Quá trình dẫn đến quyết định tấn công Houthi của ông Biden
Chuyển động - Ngày đăng : 14:45, 13/01/2024
Quá trình dẫn đến quyết định tấn công Houthi của ông Biden
Tạp chí Politico cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay đầu năm đã cùng đội ngũ quan chức an ninh quốc gia thảo luận về khả năng dùng hành động quân sự đáp trả việc nhóm Houthi liên tiếp tập kích tàu hàng qua Biển Đỏ.
Nhà lãnh đạo Mỹ vẫn đang đi nghỉ tại St.Croix khi trao đổi công việc với đội ngũ của mình vào sáng đầu tiên năm 2024. Houthi vừa tiến hành một vụ tập kích khác và Tổng thống Biden sẵn sàng thảo luận về khả năng đáp trả quân sự.
Ông chỉ đạo hành động trên cả hai mặt trận. Ở mặt trận ngoại giao, giới chức Mỹ cần thúc đẩy Liên Hợp Quốc lên án hoạt động tập kích tàu hàng mạnh mẽ hơn nữa. Về mặt quân sự, Lầu Năm Góc nhận nhiệm vụ vạch ra các phương án tấn công.
Cuộc họp đầu năm dẫn đến đợt tấn công nhiều mục tiêu Houthi trên lãnh thổ Yemen ngày 11.1. Chiến đấu cơ của Mỹ và Anh cùng tàu chiến, tàu ngầm Mỹ bắn phá hàng loạt địa điểm quân sự - tập trung vào nơi phóng và chứa máy bay không người lái, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo.
Tổng thống Biden chờ hơn 1 tuần sau cuộc họp mới hạ lệnh hành động. Theo Politico, đó là vì ông muốn sử dụng hết tất cả lựa chọn ngoại giao để tránh kéo Mỹ vào xung đột tại Trung Đông. Tuy nhiên trong tuyên bố sau khi thực hiện tấn công, nhà lãnh đạo nói rõ các vụ tập kích tàu mới nhất của Houthi đã vượt quá giới hạn.
“Đây là thông điệp rõ ràng rằng Mỹ cùng đồng minh không tha thứ cho hoạt động tấn công nhắm vào người của chúng tôi cũng như không cho phép các đối tượng thù địch đe dọa tự do hàng hải ở tuyến đường thương mại quan trọng bậc nhất thế giới. Tôi sẽ không ngần ngại chỉ đạo thực hiện thêm biện pháp để bảo vệ người dân lẫn giao thương toàn cầu nếu cần”, Tổng thống Biden phát biểu cứng rắn. Đến tối hôm sau, Mỹ một mình mở thêm đợt tấn công nữa.
Diễn biến mới nhất chấm dứt nhiều tuần Tổng thống Biden chịu áp lực phải đáp trả quân sự với Houthi. Politico tiết lộ, vào đầu tháng 12 năm ngoái, quân đội Mỹ đã đưa ra phương án tấn công còn mạnh mẽ hơn nhưng lúc đó đội ngũ quan chức nhận định làm vậy không phải lựa chọn tối ưu. Họ lo ngại tấn công trực tiếp Houthi sẽ kích động Iran phản ứng, khiến xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza lan ra toàn khu vực.
Trong cuộc họp ngày 1.1, Tổng thống Biden chỉ đạo Mỹ cùng các đối tác quốc tế đưa ra tuyên bố cảnh báo cuối cùng rồi mới quyết định tấn công hay không. Tuyên bố chung giữa nước này với 13 quốc gia khác được đưa ra 2 ngày sau đó nhưng chẳng có tác dụng.
Ngày 9.1, Houthi phát động đợt tập kích lớn nhất từ trước đến nay nhắm vào tàu quân sự lẫn tàu thương mại Mỹ. Hải quân Mỹ - Anh bắn hạ gần 20 máy bay không người lái và 3 tên lửa.
Tổng thống Biden lập tức triệu tập đội ngũ quan chức an ninh quốc gia. Các phương án tấn công được trình lên một lần nữa, lần này ông quyết định hành động. Nhà lãnh đạo giao cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (đang nằm viện điều trị biến chứng phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt) nhiệm vụ triển khai phương án.
Theo một quan chức quốc phòng cấp cao, nhiệm vụ cần chút ít thời gian làm việc với các quốc gia hỗ trợ vì họ muốn hiểu rõ cơ sở pháp lý của hoạt động quân sự cũng như đề nghị hỗ trợ từ Mỹ.
Cuối cùng Anh tham gia tấn công bằng 4 chiến đấu cơ chủ lực Typhoon và 1 máy bay tiếp liệu Voyager. Typhoon mang bom dẫn đường GPS/laser Paveway IV đánh trúng 2 cơ sở quân sự. Ngoài Anh thì Úc, Canada, Bahrain, Hà Lan cũng hỗ trợ. Bộ trưởng Quốc phòng Úc tuyên bố chỉ hỗ trợ nhân sự.