'Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương' qua cảm nhận của nhà báo Nguyễn Công Khế

Góc bình luận - Ngày đăng : 14:16, 10/01/2024

Tôi rất thích đọc các sách viết về Sài Gòn xưa, bởi đơn giản, từ lâu lắm rồi, tôi đã dành cho mảnh đất này một tình yêu đặc biệt. Từ thuở nhỏ, tôi đã mong đến đây lập nghiệp, sinh sống và để được nghe giọng người Sài Gòn nhẹ nhàng, ngọt lịm chung quanh mình.
Góc bình luận

'Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương' qua cảm nhận của nhà báo Nguyễn Công Khế

Nguyễn Công Khế 10/01/2024 14:16

Tôi rất thích đọc các sách viết về Sài Gòn xưa, bởi đơn giản, từ lâu lắm rồi, tôi đã dành cho mảnh đất này một tình yêu đặc biệt. Từ thuở nhỏ, tôi đã mong đến đây lập nghiệp, sinh sống và để được nghe giọng người Sài Gòn nhẹ nhàng, ngọt lịm chung quanh mình.

Ở miền Nam trước đây, Sài Gòn là “thủ đô”, là nơi muốn đến của nhiều thế hệ người trẻ. Họ đến để học tập và mưu sinh. Thế nên khi có được cuốn sách của đồng nghiệp Cù Mai Công, tôi đã đọc ngấu nghiến và đọc đến 2 - 3 lần.

Phải là người yêu Sài Gòn - Gia Định đến cỡ nào, anh ấy mới viết ra được một cuốn sách như vậy: Tâm huyết và dày công. Khu Ông Tạ, ở đó tôi có rất nhiều bạn bè, bà con.

Vào năm 1973 hay 1974 gì đó, lần đầu tiên, người Công giáo xứ Tân Sa Châu do linh mục Trần Hữu Thanh và Đinh Bình Định phát động một phong trào giáo dân chống tham nhũng rầm rộ chưa từng có. Các báo xuất bản ở Sài Gòn thời ấy đều giật tít lên trang nhất và luôn để ở đầu trang bằng chữ đậm, như Cù Mai Công đã kể lại. Khu Ông Tạ có những nhạc sĩ, ca sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học tài hoa, nổi tiếng mà Cù Mai Công đã "lên danh sách", thật thú vị.

416983753_880429776955834_9193738130678368851_n.jpg
Cuốn sách Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương của nhà báo Cù Mai Công

Người tôi nhớ nhất là nhạc sĩ tài hoa của Chiều mưa biên giới Nguyễn Văn Đông sống ẩn dật ở đó suốt nhiều thập niên, âm thầm cho đến khi lìa đời. Đất và người Ông Tạ, người Sài Gòn - Gia Định mà Cù Mai Công đề cập và trích dẫn trong Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương làm tôi thấy yêu Sài Gòn - Gia Định hơn rất nhiều. Yêu cả chiếc xe đạp hiệu Peugeot giá 16.550 đồng mà cha anh dắt anh đi mua vẫn còn giữ được chiếc hóa đơn cũ mèm cùng với những hình ảnh cái hào nước chung quanh chợ Bến Thành vào những năm 1790 - 1799 được Cù Mai Công mô tả lại rất ấn tượng.

Những thiết kế của các kiến trúc sư người Sài Gòn như Nguyễn Văn Hoa, Phạm Văn Thăng, Nguyễn Quang Nhạc đã hình thành lên một nét kiến trúc độc đáo của Sài Gòn - Gia Định từ thời chưa xa đó, còn lưu ấn cho đến tận bây giờ.

Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương phần 2 của Cù Mai Công mới xuất bản gần đây đã làm cho những người yêu Sài Gòn như chúng tôi càng thêm yêu mến và trân trọng hơn nữa đối với mảnh đất này.

Nguyễn Công Khế