẻ có thể bị tổn thương não bộ và thận do nhiệt độ cơ thể tăng quá cao vì sốc nhiệt và ngạt thở. Trẻ em bị tổn thương nhanh hơn do khả năng thích ứng với nhiệt độ kém hơn, mất nước nhanh hơn người lớn.
Khi ô tô đóng cửa và tắt máy dưới trời nắng, nhiệt độ trong xe sẽ tăng lên rất nhanh, khoảng gấp rưỡi nhiệt độ bên ngoài trong vòng 1 tiếng, với mức tăng thêm 3 - 6 độ sau mỗi 10 phút.
Khi trẻ em bị sốc nhiệt, sẽ tác động đến toàn bộ cơ quan trong cơ thể như hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, suy thận, suy gan, tổn thương não, hôn mê… Nếu nhiệt độ trong cơ thể trẻ em lên tới hơn 40 độ C, các cơ quan của bé sẽ ngừng hoạt động. Khi nhiệt độ cơ thể lên tới 41,6 độ C thì trẻ em có nguy cơ cao tử vong.
Nếu được điều trị sớm và tích cực các biến chứng cùng bù dịch đầy đủ, tỉ lệ sống đạt trên 90%. Tuy nhiên khi nhiệt độ cơ thể trẻ em vượt trên 42 độ thì rất khó cứu.
Ở một góc nhìn khác, Cục Quản lý An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cho biết nhiệt độ bên trong một chiếc ô tô đang đỗ có thể nóng hơn 30°C so với bên ngoài xe. Điều đó đồng nghĩa vào một ngày 30°C, nhiệt độ bên trong ô tô có thể đạt tới hơn 60°C, theo Reuters.
Ngoài ra, cơ thể trẻ em nóng lên nhanh gấp 3 đến 5 lần so với người lớn.
Khi ở trong ô tô đã tắt máy, trẻ em hít vào CO2 cùng với hemoglobin trong hồng cầu làm biến đổi cấu trúc hemoglobin, khiến hồng cầu không thể vận chuyển oxy tới các tế bào cơ thể.
Thành phần chính của hồng cầu là hemoglobin – protein giàu sắt tạo màu đỏ cho máu. Mỗi phân tử hemoglobin bao gồm 4 nguyên tử sắt, mỗi nguyên tử sắt sẽ liên kết với 1 phân tử oxy và 2 nguyên tử oxy. Hemoglobin chiếm khoảng 33% của 1 tế bào hồng cầu, có mật độ 14 g/dL ở nữ giới và 15,5 g/dL ở nam giới.
Từ đó, tế bào thiếu hụt oxy khiến trẻ em sẽ hôn mê rồi tử vong. Nếu bé còn sống thì di chứng về não là rất lớn bởi não không có oxy trong thời gian dài.
So với người lớn, trẻ em có nguy cơ cao hơn. Lý do bởi trẻ em sức khỏe yếu, có thể tử vong do sốc nhiệt kể cả khi xe đỗ trong bóng râm.
Khí CO2 không mùi, không vị, không gây đau đớn, do đó cơ thể người bị ngạt không được “cảnh báo” để thoát nạn.
Khi đi ô tô và bị ngạt khí thì bạn sẽ thấy đau ngực, hồi hộp, môi và đầu ngón tay, chân bị tím, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, mất định hướng, co giật, tiểu – đại tiện không tự chủ… dẫn tới hôn mê và tử vong.
Các bác sĩ cảnh báo rằng, với ô tô dù loại nào và xe có khởi động hay không, khi không có người lớn ở cùng thì tuyệt đối không để trẻ ở bên trong một mình. Đặc biệt, trong môi trường nắng nóng, bạn cần hạn chế cho trẻ em chơi ngoài trời, đi lại ngoài nắng nóng vì rất dễ bị say nắng, say nóng (sốc nhiệt).
Khi gặp trường hợp trẻ em bị lơ mơ, hôn mê do ở trong ô tô lâu, bạn cần đưa bé ngay ra nơi mát, thoáng gió. Sau đó, bạn cho trẻ uống nước điện giải (nếu uống được), hạ thân nhiệt bằng cách chườm mát bằng khăn ướt, nới rộng quần áo để thoáng khí. Nếu ở nhà có thuốc hạ sốt thì cho trẻ em uống để hạ sốt trước, tiếp đó đưa bé ngay đến cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời.