PGS Đinh Trọng Thịnh: Xăng dầu tính thị trường thì ít, tập trung bao cấp thì nhiều
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:14, 14/05/2019
Liên quan đến việc Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo các vướng mắc, khó khăn liên quan đến Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó đề nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Đinh Trọng Thịnh từ Học viện Tài chính về vấn đề này.
Năng lực dự báo giá xăng, dầu yếu
- Trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ, VINPA đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Theo ông, tính cần thiết của quỹ này đến đâu?
Theo tôi, hiện nay vẫn nên giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Quỹ này nhằm giảm thiểu những cú sốc mang tính nhất thời và không nghiêm trọng của thị trường xăng dầu, làm bình ổn thị trường.
Quan trọng nhất, chúng ta coi mặt hàng xăng dầu là mặt hàng chiến lược và Nhà nước độc quyền kinh doanh nên phải giữ giá bình ổn, vì đây được coi là nguồn nhiên nguyên liệu đầu vào bắt buộc của nền kinh tế. Chính vì lẽ đó mà Quỹ bình ổn ra đời.
Trong thời gian qua, dù nó có rất nhiều vấn đề nhưng Quỹ bình ổn đã thực hiện được cái vai trò của mình là đã góp phần tạo ra sự bình ổn xăng dầu mà nền kinh tế có thể yên tâm để tăng trưởng. Thời gian vừa qua, việc bình ổn này tương đối tốt.
Tuy nhiên, quỹ này cũng có nhiều vấn đề, đặc biệt là việc trích lập, chính sách quản lý, cách thức điều hành và thời điểm bơm ra hay rút từ thị trường về. Việc thực hiện điều này thể hiện sự bị động của cơ quan quản lý, việc trích quỹ, xả quỹ không được thực hiện trôi chảy. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng Quỹ bình ổn này không cần thiết, hết vai trò, nên cần bỏ đi.
- Ông cho rằng vẫn nên giữ Quỹ bình ổn, vì sao vậy?
Chúng ta thấy, mặc dù đã có nhiều thay đổi trong quản lý xăng dầu so với trước đây nhưng quản lý xăng dầu vẫn mang tính kinh tế thị trường thì ít mà tập trung bao cấp thì nhiều. Bây giờ chúng ta vẫn có rất ít đầu mối nhập xăng dầu, mà đầu mối này là do các cơ quan nhà nước chỉ định, cho phép cho nên việc nhập xăng dầu không có tính cạnh tranh, dù có 6 đầu mối.
Một vấn đề khác là trong việc kinh doanh xăng dầu vừa qua, việc quản lý giá cũng không đến nơi đến chốn, trình độ quản lý của cán bộ lại yếu nên việc nhập khẩu xăng dầu theo giá thế giới vẫn còn lúng túng.
Xăng dầu thế giới bán cho các doanh nghiệp chúng ta nhập về theo kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và đồng tiền chấp nhận chủ yếu là USD. Do mua bán theo kỳ hạn nên buộc chúng ta phải dự đoán được mức giá trước thời điểm nhập. Chẳng hạn doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu phải tính toán giá xăng dầu có thể lên xuống thế nào trong vài tháng tới, có hợp lý hay không, rồi tiến hành mua kỳ hạn với các đối tác trên thị trường.
Bài toán này rất khó đối với các doanh nghiệp cũng như cán bộ Việt Nam hiện nay vì đòi hỏi việc phải nắm được thị trường xăng dầu, biến động của tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới có thể ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong tương lai.
Việt Nam thực sự thiếu những cán bộ có năng lực dự báo diễn biến tình hình của một mặt hàng cụ thể, mặc dù chúng ta là nhà xuất khẩu lớn trên thế giới thì đáng ra phải nắm vững diễn biến của thị trường. Do đó, việc ta nhập khẩu xăng dầu trở thành một gánh nặng của doanh nghiệp, kéo theo đầu vào có rất nhiều khó khăn.
Về đầu ra, doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu vẫn mang tính độc quyền, chỉ một số doanh nghiệp được bán lẻ. Các nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực này ở mấy tháng gần đây thì sự cạnh tranh ở thị trường bán lẻ cũng không có.
Vì vậy, việc Nhà nước vẫn nắm và điều hành xăng dầu hiện nay vẫn là cần thiết, mặc dù có nhiều doanh nghiệp, chuyên gia mong muốn Nhà nước để cho tư nhân làm lĩnh vực này.
Trên thị trường xăng dầu có những đợt tăng giá ảo do một nhóm nào đó hoặc nhân tố nào đó đưa lên, hoặc các nhà đầu cơ đưa ra thông tin có lợi cho họ khiến sai lệch giá cả. Chính Quỹ bình ổn như một khoản đệm để giải quyết những trường hợp tăng giá tạm thời, không đúng thực chất tình hình. Khi đó, quỹ này sẽ xả ra để đảm bảo tương đối bình ổn để không để giá xăng dầu lên cao hoặc xuống mạnh quá.
Quỹ còn mang tính hành chính
- Ngoài ra theo VINPA, việc sử dụng Quỹ bình ổn mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. Theo ông, quỹ này mang tính thị trường hay là hành chính?
Phần lớn quỹ này mang tính hành chính nhưng ở một góc độ nào đó mang ý nghĩa kinh tế. Hành chính vì đây là chỉ đạo của cơ quan quản lý, còn mặt thị trường là để giảm thiểu mặt trái của thị trường xăng dầu - một mặt hàng vẫn được xem rất quan trọng.
Đã là mặt hàng chiến lược thì phải quản lý nên không có lý do gì Nhà nước không sử dụng mọi biện pháp, kể cả can thiệp hành chính, để đem lại hiệu quả trong quản lý kinh doanh. Do đó, quỹ này cũng vẫn còn tác dụng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, quỹ này cần được các nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp ngồi lại với nhau xem cách thức trích lập, cách thức hoạt động của quỹ này như thế nào, đặt nó ở đâu là phù hợp, cách xả quỹ thế nào.
Chúng ta không thể biết giá xăng tăng trường kỳ mà vẫn cứ xả quỹ thì không ổn. Chúng ta vẫn phải hoạt động theo thị trường chứ! Chỉ nên xả quỹ khi tăng giá bất thường, tạm thời thôi, còn nếu tăng bền vững thì không nên xả quỹ.
VINPA có cho rằng, việc trích lập Quỹ bình ổn 300 đồng/ lít theo quy định tại Nghị định 83/2014 điều hành xăng dầu đang khiến "người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi" khi bản chất là họ đang phải ứng trước cho quỹ.
Nhưng thị trường xăng dầu chưa hoàn toàn là thị trường, nó vẫn cần bàn tay điều hành của Nhà nước. Nhà nước phải dùng nhiều biện pháp khác nhau để điều hành giá xăng dầu. Giá xăng dầu tăng bền vững thì dứt khoát giá xăng dầu trong nước cũng phải tăng theo. Nhưng trong giai đoạn giá xăng dầu tăng do đầu cơ, do các yếu tố tâm lý thì rõ ràng việc dùng quỹ sẽ giảm thiểu các tín hiệu giả của thị trường.
Quỹ góp phần bình ổn giá xăng dầu và giảm các thiệt hại không đáng có của ngành sản xuất khi giá xăng dầu tăng lên bởi các yếu tố mang tính tâm lý hoặc do đầu cơ. Do đó, có lợi cho điều hành thì cũng có lợi cho người tiêu dùng.
- Nhưng Quỹ bình ổn cũng bị nhiều ý kiến cho là gây cản trở đối với các doanh nghiệp và làm méo mó thị trường xăng dầu?
Như tôi đã nói, việc trích lập quỹ hiện nay có phần cứng nhắc và bị động. Một số ý kiến cho rằng Nhà nước đang trao quyền quá lớn cho các doanh nghiệp trong việc trích lập và chi sử dụng quỹ. Một số ý kiến khác thậm chí nói quỹ bình ổn vô nguyên tắc.
Tuy nhiên, cũng phải thấy Quỹ bình ổn đã giúp chúng ta qua được những giai đoạn khó khăn để đạt được hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô. Vấn đề chỉ là cần phải có sự thay đổi trong việc quản lý quỹ. Người tiêu dùng đòi hỏi tính minh bạch, công khai hơn trong việc quản lý, sử dụng quỹ.
- Vậy việc lập quỹ này có vi phạm luật quốc tế không, thưa ông?
Không. Quỹ bình ổn này cũng rút ra từ giá bán xăng dầu bù trừ trường hợp giá lên xuống quá mức. Hơn nữa, trong các hiệp định thì vẫn có những quy định riêng đối với các mặt hàng quan trọng, liên quan đến an ninh quốc gia, nền sản xuất…
Quỹ bình ổn khiến người tiêu dùng thiệt thòi
VINPA mới đây có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo các vướng mắc, khó khăn liên quan đến Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. VINPA cho rằng Nghị định 83 đã bộc lộ những vấn đề bất cập cần được xem xét, nhất là trong bối cảnh điều hành xăng dầu thời gian gần đây.
Cụ thể, theo VINPA, việc trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi hơn là được lợi vì bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước cho quỹ. Bên cạnh đó, việc sử dụng quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.
Theo đó, việc bỏ Quỹ bình ổn để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ Quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.
Các đầu mối nhập khẩu xăng dầu cũng phản ánh nhiều bất hợp lý của Quỹ bình ổn như việc phải trích 300 đồng/lít lợi nhuận định mức và phải gửi vào một tài khoản cố định. Khoản lãi sẽ nhập vào gốc, doanh nghiệp hoàn toàn không được động vào số tiền này. Nhưng khi quỹ âm, doanh nghiệp phải vay ngân hàng lãi suất 7-8%/năm hoặc bỏ vốn của mình để bù đắp.
Lam Thanh