Huế tiếp nối Đà Nẵng quyết 'nói không với túi nylon'
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 20:41, 14/05/2019
Cuối tuần qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần (thể tích 330 - 500ml) trong công sở và khi tổ chức các hội nghị hội thảo, chuyển đổi sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (trên 20 lít), hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, vật liệu dễ phân hủy (sản phẩm sản xuất từ giấy).
Đồng thời, nội dung công văn yêu cầu không được sử dụng túi nylon, khăn lau sử dụng một lần trong tất cả các hoạt động của cơ quan, đơn vị và tại các hội nghị, hội thảo.
Sở Tài chính tỉnh này không được phép thanh toán các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước đối với việc sử dụng các sản phẩm nhựa, nylon sử dụng một lần, khó phân hủy; phối hợp Sở TN-MT hướng dẫn cụ thể một số chủng loại sản phẩm, hàng hóa, vật dụng thay thế.
Tỉnh cũng yêu cầu trong tháng 6 tới, các đơn vị liên quan khẩn trương khảo sát, hỗ trợ sản xuất để đưa sản phẩm của làng nghề đệm bàng thay thế cho ống hút bằng nhựa; có giải pháp để hỗ trợ phát triển thị trường, tập trung vận động các đơn vị kinh doanh trong khu vực phố đi bộ, các đơn vị dịch vụ sử dụng ống hút thân thiện môi trường...
Động thái này của Thừa Thiên - Huế tương tự việc UBND TP.Đà Nẵng hồi cuối tháng 4 đã kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần khó phân hủy; đồng thời có giải pháp sử dụng công cụ, dụng cụ thay thế chai nhựa sử dụng một lần phục vụ các cuộc họp, hội thảo...
UBND TP.Đà Nẵng cũng đã có công văn yêu cầu các các tổ chức, doanh nghiệp, các hội doanh nhân và doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, nhà hàng, quán ăn dịch vụ trên địa bàn... hưởng ứng, triển khai các hoạt động cụ thể, nhằm giảm thiểu dùng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần xây dựng môi trường trong lành, phát triển bền vững.
Là một điểm du lịch nổi tiếng, TP.Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam đã sớm quyết tâm "nói không với túi nylon" bằng việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa và nylon khó phân hủy, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Thành phố này phát gần 10.000 bao túi thân thiện với môi trường tới người dân ở Cù Lao Chàm; khuyến khích người dân thành phố đi chợ bằng làn, các quán ăn dùng ống hút giấy, tre thay thế ống hút nhựa:
Họ thành lập một quỹ vì môi trường do tất cả các doanh nghiệp đóng góp để thông qua đó đầu tư cho tất cả các mô hình về giảm thải rác thải nhựa, ví dụ như những doanh nghiệp đầu tư, trang bị những dụng cụ không phải bằng nhựa mà bằng tre, gỗ thì những doanh nghiệp đó sẽ được hỗ trợ.
Ảnh minh họa - Nguồn: Blog.conngongvang.com
Trên thực tế, vì sự gọn nhẹ và tiện lợi của túi nylon mà đa số người tiêu dùng hiện nay vẫn dễ dàng bỏ qua tính độc hại của nó về lâu dài, hơn là tập thói quen sử dụng các sản phẩm thay thế.
Để hạn chế lượng túi nylon thải ra môi trường, đã có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các hệ thống siêu thị, đã đưa vào sử dụng túi nhựa sinh học tự hủy như Coop.Mart Saigon, Big C, Citimart, Lotte... Bên cạnh đó, các siêu thị này cũng có bán loại túi tái chế nhưng không có nhiều khách hàng bỏ tiền ra mua, hoặc nếu có mua cũng hay quên đem theo khi đi siêu thị.
Còn ở chợ thì khỏi phải bàn đến vì túi nylon ở đây được sử dụng "vô tội vạ" khi bất cứ thứ gì dù nhỏ hay lớn cũng được cho vào đó. Nói như vậy không phải là vì người tiêu dùng không biết túi nylon độc hại, gây ô nhiễm môi trường nhưng vì nó tiện lợi, lại miễn phí nên họ vẫn dùng. Trong khi cá, thịt, rau... bán ở chợ thì không thể đựng trong túi giấy được, những người bán hàng nhỏ lẻ ít ai mà chịu đầu tư bỏ tiền mua túi sinh học tự huỷ.
Có một công cụ được kỳ vọng sẽ giảm lượng tiêu thụ túi nylon không phân hủy là chính sách thuế. Tuy nhiên, vấn đề bất cập thể hiện rõ ngay ở giá của túi nylon trên thị trường đó là chỉ 30.000 - 40.000 đồng/kg túi trong khi quy định thuế cho nhà sản xuất túi là 40.000 đồng. Nếu không đẩy mạnh áp dụng các công cụ tài chính để kiểm soát, xử phạt cũng như cơ chế khuyến khích sử dụng túi thân thiện sẽ khó loại bỏ túi nylon đang gây ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê của Bộ TN-MT, trung bình mỗi ngày mỗi người sử dụng hơn một chiếc túi nylon. Hai thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon mỗi ngày nhưng hiện chưa có các công văn thiết thực nhằm ứng xử trực tiếp với vấn đề túi nylon như các địa phương duyên hải miền Trung nói trên.
Còn tại Hội An, mỗi năm thành phố này phải chi khoảng 40 tỉ đồng để xử lý rác thải. Lò đốt rác của thành phố chỉ có công suất khoảng 30 tấn ngày/đêm, 70 tấn rác còn lại buộc phải chở đi huyện Núi Thành chôn lấp.
An Thư