Từ Troussier Nhật Bản 1998 đến Troussier Việt Nam 2023: Tất cả đã khác!

Thể thao - Ngày đăng : 10:59, 12/01/2024

Khác nhau tất cả và chỉ giống nhau là cách HLV Philippe Troussier tái cấu trúc đội tuyển quốc gia Nhật Bản cũng như là Việt Nam dù đã cách nhau… 1/4 thế kỷ.
Thể thao

Từ Troussier Nhật Bản 1998 đến Troussier Việt Nam 2023: Tất cả đã khác!

Đặng Hoàng {Ngày xuất bản}

Khác nhau tất cả và chỉ giống nhau là cách HLV Philippe Troussier tái cấu trúc đội tuyển quốc gia Nhật Bản cũng như là Việt Nam dù đã cách nhau… 1/4 thế kỷ.

trou2.jpg
HLV Troussier sau 25 năm cũng nhiều thay đổi

Khi nhận làm HLV đội tuyển Nhật Bản, ông Troussier có nhiều thuận lợi: J-League ra đời năm 1993 đang ngày càng phát triển, đội tuyển quốc gia Nhật Bản đã vào vòng chung kết World Cup 1998 và ông Troussier không bị sức ép khi Nhật là đồng chủ nhà World Cup 2002 nên đội Nhật đương nhiên có mặt ở vòng chung kết. Một thuận lợi quan trọng nữa đó là ông Troussier có đến 4 năm chuẩn bị cho một mục tiêu: World Cup 2002.

Với bóng đá Việt Nam thì sao? V-League ra đời từ đầu thế kỷ 21, nhưng cho đến nay, sau 20 năm vẫn còn đang hoàn thiện để phát triển. Ông Troussier trở thành HLV đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) khi bóng đá Việt Nam (BĐVN) có thành tích tốt nhất trong lịch sử: vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Do đó, ông Troussier bị sức ép lớn khi phải vượt qua vòng bảng Asian Cup 2023 (ĐTVN đã vào tứ kết Asian Cup 2019) và vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á. Đã vậy ông Troussier chỉ có 8 tháng chuẩn bị cho hai chỉ tiêu này.

Chưa nói đến sự khác biệt toàn diện giữa hai quốc gia Nhật Bản và Việt Nam mà bóng đá là một phần của xã hội, nên ông Troussier làm việc ở môi trường bóng đá Nhật Bản thuận lợi hơn rất nhiều so với khi ông làm ở môi trường BĐVN.

Cách làm cũ còn phù hợp?

Ông Troussier chọn cầu thủ vào đội tuyển quốc gia không dựa vào tên tuổi, không quan tâm đến quá khứ, thay vào đó là phong độ cầu thủ. Quan điểm của ông Troussier còn rõ ràng hơn là tìm nhân tố mới, có nghĩa là đa số còn trẻ, có tiềm năng qua đánh giá của ông dù họ chưa khẳng định được mình ở hệ thống bóng đá đỉnh cao nước nhà.

Thế rồi cuộc cách mạng bóng đá Nhật Bản của ông Troussier đã thành công dù lúc đầu không được người hâm mộ cùng truyền thông Nhật Bản hoàn toàn ủng hộ. Tại sao?

Vì Copa America 1999, Nhật Bản là đội khách mời, giải chính thức đầu tiên của ông Troussier trên cương vị HLV đội tuyển Nhật. Kết quả đội Nhật xếp cuối bảng và bị loại sau khi thua Peru 2-3, Paraguay 0-4 và trận cuối hòa 1-1 với Bolivia, đội bóng cũng bị loại từ vòng bảng. Dĩ nhiên ông Troussier phải đón nhận cơn mưa chỉ trích khi ông thành lập đội tuyển bằng việc loại bỏ những công thần và thay bằng những cầu thủ trẻ.

Tuy nhiên, ông Troussier vẫn kiên định với quan điểm bộ khung đội tuyển Nhật là các cầu thủ trẻ tiềm năng và xây dựng lối chơi theo triết lý của ông hoàn toàn khác với lối đá của đội Nhật khi đó.

Thế rồi dưới sự dẫn dắt của ông Troussier, đội U.20 Nhật Bản đã tham dự vòng chung kết World Cup U.20 tại Nigeria năm 1999. Sau khi đứng đầu bảng E trước Mỹ, Cameroon, Anh, đội Nhật lần lượt thắng Bồ Đào Nha, Mexico, Uruguay để giành vị trí á quân (thua Tây Ban Nha ở trận chung kết).

Sau đó đội Nhật trẻ trung vào đến tứ kết Olympic 2000, á quân Confederation Cup 2001 (giải tiền World Cup 2002). Cùng năm 2001, đội tuyển Nhật thế hệ mới đã vô địch Asian Cup 2001. Và như chúng ta đã biết, chính những chàng trai mới và tài năng này đã cùng các cựu binh (rất ít) khoác áo đội tuyển Nhật tại World Cup 2002 và đạt thành tích tốt nhất trong lịch sử bóng đá Nhật: đội Nhật đã đứng đầu bảng H sau khi hòa Bỉ 2-2 rồi thắng Nga 1-0, Tunisia 2-0, để lần đầu tiên trong lịch sử vào đến vòng 1/8 và dừng bước khi thua 0-1 trước Thổ Nhĩ Kỳ, đội bóng sau đó thắng Hàn Quốc trong trận tranh Hạng ba World Cup 2002.

Thành công của ông Troussier đem lại cho bóng đá Nhật Bản không chỉ qua thành tích ờ World Cup 2002, mà quan trọng hơn là thay đổi cả quan điểm, triết lý xây dựng đội tuyển quốc gia cho nền bóng đá Nhật Bản. Ông đã xây dựng lối chơi mới cho đội tuyển Nhật khi các cầu thủ đều tích cực di chuyển cả khi có bóng cũng như lúc không bóng, một lối chơi giàu năng lượng.

Quan trọng hơn nữa, ông Troussier đã ươm mầm tình yêu bóng đá vào các thế hệ trẻ của Nhật mà sau này họ đã lần lượt khoác áo đội tuyển Nhật rồi ra nước ngoài thi đấu ở các giải vô địch đỉnh cao châu Âu.

Những gì ông Troussier làm đã đặt nền tảng để hình thành lối chơi của đội tuyển Nhật để hôm nay đã đạt đẳng cấp thế giới.

Nhắc lại chi tiết từng cột mốc để hiểu hơn, người Nhật ký hợp đồng với ông Troussier và cho ông Troussier 4 năm chuẩn bị để hoàn thành nhiệm vụ.

Nếu thất bại, VFF còn tiếp tục đồng hành với Troussier?

Vậy quan điểm của VFF ra sao khi ký hợp đồng với ông Troussier? Với hai chỉ tiêu của hai giải Asian Cup 2023 và vòng loại World Cup 2026, ông Troussier chỉ 8 tháng chuẩn bị, liệu có phù hợp với cách làm mà ông Troussier đã thực hiện và áp dụng từ Nhật Bản cách đây 25 năm cho BĐVN?

9 tuyển thủ do chấn thương không thể tham dự giải khiến cho ĐTVN đến Asian Cup 2023 chỉ còn 5 cầu thủ từng dự Asian Cup 2019 là hậu vệ Hồ Tấn Tài, trung vệ Đỗ Duy Mạnh, tiền vệ Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Quang Hải và tiền đạo Nguyễn Văn Toàn, trong đó có 3 người đá chính là Duy Mạnh, Hùng Dũng, Quang Hải.

Ngược lại, ĐTVN đến với giải lần này có 6/26 tuyển thủ chưa một lần thi đấu các giải quốc tế chính thức trong màu áo đội tuyển quốc gia Việt Nam (tỷ lệ 23%) như: thủ môn Nguyễn Filip, hậu vệ Lê Ngọc Bảo; tiền vệ Nguyễn Hai Long, Lê Phạm Thành Long, Trương Tiến Anh, Nguyễn Văn Trường.

Vì sao có nhiều cầu thủ chấn thương?

Có một thực tế là 2023 là năm V-League chuyển đổi mô hình thi đấu khi mùa giải vắt qua hai năm. Việc V-League vừa kết thúc mùa 2023 đã chuyển sang mùa 2023-2024, khiến lịch thi đấu bị dồn cũng là nguyên nhân khiến cầu thủ không có thời gian hồi phục từ đó dẫn đến chấn thương tiềm ẩn rồi bùng phát.

Còn một chi tiết không thể bỏ sót, đó là công tác quản lý, vận hành của bộ phận y tế từ cấp câu lạc bộ cho đến khi lên tuyển. Bởi sau khi trao đổi với các cầu thủ chấn thương, ông Troussier đã nói trong cuộc họp báo trước khi đi Qatar rằng, nhiều cầu thủ phải uống hoặc tiêm thuốc giảm đau để thi đấu khi thể trạng không được tốt hoặc vẫn đang chấn thương. Tác hại là các cầu thủ bị chấn thương, thậm chí phong độ sa sút và không thể duy trì được phong độ đỉnh cao dù chưa đến ngưỡng 30 tuổi.

Ai cũng nhìn nhận ĐTVN muốn vượt qua vòng bảng Asian Cup 2023 là phải qua vé vớt dành cho 4/6 đội hạng ba bảng có thành tích xuất sắc nhất, bởi hai vé chính thức trên lý thuyết đã thuộc về Nhật Bản và Iraq.

Tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026, hai suất vào vòng ba thì một đã sớm dành cho Iraq và ĐTVN phải chiếm vị trí nhì bảng mới vào được vòng loại thứ 3.

Dự đoán này dành cho ĐTVN ngay cả khi có được lực lượng mạnh nhất chứ đừng nói trong hoàn cảnh hiện nay. Thật thú vị khi Indonesia là đối thủ chính của ĐTVN cần phải vượt qua nếu muốn hoàn thành chỉ tiêu ở cả hai đấu trường.

Bỏ qua góc nhìn tiêu cực, bất chấp khủng hoảng chấn thương, ĐTVN vẫn còn những gương mặt tiềm năng mới thay thế khi họ đã được ông Troussier tuyển chọn rồi cho thử lửa ở mọi cấp độ từ giải giao hữu cho đến chính thức, từ đội U.23 cho đến tuyển quốc gia. Đó là mặt tích cực có được từ sự chuẩn bị xuất phát từ cuộc cách mạng ở các cấp đội tuyển của ông Troussier.

8 tháng chuẩn bị cho 2 giài quan trọng diễn ra trong 3 tháng đầu năm 2024. Thành công không có gì để nói, nhưng nếu thất bại, VFF có tiếp tục đồng hành với ông Troussier?

Đặng Hoàng