Mỗi địa phương chi hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng dự trữ, cung ứng hàng tết
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:55, 14/01/2024
Mỗi địa phương chi hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng dự trữ, cung ứng hàng tết
Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần. Thời điểm này, các doanh nghiệp bán lẻ trên cả nước đã dự trữ số lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết.
Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 trị giá gần 41.000 tỉ đồng. Dự báo nguồn cung của 12 mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp tết sẽ tăng khoảng 10% so với năm ngoái.
Đã có 47 đơn vị đăng ký tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn thủ đô. Sở Công Thương đã giao chỉ tiêu cho các danh nghiệp cung ứng trên địa bàn với gần 18.000 điểm bán hàng tết.
Sở Công thương TP.Đà Nẵng cho biết đã xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với tổng trị giá hàng dự trữ khoảng 2.580 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, nhưng không tăng nhiều so với năm ngoái. Cụ thể như: gạo, nếp các loại hơn 68 tấn; thịt các loại hơn 185 tấn; thực phẩm chế biến, đóng hộp gần 423 tấn; thực phẩm khô 18 tấn; bánh kẹo mứt hạt dưa các loại 1.223 tấn; rau, củ quả các loại hơn 1.313 tấn.
Dự kiến, trong 3 ngày giáp Tết Nguyên đán, 19 điểm bán hàng bình ổn tập trung tại các chợ gần các khu dân cư trên địa bàn thành phố, bảo đảm các điểm bán được phân bổ hợp lý tại các quận/huyện, phục vụ nhu cầu của người dân. Các điểm này sẽ bán mặt hàng: thịt lợn các loại, thịt bò; trứng gà với giá bán cam kết thấp hơn thị trường và giữ mức ổn định (giá bán được niêm yết hằng ngày, công khai rộng rãi).
Tại TP.HCM, các doanh nghiệp đã chuẩn bị hơn 22.000 tỉ đồng bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán. Bình quân mỗi tháng các doanh nghiệp có thể cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản.
Sở Công Thương Bình Dương đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trị giá hơn 2.250 tỉ đồng.
Các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân bao gồm 5 nhóm hàng hóa, gồm: lương thực (gạo, nếp...); thực phẩm công nghệ (đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn, nước chấm, nước giải khát, mì gói, bánh mứt, kẹo...); thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, trứng vịt, rau củ, quả...) và thực phẩm chế biến (giò lụa, lạp xưởng, xúc xích...); mặt hàng xăng dầu; thuốc trị bệnh cho người. Tổng trị giá hàng hóa dự trữ khoảng hơn 11.602 tỉ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh, trong đó giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khoảng 2.258 tỉ đồng.
Tại Tiền Giang, các doanh nghiệp thực hiện việc dự trữ, cung ứng hàng hóa với tổng trị giá vốn là 553,680 tỉ đồng. Trong đó, hàng hóa thiết yếu là 136,246 tỉ đồng. Lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh trong 60 ngày, từ ngày 11.1.2024 (nhằm ngày 1 tháng chạp Quý Mão) đến hết ngày 9.3.2024 (nhằm ngày 29 tháng giêng Giáp Thìn), gồm: gạo (801 tấn); đường (677 tấn); dầu ăn (1.351.648 lít); thịt gia súc (46,5 tấn); thịt gia cầm (44,5 tấn). Ngoài ra còn có các mặt hàng tiêu dùng khác như: bánh mứt, lạp xưởng, nước giải khát, bột giặt...
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, tổng trị giá hàng hóa bình ổn thị trường dự kiến khoảng 357 tỉ đồng, gồm các nhóm hàng thiết yếu như gạo, thịt, rau củ quả. Số lượng hàng hóa tham gia phương án dự trữ chiếm khoảng 60 - 70% so với nhu cầu thị trường.
Tỉnh Trà Vinh đã vận động 6 doanh nghiệp, 5 siêu thị và 13 cửa hàng tiện lợi tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, với tổng giá trị đạt hơn 7.000 tỉ đồng phục vụ thị trường những tháng cuối năm và Tết Giáp Thìn 2024.
Đáng chú ý, để đảm bảo nguồn hàng phục vụ tết, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã chủ động nguồn vốn tự có và vốn vay của quỹ tín dụng, với hạn mức và lãi suất ưu đãi. Theo đó, các mặt hàng thiết yếu được bày bán tại các đơn vị tham gia chương trình và được phân phối, cung ứng tại 38 điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh, tổ chức 4 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn những ngày cận tết.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 ước tính khoảng 19.911 tỉ đồng, tăng 25% so với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Lượng hàng hóa này dự tính sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh. Riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống như: thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá thu, cá trắm, tôm biển... và mặt hàng thực phẩm chế biến như: giò lụa, giò bò, chả bìa... sẽ tăng khoảng từ 10 - 20% trong những ngày giáp tết do nhu cầu của người dân tăng cao.
Tỉnh Hậu Giang sẽ chuẩn bị hơn 782 tỉ đồng dự trữ hàng hóa và bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024. Theo đó, có 9 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia công tác bình ổn thị trường với tổng trị giá hàng hóa ước đạt trên 332 tỉ đồng, giảm 15 tỉ đồng so với năm trước.
Riêng tình hình chuẩn bị tết tại các địa phương, tổng giá trị hàng hóa tại 8 huyện, thị xã, thành phố dự kiến dự trữ để buôn bán phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp tết là trên 450 tỉ đồng, tăng 130 tỉ đồng so với Tết năm 2023.
Các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu tham gia chương trình bình ổn chủ yếu là các nhóm lương thực (gạo, mì gói, bún khô, phở khô...), đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản (chế biến và tươi sống), các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán: bánh mứt kẹo, nước giải khát, hoa tươi...