Lê Công Sơn: ‘Đu trend người nổi tiếng là để hoàn thiện mình’
Văn hóa - Ngày đăng : 19:31, 11/01/2024
Lê Công Sơn: ‘Đu trend người nổi tiếng là để hoàn thiện mình’
Sách “Đu trend người nổi tiếng” của Lê Công Sơn như một món quà nho nhỏ của những người làm báo gửi đến bạn đọc trước thềm xuân mới.
Lê Công Sơn là cái tên khá quen thuộc của làng báo văn nghệ Sài Gòn, cũng là trong những cầu nối tin cậy để các văn nghệ sĩ gửi gắm tâm tư tình cảm của mình đến với bạn đọc qua những bài viết của anh trên báo chí. Nhưng có lẽ với Lê Công Sơn, chỉ viết báo thôi thì chưa đủ, và anh đã chia quỹ thời gian của mình để viết sách.
Răng mà thương mà nhớ (NXB Hội Nhà văn) ra đời năm 2018 đã được sự đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc. “Thừa thắng xông lên”, năm 2020 anh ra mắt tác phẩm Loanh quanh Sài Gòn (NXB Tổng hợp TP.HCM). Cuốn sách như một cách trả món nợ ân tình cho thành phố đã cưu mang bảo bọc anh từ lúc rời Quảng Nam đến đây học hành rồi miệt mài theo nghiệp chữ nghĩa suốt mấy chục năm nay.
Trước thềm xuân Giáp Thìn (2024), một lần nữa Lê Công Sơn giới thiệu đến bạn đọc cuốn Đu trend người nổi tiếng (NXB Tổng hợp, 2023). Về các nhân vật nổi tiếng được Lê Công Sơn được chọn đưa vào sách, nhà thơ Lê Minh Quốc nhận xét: “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”, điều mà tôi và chúng ta tâm đắc nhất vẫn là tấm gương, nghị lực phấn đấu của họ để từ một người bình thường trở thành người của công chúng. Bài học này, mỗi người một sắc màu, không phải ai cũng giống ai nhưng vẫn có “mẫu số chung”, trước hết vẫn là lòng yêu nghề, tận hiến với nghề, vượt qua nghịch cảnh, yêu lấy cuộc đời này. Nói một cách hình tượng thì những con người nổi tiếng ấy như con ong cần mẫn, siêng năng góp mật cho đời”.
Nhân dịp này, nhà báo - nhà văn Lê Công Sơn đã dành cho phóng viên Một Thế Giới cuộc trò chuyện về quá trình ra đời và ý nghĩa của cuốn sách Đu trend người nổi tiếng.
- PV: Cảm hứng và lý do anh thực hiện tập sách này?
- Nhà báo Lê Công Sơn: Sau khi ra mắt hai tác phẩm Răng mà thương mà nhớ (NXB Hội Nhà văn) và Loanh quanh Sài Gòn (NXB Tổng hợp TP.HCM) được độc giả hồ hởi đón nhận, tôi muốn dành cho bản thân mình một khoảng lặng để… nghỉ xả hơi. Viết sách cũng là nghề “lao tâm khổ tứ”, cần phải nạp năng lượng và tăng cường vốn sống mỗi ngày.
- Vì sao anh chọn thời điểm Tết Giáp Thìn 2024 ra sách?
- Sở dĩ chúng tôi chọn thời điểm Tết Giáp Thìn (2024) phải có sách trên kệ vì cuốn Đu trend người nổi tiếng là một giai phẩm xuân đầy chất hương. Đó là hương sắc xuân rực rỡ, hương vị tết nồng nàn và hương lộc mới bừng sáng, giai phẩm sách tết Đu trend người nổi tiếng như muốn cùng kể với độc giả câu chuyện về chủ đề “Cho hương đừng bay đi” trong năm mới đầy hấp dẫn và cuốn hút. Giai phẩm xuân “tiết lộ” nhiều câu chuyện lý thú, hấp dẫn mà lần đầu tiên 36 người nổi tiếng Việt Nam, ở đủ các lĩnh vực, sẽ cùng bật mí đến người đọc những câu chuyện tình tự kể, quá trình vượt khó đi lên của người nổi tiếng để truyền cảm hứng sống đến mọi người.
- Nhà thơ Lê Minh Quốc và họa sĩ Bùi Đức Lâm đóng vai trò gì trong tập sách của anh?
- Ý tưởng làm tập sách chân dung nhân vật Đu trend người nổi tiếng bỗng ập đến vào một ngày đẹp trời cách đây… 6 tháng, khi tôi gặp nhà thơ Lê Minh Quốc. Anh nhắc nhở tôi tết này phải có tác phẩm mới, chăm chút hình ảnh thật đẹp, nội dung hay để tái xuất đúng năm rồng “tung móng vuốt” cho vui. “Em cứ viết, anh sẽ lo hoàn thiện bản thảo”. Nhận lời cam kết “như đinh đóng cột” của một nhà thơ nổi tiếng, một biên tập viên sắc sảo tay nghề như anh Lê Minh Quốc, tôi sung sướng bắt tay vào tuyển chọn bài vở, gọi các nhân vật để phỏng vấn thêm, lo mở “kho tư liệu ảnh" quý giá… và mời họ chụp ảnh để có những bức hình chân dung chưa từng công bố. Rồi tự dưng “trên trời rơi xuống”, tôi biết họa sĩ tài năng Đức Lâm. Anh dành hầu hết thời gian cho sách, gác mọi công việc đang làm để tập trung vẽ chân dung cho các nhân vật, lo lắng bìa sách sao thật nhí nhảnh, bắt mắt theo kiểu đu trend của giới trẻ hiện nay. Mọi thứ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cứ đến tự nhiên cho đến khi nhận được giấy phép xuất bản, tôi rất mừng về đứa con tinh thần ưng ý của mình. Tôi luôn biết ơn hai ông anh đã tâm huyết cùng tôi... “đu trend” bất kể ngày lẫn đêm.
- Sách của anh viết toàn về người nổi tiếng, thế giới của họ có gì khác biệt với đời thường? Khi tiếp xúc với họ anh tâm đắc tâm đắc nhất điều gì?
- Gần 30 năm công tác ở báo Thanh Niên, nghề chữ nghĩa cho tôi cơ hội gặp gỡ và chơi thân với rất nhiều người nổi tiếng. Đằng sau ánh hào quang vẫn còn đó những góc khuất mà không phải ai cũng được họ tiết lộ. Viết về các nhân vật thì dễ nhưng để viết hay và khai thác sâu các tình tiết không phải lúc nào người nổi tiếng cũng dễ tiết lộ, nếu không phải lúc. Vì vậy, điều tôi tâm đắc nhất ở họ là sự làm việc, lao động quên mình.
Bất kể ai cũng phải từng ngày hoàn thiện mình. Nếu gục ngã sẽ không có cơ hội làm lại, hoặc thậm chí còn gây ra bao hệ lụy cho người khác, cho gia đình.
- Ví dụ đó là ai?
- Đó còn là sự yêu nghề, lăn xả của rất nhiều nghệ sĩ mà tôi từng gặp và phỏng vấn họ. Tôi nhớ có lần nghệ sĩ Thanh Thủy chia sẻ rằng: “Với tôi, sân khấu có gì đó như ma mị, quyến rũ con người đến mức không ăn không ngủ. Rất nhiều vai diễn, tôi phải trăn trở, ngồi đâu cũng nhớ, tối nằm ngủ cũng chập chờn luôn nghĩ tới nó. Thậm chí khi dựng tuồng vừa xong, tóc lại rụng và bạc thêm nhiều. Trời mưa, nếu người giàu sẵn sàng cởi áo đang mặc để bọc lại cục tiền cho khỏi ướt thì nghệ sĩ chỉ lo bọc kỹ quyển kịch bản. Vì đó là máu thịt, là cuộc đời. Trước ngày phúc khảo còn không dám đi đâu, chạy xe máy chậm rãi lo sợ rủi có tai nạn thì làm sao ra sân khấu diễn tròn vai cho khán giả xem”.
Những chia sẻ cùng với những gì tôi chứng kiến đã thôi thúc tôi phải viết lại để lan tỏa đến với nhiều nghệ sĩ khác và giúp cho khán giả hiểu sâu hơn về thế giới của người nổi tiếng. Làm nghệ sĩ diễn viên cũng như bao nghề khác đều phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" mới đi đến thành công...
-Trong các nhân vật có mặt trong sách anh yêu thích ai nhất?
- Nếu phải lựa chọn yêu thích ai nhất thì thực sự là câu hỏi quá khó, bởi 36 gương mặt trong tập sách đều là những tấm gương tôi phải học hỏi mỗi ngày để có thể hoàn thiện mình.
- Vây nghệ sĩ nào làm anh cảm động và thán phục?
- Đó còn là câu chuyện về thân phận nghèo khổ, sống lênh đênh trên sông nước của bác Ba Phi - Mạc Can từng ngày “vượt khó”. Ông kể: “Ngày xưa, đa phần nghệ sĩ ai cũng nghèo. Gia tài cả nhà tôi chỉ có một chiếc ghe hát lênh đênh trên sông rạch, cứ đi tới đâu thấy khán giả đông là ghé. Năm 1945, cha mẹ sinh tôi ra trên ghe hát ngay dòng sông Tiền. Mặc dù không làm giấy khai sinh được nhưng tôi nhớ như in nguyên quán quê ở xã Vĩnh Lợi (tỉnh Cà Mau), sau này mới theo ông nội lên sống tại Sài Gòn. Dù gia cảnh chẳng khá khẩm, tôi vẫn tự hào về gánh xiếc của nhà tôi duy nhất hoạt động ở miền Tây lúc đó. Hễ đêm nào có diễn thì có cháo ăn, còn ít khách thì nhịn đói. Cũng vì điều kiện lưu lạc nên tính tình tôi cứ không nhất định một cái gì, lãng đãng, nhiều khi là đà…, không biết nói sao cho dễ hiểu”.
- Anh đã gặp được những nghệ sĩ lúc nhỏ anh mơ ước gặp họ chưa?
- Trong sách còn có nhiều nhân vật mà khi tôi còn nhỏ, họ đã là những “cây đa cây đề” tưởng chừng không làm sao với tới được. Đó là NSND Thế Anh, danh ca Khánh Ly, Nữ hoàng sầu muộn Giao Linh, học giả An Chi, danh hài Vân Sơn… Vậy mà, tôi đã may mắn gặp và được các nhân vật… thương yêu.
- Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong tất cả các cuộc tiếp xúc và viết bài về các nhân vật trong sách?
- Tùy từng công việc của mỗi người mà tôi được hẹn gặp trao đổi trong không gian khác nhau. Có thể đó là sau cánh gà sân khấu sau giờ nghỉ giải lao của một vở diễn, hay nhà riêng. Dù ở đâu tiêu chí tôi đặt ra là phải nói thật và rút hết gan ruột. Danh ca Khánh Ly dù bị hạn chế về thời gian, bà vẫn dành cho tôi nguyên một buổi sáng chỉ để kể về đời mình và định mệnh gặp được nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Hay như nhạc sĩ Vũ Hoàng, để hoàn thành bài viết, tôi phải gặp anh tới… 3 lần ở 3 chỗ khác nhau. Do anh bị bệnh tai biến nên mỗi khi nhắc đến kỷ niệm xưa, anh hay cảm động rơi nước mắt, người lả ra rất mệt nên mỗi lần như thế tôi lại phải dừng lại lở dở câu chuyện, ra về để cho anh bình tâm.
- Bạn đọc, nhất là giới trẻ sẽ rút ra được gì từ các nhân vật anh viết trong sách?
- Không có điều gì to tát cả đâu, qua giai phẩm Đu trend người nổi tiếng tôi chỉ mong làm một cánh én nhỏ chao lượn giữa đất trời trong những ngày xuân. Qua các nhân vật, độc giả có thể tìm thấy bóng dáng mình trong cuốn sách để có thêm “vitamin trải nghiệm” bổ sung cho cuộc đời, nhất là khi đứng trước khó khăn thử thách vẫn luôn hiện diện phía trước mặt.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Cuốn sách là cuộc trò chuyện của Lê Công Sơn với nhiều người, và từ những chân dung và đối thoại đó độc giả lại thấy hiện rõ chân dung của chính anh, một nhà báo kiến văn trầm sâu và mắt nhìn nồng ấm với cuộc đời.
Lê Công Sơn chọn người để đối thoại, và cuộc trò chuyện nào cũng cho thấy góc nhìn bao dung của người viết và những câu chuyện đầy gợi mở, để nhân vật bộc bạch hết tâm can, tự kể những câu chuyện đời mình hết sức chân phương và sâu sắc, đưa ra những triết lý sống động về đời và nghề. Họ có thể là doanh nhân, nhà văn, diễn viên, họa sĩ, họ là những huyền thoại của nền nghệ thuật đương đại nhưng cũng có thể là những người trẻ có góc nhìn cao xa với nghề nghiệp của mình.
Các nhân vật của Lê Công Sơn đầy ắp một chữ tình, họ yêu thương cuộc sống này và dồn mọi tinh lực cho cái nghề mà mình lựa chọn. Điều dễ nhận thấy là Lê Công Sơn chọn nhân vật theo một chữ "tài", nên các nhân vật của anh đều rất cá tính, và thành tựu của họ không bao giờ xoàng xĩnh.
Xuất phát từ cái gốc là tài năng, nên cả cuốn sách như một cái cây nhiều cành vươn rộng, tỏa ra một hương sắc thơm lành, tạo cảm hứng ấm áp cho người đọc từ trang đầu cho tới trang cuối cùng.
Nguyễn Quốc Hiệu (CEO Hệ thống giáo dục NQH)