Vụ án Việt Á: ‘Công - tội’ phân minh, khoan hồng cho người không hưởng lợi
Sự kiện - Ngày đăng : 16:15, 13/01/2024
Vụ án Việt Á: ‘Công - tội’ phân minh, khoan hồng cho người không hưởng lợi
Theo nhận định của HĐXX, việc đưa các bị cáo ra xét xử là đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật nhưng pháp luật cũng khoan hồng, giảm nhẹ cho những bị cáo không hưởng lợi.
Như Một Thế Giới đã đưa tin, chiều 12.1, HĐXX sơ thẩm TAND TP.Hà Nội đã tuyên án đối với 38 bị cáo trong vụ án Việt Á.
“Công - tội” phân minh
Theo nhận định của HĐXX, vụ án xảy ra trong bối cảnh đất nước và thế giới phải đối mặt với đại dịch đặc biệt nguy hiểm, chưa có tiền lệ; toàn bộ hệ thống chính trị phải gồng mình chống từng đợt dịch bùng phát bằng nhiều cách, nhiều biện pháp khác nhau; nhân dân hoang mang, lo sợ.
Mặt khác, HĐXX cũng xét thấy hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc men ở từng địa phương chưa có hoặc không đủ để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. “Đó là một trong những nguyên nhân phát sinh hành vi phạm tội của các bị cáo”, HĐXX cho biết.
Bản án sơ thẩm cũng nêu rõ bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) đã lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, Phan Quốc Việt bị áp dụng tình tiết tăng nặng “lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội”.
Nhiều bị cáo khác như Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký của ông Long), Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH-CN)... nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội nên bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên”.
Tuy nhiên, HĐXX cũng ghi nhận Phan Quốc Việt cùng các bị cáo là nhân viên của Việt Á... có những đóng góp tích cực về công sức, máy móc, thiết bị phục vụ cho việc xét nghiệm, góp phần đẩy lùi dịch bệnh tại một số tỉnh/thành phố.
Các bị cáo Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN), Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương)… được HĐXX nhìn nhận là có đóng góp “công lao rất lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh trên toàn quốc và địa phương”.
Tất cả các bị cáo ở CDC các tỉnh/thành đều là những người đặc biệt tích cực, xông pha chống dịch COVID-19.
HĐXX cho hay trong vụ án này tòa đã cân nhắc kỹ lưỡng giữa “công” và “tội” trước khi đưa ra hình phạt đối với từng bị cáo.
Cựu Giám đốc CDC Nghệ An được tuyên mức án bằng thời hạn tạm giam
Theo HĐXX, căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo để đưa ra mức án tương xứng với hành vi phạm tội. HĐXX áp dụng mức hình phạt thấp nhất ở khung hình phạt với các bị cáo không hưởng lợi, có vai trò thứ yếu, tự nguyện khắc phục hậu quả…, áp dụng mức hình phạt bằng thời hạn tạm giam, cho hưởng án treo với một số bị cáo.
Cụ thể, HĐXX tuyên 2 bị cáo Nguyễn Văn Định (cựu Giám đốc CDC Nghệ An) và Nguyễn Thị Hồng Thắm (cựu kế toán trưởng, CDC Nghệ An) mức án 2 năm 12 ngày tù, bằng thời hạn tạm giam. HĐXX xác định hai bị cáo này đã chấp hành xong hình phạt.
Theo hồ sơ vụ án, với vai trò Giám đốc CDC Nghệ An, Nguyễn Văn Định đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hồng Thắm thống nhất với nhân viên ở Công ty Việt Á về việc ứng kit xét nghiệm và các vật tư y tế khác của Công ty Việt Á để CDC Nghệ An sử dụng trước, hợp thức hồ sơ thanh toán sau.
Tiếp đó, Định chỉ đạo Thắm phối hợp với các khoa, phòng chuyên môn thuộc CDC Nghệ An thông đồng với nhân viên Công ty Việt Á để hợp thức hồ sơ đấu thầu, thanh toán theo giá Công ty Việt Á đề nghị trái quy định luật đấu thầu. Ông Định còn chỉ đạo cấp dưới lấy báo giá của Việt Á, cung cấp cho công ty thẩm định giá hợp thức ban hành Chứng thư thẩm định giá theo giá Việt Á đưa ra.
Bị cáo Định ký hợp thức các hợp đồng và cùng Thắm ký giấy rút dự toán ngân sách để thanh toán tiền cho Công ty Việt Á, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền 16,5 tỉ đồng.
Trong tổng số tiền phần trăm ngoài hợp đồng Việt Á lại quả cho CDC Nghệ An, ông Định được hưởng lợi bất chính 185 triệu đồng, bà Thắm được hưởng lợi bất chính 95 triệu đồng.
Hai bị cáo Định và Thắm bị xác định phạm vào tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vui mừng khi được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt
Điều đặc biệt nhất trong vụ án này chính là HĐXX đã áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt - miễn trách nhiệm hình sự cho với bị cáo Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC Bình Dương).
Sau phiên tòa, ông Danh chia sẻ sự phấn khởi khi được miễn trách nhiệm hình sự. Ông Danh cho biết ngày ông chính thức nhận quyết định nghỉ hưu cũng là ngày nhận quyết định khởi tố bị can vì liên quan đến sai phạm tại Công ty Việt Á.
Ông Danh chia sẻ thời điểm đầu khi bị khởi tố, ông hoang mang, tuyệt vọng nhưng rồi cũng tự an ủi mình bởi trong cả quá trình làm việc, cống hiến không động cơ vụ lợi, làm tất cả vì sức khỏe, tính mạng của người dân.
Theo cáo buộc, ông Danh thống nhất và chỉ đạo nhân viên CDC Bình Dương ứng trước kit xét nghiệm của Công ty Việt Á và Công ty VNDAT, sau đó hợp thức để Công ty Việt Á trúng thầu. Hậu quả, ngân sách bị thiệt hại hơn 55 tỉ đồng.
Dù có sai phạm, nhưng khác với nhiều cựu quan chức bị đưa ra xét xử trong vụ Việt Á, ông Danh được xác định đã từ chối nhận lợi ích từ doanh nghiệp. Hồ sơ vụ án cho thấy nhân viên Công ty Việt Á từng nhiều lần trực tiếp đến gặp ông Danh tại CDC Bình Dương và đưa tiền cảm ơn, nhưng ông Danh đều không nhận với lý do sắp về hưu nên “không muốn liên quan đến tiền bạc, hoa hồng”.
Hầu hết các bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả
Về khắc phục thiệt hại và nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính trong vụ án, HĐXX cho biết hầu hết các bị cáo và gia đình đã nộp lại tiền, tài sản để khắc phục hậu quả, thiệt hại.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận từ Phan Quốc Việt là 2,25 triệu USD và nộp thêm 100 triệu đồng. Ông Long lĩnh án lĩnh án 18 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế kỹ thuật thuộc Bộ KH-CN) đã nộp 8 tỉ đồng và 8 sổ tiết kiệm. Ông Hùng bị cáo buộc nhận hối lộ 350.000 USD từ Phan Quốc Việt; lĩnh án 14 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Bị cáo Phan Quốc Việt đã nộp 100.000 USD và 200 triệu đồng. Phan Quốc Việt bị HĐXX tuyên phạt 29 năm tù (cả 2 tội danh “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”).
Bị cáo Chu Ngọc Anh đã nộp 4,6 tỉ đồng. Cựu Bộ trưởng KH-CN bị xác định đã nhận từ Phan Quốc Việt 200.000 USD; lĩnh án 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Bị cáo Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ) đã nộp lại 4,7 tỉ đồng. Ông Trịnh bị cáo buộc nhận “cảm ơn” từ Phan Quốc Việt 200.000 USD; lĩnh án 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”…
Ngoài ra, theo HĐXX, các bị cáo Phan Quốc Việt, Phan Huy Văn, Phan Khánh Vân, Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Thị Thúy... và một số bị cáo khác đều đề nghị được sử dụng tiền, tài sản đang bị tạm giữ, kê biên phong tỏa để khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án.
Một số bị cáo không được hưởng lợi nhưng cũng tự nguyện, hoặc tác động để gia đình nộp một khoản tiền khắc phục thiệt hại xảy ra, như Vũ Đình Hiệp (Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á) nộp 25 triệu đồng, Phan Tôn Noel Thảo nộp 50 triệu đồng, Hồ Thị Thanh Thảo nộp 50 triệu đồng...