Phê duyệt quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:55, 12/01/2024

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 39/QĐ - TTg ngày 11.1 phê duyệt quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo dòng thời sự

Phê duyệt quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050

Theo Chinhphu.vn 12/01/2024 13:55

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 39/QĐ - TTg ngày 11.1 phê duyệt quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quyết định phê duyệt, mục tiêu phấn đấu Đồng Tháp là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long( ĐBSCL); có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Cụ thể, đến 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đạt 7 - 7,5%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 160 triệu đồng.

hoa-sa-2.jpg
Đồng Tháp là xứ hoa và du lịch - Ảnh: ĐT

Tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 27%; ngành dịch vụ chiếm khoảng 43%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 22%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8%. Tỷ lệ đóng góp của năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế (TFP/GRDP) đến năm 2030 là 50%. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt 477.000 tỉ đồng.

Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,32%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đạt mức dưới 1,2%. Tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn: mầm non 75%, tiểu học 70%, trung học cơ sở 80%, trung học phổ thông 90%. Tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân là 32 giường, tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 12 người.

Đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Theo Quy hoạch, Đồng Tháp đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao, sử dụng đất hợp lý để phát triển các loại cây trồng có lợi thế; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực có lợi thế.

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp đồng bộ, hiện đại; hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn quy mô lớn, chất lượng cao theo chuỗi giá trị gắn với chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch đi đôi với an toàn thực phẩm.

Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị ở Đồng Tháp (gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo ở vùng sinh thái nước ngọt).

Từng bước phát triển chăn nuôi hướng tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao gắn với chế biến thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và từng bước xuất khẩu. Kết hợp chăn nuôi với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Phát triển thủy sản, nhất là cá tra trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh; áp dụng công nghệ cải tiến, hiện đại, nuôi hữu cơ, nuôi tuần hoàn, gắn với hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, bền vững.

Quản lý, bảo vệ chặt chẽ, giữ vững tỷ lệ che phủ, khai thác hợp lý, phát triển bền vững tài nguyên rừng. Chú trọng công tác phát triển rừng, các dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng để tạo nguồn thu, tái đầu tư cho phát triển lâm nghiệp.

semn-cp.jpg
Lúa, sen là hai sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: Chinhphu.vn

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; tập trung phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn, nông nghiệp nông thôn, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe phù hợp với đặc trưng sông nước của vùng ĐBSCL...

Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung, quy mô

Đồng Tháp cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung, quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ và thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản, đồng thời với thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển cơ khí, cơ khí chính xác, dược phẩm và các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống.

Tập trung đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, trung tâm chế biến nông, thủy sản gắn với phát triển hệ thống logistics, dịch vụ hậu cần, dịch vụ hỗ trợ. Đẩy nhanh xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp và các khu, cụm công nghiệp tại tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

Tăng cường phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Phát triển ngành xây dựng theo hướng hiện đại, đủ trình độ chuyên môn và công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp trở thành trung tâm sản xuất, chế biến và thương mại của vùng ĐBSCL với Vương quốc Campuchia.

Theo Chinhphu.vn