Đội tuyển Việt Nam thời HLV Troussier nhìn từ giải U.19, U.21 quốc gia
Góc bình luận - Ngày đăng : 13:50, 15/01/2024
Đội tuyển Việt Nam thời HLV Troussier nhìn từ giải U.19, U.21 quốc gia
Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) đã gây ấn tượng mạnh với người hâm mộ bóng đá qua cách thua với tỉ số 2-4 trước Nhật Bản - ứng cử viên số 1 cho danh hiệu vô địch Asian Cup 2023.
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam hài lòng đã đành, ngay cả đối thủ của ĐTVN là Nhật Bản và nhất là truyền thông quốc tế cũng đồng loạt khen ngợi và bất ngờ trước sự thể hiện ngoài mong đợi của các tuyển thủ Việt Nam.
Trong họp báo sau trận đấu, HLV Philippe Troussier hoàn toàn đúng khi so sánh trận đấu giữa hai đội tuyển Việt Nam với Nhật Bản như là trận đấu quyền anh giữa hai võ sĩ không cùng hạng cân.
Cần nhớ rằng, ông Troussier chỉ nói sau khi trận đấu đã kết thúc. Trước cuộc chiến, dù mọi chỉ số Nhật Bản đều vượt trội ĐTVN, nhưng ông Troussier chưa bao giờ thể hiện sự yếm thế của ĐTVN trước Nhật Bản từ câu nói cho đến hành động.
Có nghĩa là, ông Troussier luôn giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực của người đứng đầu để truyền lửa cho các chiến binh Việt Nam.
Gieo như thế nào, gặt như thế nấy
Suốt 10 tháng qua, kể từ khi bắt đầu làm việc trên cương vị HLV ĐTVN, ông Troussier luôn cho thấy ông "nói là làm". Ông chọn cầu thủ không dựa trên tên tuổi, không dựa vào thành tích quá khứ. Ông chỉ triệu tập cầu thủ lên đội tuyển dựa vào yếu tố: phong độ tốt nhất và đặc biệt, cánh cửa vào đội tuyển quốc gia luôn rộng mở, nhất là với những cầu thủ trẻ tiềm năng.
Chính vì quan điểm đó, vào hôm qua (14.1), trong đội hình xuất phát của ĐTVN có đến 3 cầu thủ thuộc thế hệ mới là Nguyễn Đình Bắc (19 tuổi), Nguyễn Thái Sơn (20 tuổi) và Võ Minh Trọng (22 tuổi). Cả ba chơi bên cạnh 4 đàn anh chưa quá 25 tuổi là Phan Tuấn Tài (22 tuổi), Nguyễn Thanh Bình (23 tuổi), Phạm Tuấn Hải (24 tuổi), Bùi Hoàng Việt Anh (25 tuổi). Vào hiệp 2, ông Troussier thay 4 người thì 2 người 20 tuổi là Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Trường và kết thúc trận đấu chỉ còn mỗi cựu binh là thủ quân Đỗ Hùng Dũng (30 tuổi).
Không phải ngẫu nhiên tiền đạo 19 tuổi Nguyễn Đình Bắc chia sẻ rằng HLV Troussier đã truyền sự tự tin cho anh để đá với Nhật Bản. Niềm tin của ông Troussier dành cho Đình Bắc đã được đền đáp. Lần đầu tiên được khoác áo chính thức ĐTVN lại là trận đấu lớn, Đình Bắc không chỉ đánh đầu gỡ hòa 1-1 mà hơn hết, Bắc đã thể hiện lối chơi hiệu quả, dũng mãnh trong tấn cống lẫn phòng thủ và di chuyển liên tục suốt chiều dài mặt sân. Chính Bắc cũng là người ấn định chiến thắng 2-0 cho ĐTVN trên sân Philippines ở vòng loại World Cup 2026 vào ngày 16.11.2023 bằng cú sút ngoài vùng cấm địa vừa căng vừa hiểm, đưa bóng bay sát cột dọc hạ gục thủ môn Philippines.
Nhưng đâu chỉ có mỗi Đình Bắc 19 tuổi, bởi như chúng tôi đã nói ở trên, ĐTVN dưới thời HLV Troussier là đội tuyển thế hệ mới.
Giá trị các giải trẻ U.19, U.21 quốc gia
Cùng nhìn lại quá khứ gần, thế hệ cầu thủ thi đấu ở VCK U.20 World Cup 2017 hay đội U.23 Việt Nam từng vào trận chung kết giải châu Á 2018, hoặc như các đội U.22 Việt Nam tham dự SEA Games..., tất cả đều là những tên tuổi đã trưởng thành từ giải U.19, U.21 quốc gia.
Đó là Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu, Đức Huy, Thành Chung, Thái Quý (Hà Nội); Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Văn Toàn, Ngọc Quang (HAGL); Hà Đức Chinh (Đà Nẵng); thủ môn Bùi Tiến Dũng (Thanh Hóa); trung vệ Bùi Tiến Dũng (Viettel); Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh (SLNA)... Họ đều là những đôi chân từng đặt dấu giày trên khắp các sân cỏ Việt Nam ở giải U.19, U.21 quốc gia và không lâu sau đó, những cầu thủ nổi bật nhất của thế hệ này đã khoác áo ĐTVN.
Còn trận đấu hôm qua trước Nhật Bản, thế hệ bùng nổ từ năm 2018 chỉ còn lại Nguyễn Tuấn Anh, Phạm Xuân Mạnh và Đỗ Hùng Dũng; thay vào đó là Tuấn Hải, Tuấn Tài, Việt Anh, Minh Trọng, Đình Bắc, Thái Sơn, Văn Khang, Văn Trường… Điều gì khiến ông Troussier có thể tạo cuộc cách mạng, chuyển đổi ĐTVN từ con người đến lối chơi kiểm soát bóng thay cho phòng ngự phản công vừa nhanh lại vừa hiệu quả đến vậy?
Trước khi trở thành HLV đội tuyển Việt Nam, ông Philippe Troussier có 3 năm gắn bó với bóng đá trẻ Việt Nam từ 2018 đến 2021. Ông Troussier đã hoàn thành bước một khi dẫn dắt đội U.19 Việt Nam thắng Mông Cổ 3-0, Guam 4-1 và hòa Nhật Bản 0-0 để giành vé vào VCK U.19 châu Á diễn ra ở Uzbekistan từ ngày 14 đến 31.10.2020.
Trước đó, chuẩn bị vòng loại U.19 châu Á, đội Việt Nam đã thắng Thái Lan 1-0 và thua Hàn Quốc 1-2. Đáng tiếc, do đại dịch COVID-19, AFC đã phải hủy VCK U.19 châu Á khiến cho giấc mơ dẫn đắt đội U.19 Việt Nam tham dự VCK U.20 World Cup 2021 của ông Troussier không thành.
Ba năm làm việc ở Việt Nam, không giải trẻ nào mà ông Troussier không đến dự khán, theo dõi, ghi chép, đặc biệt là hai giải U.19, U.21 quốc gia cũng như là quốc tế. Đây là lý do khi nhận trách nhiệm là HLV ĐTVN, ông Troussier nói ông biết rõ gần 100 tài năng bóng đá trẻ Việt Nam.
Chính vì thế, ngay từ đầu, mỗi lần tập trung ĐTVN, không ít người ngạc nhiên, thậm chí bất đồng quan điểm khi thấy ông triệu tập nhiều cầu thủ vô danh, chưa khẳng định được mình ở giải hạng Nhất chứ đừng nói là ở V-League. Càng khó hiểu hơn khi ông lại thành lập hai đội U.23, một do ông phụ trách coi như là đội A và một là đội B do HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt.
Cách làm của ông Troussier, chúng tôi đã gọi đó là “Dự án 100”. Ông Troussier có lý do để xây dựng và phát triển “Dự án 100” với mục đích tái cấu trúc lại các cấp độ đội tuyển từ U đến quốc gia. Trên hết, ông muốn xây dựng, định hình lại triết lý, trường phái BĐVN sao cho vừa phù hợp với người Việt Nam vừa thích nghi với xu hướng phát triển của bóng đá hiện đại trên thế giới.
Ông Troussier nói rằng, với bóng đá trẻ cần xác định thành tích đội trẻ không quan trọng bằng tương lai cầu thủ trẻ. BĐVN không nên xem thành tích hiện tại của bóng đá trẻ là quan trọng, mà thành công tương lai của bóng đá trẻ mới là cái đích của công tác đào tạo bóng đá trẻ.
Ông Troussier nhấn mạnh, để huấn luyện cầu thủ trẻ thích nghi rồi phát triển ở nhiều vị trí khác nhau với tư duy chiến thuật khác nhau sẽ cần nhiều thời gian. Nhưng vì thành tích mà các HLV đã hạn chế khả năng phát triển của cầu thủ. Thực trạng này coi như chúng ta tự giới hạn sự phát triển đa dạng, sáng tạo của tuổi trẻ.
HLV các đội trẻ cũng có sự rập khuôn trong huấn luyện. Như trung vệ hay tiền đạo phải là những cầu thủ có thể hình tốt, sau đó mặc nhiên hướng dẫn các trung vệ, tiền đạo tập rồi đối phó hay thích nghi với các tình huống cố định, thay vì dạy thêm những kỹ năng cơ bản chống lại hay phát huy thêm lối chơi kỹ thuật, khéo léo và nhanh nhẹn của các cầu thủ nhỏ con.
Mỗi trận đấu có thể thua từ sai lầm không mong muốn của các cầu thủ trẻ, nhưng đó là cơ hội để các HLV sửa lỗi cho tương lai các cầu thủ trở nên tốt hơn.
Nói đi đôi với làm là phong cách của ông Troussier. Do đó, chúng ta đã thấy, lúc đầu các ĐTVN dưới cuộc cách mạng của ông Troussier còn chệch choạc, chưa mượt mà nhưng rồi tất cả đã tốt dần lên, xuất hiện những tên tuổi mới và họ khẳng định được tài năng. Trong đó, nổi bật hơn cả là Đình Bắc và Thái Sơn đều chưa quá 20 tuổi.
Ông Troussier ví ông như là nhạc trưởng còn các cầu thủ là nhạc công, mỗi người chơi từng nhạc cụ. HLV này nói rằng ông có cách quản lý riêng, cho phép từng nhạc công được chơi sáng tạo nhưng quan trọng là sự sáng tạo đó phải phục vụ cho cái chung, tất cả cùng nhau để có cùng sự kết nối đồng bộ. Ông Troussier sẽ cố gắng đem lại sự thoải mái cho các cầu thủ vì khi đó họ mới tự tin và biết phải làm gì.
Ông Troussier đưa ra lời khuyên, để có được vị trí chính thức ở các câu lạc bộ V-League và cao hơn là đội tuyển quốc gia, ngoài tài năng, sự nỗ lực của bản thân thì bệ phóng từ các giải trẻ đã giúp các cầu thủ trưởng thành và phát triển kỹ năng. Hãy tỏa sáng ở giải U.19, U.21 trước khi muốn rực rỡ ở V-League và khoác lên người chiếc áo đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Và tại vòng loại giải U.19 quốc gia Việt Nam 2024 đã và đang diễn ra với số lượng đội bóng tham gia kỷ lục: 36 đội. Đây là tín hiệu vui cho BĐVN trước cuộc cách mạng mang tên: Philippe Troussier!