Vụ Việt Á: Cựu Bí thư Hải Dương được nhiều người xin giảm án

Sự kiện - Ngày đăng : 12:35, 09/01/2024

Luật sư cho biết có hơn 100 giáo viên, cựu học sinh ở địa phương có đơn xin giảm nhẹ cựu Bí thư Phạm Xuân Thăng.
Sự kiện

Vụ Việt Á: Cựu Bí thư Hải Dương được nhiều người xin giảm án

Nhã Thanh 09/01/2024 12:35

Luật sư cho biết có hơn 100 giáo viên, cựu học sinh ở địa phương có đơn xin giảm nhẹ cựu Bí thư Phạm Xuân Thăng.

Ngày 9.1, vụ án Việt Á tiếp tục được TAND TP.Hà Nội xét xử. Bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương), luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) có đề nghị VKS, HĐXX xem xét bối cảnh, hoàn cảnh thời điểm tỉnh Hải Dương chống dịch COVID-19.

Luật sư cũng chỉ ra rằng bị cáo Thăng không có vụ lợi. Các kết luận cuộc họp đều phụ thuộc vào hoàn cảnh khách quan, cũng như nhận thức của bị cáo về năng lực của Công ty Việt Á.

Cùng bào chữa cho bị cáo Thăng, một luật sư đã đưa ra việc có hơn 100 giáo viên, cựu học sinh ở địa phương có đơn xin giảm nhẹ cựu Bí thư; cùng với hàng chục bằng khen, giấy khen... để đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ.

pham-xuan-thang-2-.jpg
Bị cáo Phạm Xuân Thăng - Ảnh: N.A

Trước đó, VKS đã đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Phạm Xuân Thăng mức án từ 5 - 6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo nội dung vụ án, để được tiêu thụ kit xét nghiệm tại tỉnh Hải Dương, Phan Quốc Việt đã nhờ Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký Bộ trưởng Y tế), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) tác động và được Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy đồng ý.

Sau khi có chỉ đạo của Phạm Xuân Thăng, Phan Quốc Việt đã thỏa thuận thống nhất với Phạm Duy Tuyến về việc sau khi thanh toán sẽ chi từ 20 - 25% giá trị hợp đồng cho Tuyến.

Sau đó, Phạm Duy Tuyến chỉ đạo các nhân viên CDC Hải Dương ứng kit xét nghiệm sử dụng trước và hợp thức hồ sơ, thủ tục để quyết toán cho Công ty Việt Á theo đúng phương thức, thủ đoạn nêu trên, gây thiệt hại ngân sách nhà nước.

VKS kết luận, trong năm 2021, CDC Hải Dương đã hợp thức thủ tục đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn để Công ty Việt Á trúng thầu, ký 4 hợp đồng mua sinh phẩm, vật tư xét nghiệm, gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 73 tỉ đồng.

toan-canh-2-.jpg
Quang cảnh phiên tòa - Ảnh: N.A

Không yêu cầu doanh nghiệp chi tiền

Trong vụ án này, cựu Giám đốc CDC Hải Dương – bị cáo Phạm Duy Tuyến bị VKS đề nghị mức án từ 13 – 14 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Cụ thể, Phạm Duy Tuyến đã 3 lần nhận tổng số tiền 27 tỉ đồng do kế toán của Việt Á chuyển tiền. Sau khi nhận tiền, Phạm Duy Tuyến đã đưa Phạm Xuân Thăng 600 triệu đồng cùng 50.000USD… và đưa một số lãnh đạo, cán bộ CDC Hải Dương. Số tiền còn lại, Phạm Duy Tuyến sử dụng cho cá nhân hơn 16 tỉ đồng.

Bào chữa cho bị cáo Tuyến, luật sư mong VKS bổ sung thêm nội dung về việc ông Tuyến đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị ngay từ khi chưa bị khởi tố bị can và trong quá trình làm việc với CQĐT, đã giúp CQĐT làm rõ bản chất vụ án.

Theo luật sư, nhiệm vụ chống dịch COVID-19 tại Hải Dương là nhiệm vụ chính trị cấp bách, được sử chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, trong đó có việc ký hợp đồng với Việt Á để có nhân lực và vật tư chống dịch. Việc ứng trước hàng của Công ty Việt Á để chống dịch tại Hải Dương là tình thế cấp thiết và theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND. Ông Tuyến đã thực hiện sự chỉ đạo này.

toan-canh-3-.jpg
Trong vụ án này có 38 bị cáo bị đưa ra xét xử - Ảnh: N.A

Như vậy, luật sư cho rằng bị cáo Tuyến không có quyền yêu cầu Công ty Việt Á ứng trước kit xét nghiệm; ông Tuyến cũng không đòi hỏi, yêu cầu hay gợi ý để doanh nghiệp phải chi tiền.

Theo luật sư, với số tiền bị cáo Tuyến đã đưa cho Phạm Xuân Thăng và một số cán bộ khác, đến nay họ đã nộp lại đủ cho CQĐT. Ngoài ra, với số tiền giữ lại sử dụng cá nhân là hơn 16 tỉ đồng, vợ của bị cáo đã nộp lại gần đủ.

Từ đó, luật sư mong VKS, HĐXX xem xét những yếu tố khách quan tác động đến hành vi phạm tội của bị cáo; ghi nhận những tình tiết giảm nhẹ để cho bị cáo mức án nhẹ hơn mức đề nghị của VKS trước đó.

Nhã Thanh