Ghi nhận vỉa hè tại TP.HCM sau hơn 1 tuần áp dụng quy định mới
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:00, 09/01/2024
Ghi nhận vỉa hè tại TP.HCM sau hơn 1 tuần áp dụng quy định mới
Từ 1.1.2024, TP.HCM áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố.
Sau hơn một tuần áp dụng quy định mới, tới thời điểm hiện tại, UBND các quận, huyện đã tiến hành kẻ vạch đường và cho phép người dân đăng ký thuê lòng đường, vỉa hè.
Về điều kiện sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, hè phố phải có bề rộng từ 3m trở lên. Khi tổ chức hoạt động này, hè phố còn lại dành cho người đi bộ phải bảo đảm rộng tối thiểu 1,5m (không tính đến phạm vi bồn gốc cây, ô đất trồng cây xanh và khu vực bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên hè phố chiếm dụng), thông suốt liên tục và không có chướng ngại vật cản trở.
Tại quận 1, có khoảng 155 tuyến đường có vỉa hè rộng, đủ điều kiện được lên danh mục cho sử dụng tạm một phần để tổ chức các hoạt động ngoài mục đích giao thông. Trong đó, 84 đoạn, tuyến dự kiến làm điểm giữ xe máy tự quản; 54 khu vực cho kinh doanh, buôn bán; còn lại 16 tuyến được làm nơi giữ xe có thu phí. Sau khi Sở GTVT TP.HCM có hướng dẫn về phương án thu, cách đóng phí, UBND quận 1 đã bắt đầu cho người dân đăng ký sử dụng vỉa hè và đóng phí.
Trong khi đó, quận 3 cũng khảo sát, lập phương án cho sử dụng tạm vỉa hè trên 36 tuyến đủ điều kiện, trong đó có đường Bà Huyện Thanh Quan, Cao Thắng, Cách Mạng Tháng Tám... Sắp tới, UBND quận 3 sẽ kẻ vạch nhằm phân biệt khu vực vỉa hè cho sử dụng tạm và phần cho người đi bộ. Quận Bình Thạnh cũng lên danh mục 18 đường đủ điều kiện cho dùng một phần để giữ xe, kinh doanh, điểm bố trí công trình...
Sau khi UBND quận 1 rà soát các tuyến đường đủ điều kiện kẻ vạch đường cho thuê, nhiều khu vực vỉa hè đã được sơn vạch kẻ màu vàng để sử dụng kinh doanh dịch vụ giữ xe và có chừa khoảng trống cho người đi bộ.
Dọc trên các đường như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần…, các chủ cửa hàng, hộ dân đã đậu xe đúng quy định. Riêng các hàng quán với lượng khách đông đã có phương án di chuyển xe hoặc hướng dẫn khách đến các bãi xe gần đó để gửi.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, hiện nay một số tuyến đường có mặt vỉa hè đã xuống cấp, nhiều ổ gà, có dấu hiệu lồi lõm, bong tróc mặt đường… gây mất an toàn, thiếu đồng bộ cảnh quan.
Theo danh mục do Sở GTVT TP.HCM ban hành, có 868 tuyến đường ở 5 khu vực đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm một phần làm điểm giữ xe, kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa… có thu phí.
Theo đó, vỉa hè, lòng đường được chia làm 5 khu vực - tương ứng với giá đất bình quân tại khu vực đó để tính giá cho thuê, các tuyến đường ở trung tâm cao hơn ngoại thành. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng. Các hoạt động khác áp dụng 20.000 - 100.000 đồng/m2/tháng.
Trong đó, khu vực 1 gồm: quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, quận Phú Nhuận, khu A Khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có 207 tuyến.
Khu vực 2 gồm: quận 2 - nay thuộc TP.Thủ Đức (trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), quận 6, quận 7 (trừ khu A Khu đô thị mới Nam thành phố), quận 11, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận Bình Tân, có 277 tuyến.
Khu vực 3 gồm: quận 8, quận 9 cũ, quận 12, quận Thủ Đức cũ, quận Tân Phú, quận Gò Vấp, có 248 tuyến.
Khu vực 4 gồm: huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, có 125 tuyến.
Khu vực 5: Huyện Cần Giờ, có 11 tuyến.
Số phí thu được dự kiến khoảng 1.552 tỉ đồng mỗi năm và nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố nhằm mục đích duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố. Đơn vị giao nhiệm vụ thu phí là Sở GTVT TP.HCM và UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức.
TP.HCM muốn quản lý trật tự lòng lề đường thật sự nền nếp, thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè thật hiệu quả thì chú trọng thay đổi thói quen người dân. Trước hết, các đơn vị tập trung chỉnh trang lại đường sá, vỉa hè rồi mới kẻ vạch, phân rõ các khu vực nào dùng để làm gì... Có phương án quản lý người thuê, kiểm tra và xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm để ngăn lấn chiếm, tái phạm.
PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Trường đại học Việt Đức