Để tăng sự hấp dẫn, thuốc lá được tẩm thêm nhiều hóa chất độc hại, gây ung thư
Thông tin Y học - Ngày đăng : 20:25, 15/01/2024
Để tăng sự hấp dẫn, thuốc lá được tẩm thêm nhiều hóa chất độc hại, gây ung thư
Về cơ bản, thuốc lá là chất độc gây nghiện với hàm lượng nicotine cao. Để bảo quản, tăng sự hấp dẫn cũng như tùy theo đặc trưng của từng hãng thì thuốc lá được tẩm ướp thêm rất nhiều hóa chất độc hại và có thể gây ung thư.
Thuốc lá có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Trung Quốc. Tại Trung Quốc, thuốc lá còn được gọi là tương tư thảo. Khói thuốc vào miệng không theo thường độ, một lúc nó chạy khắp người làm cho cơ thể thống khoái, thay được rượu trà, không ngán, không chán và gây nghiện nặng. Sách Bản thảo tòng tân liệt thuốc hút vào dạng độc thảo, tính cay nóng. Do đó, người xứ lạnh hay dùng thuốc lá nghĩ là để giữ ấm nhưng dùng nhiều thành nghiện.
Theo TS-BS Nguyễn Minh Đức, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, về cơ bản, thuốc lá là chất độc gây nghiện với hàm lượng nicotine cao. Để bảo quản, tăng sự hấp dẫn cũng như tùy theo đặc trưng của từng hãng thì thuốc lá được tẩm ướp thêm rất nhiều hóa chất độc hại và có thể gây ung thư như: Acrolein, N-Nitrosamines, Acetaldehyde, Benzen, Polycyclic aromatic hydrocarbons…
Tại Việt Nam, nhận thức về tác hại của thuốc lá đã được cải thiện. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy nhiều người hút thuốc lá không đúng nơi, đúng chỗ. Họ vô tư hút thuốc lá trong nhà, trong phòng làm việc khiến khói thuốc lá tỏa ra khắp nơi khiến ai cũng cảm thấy khó chịu với bầu không khí độc hại và sinh bệnh tật.
Hay như khi đi trên đường, chúng ta dễ dàng thấy một số tài xế một tay lái xe hơi, một tay chìa ra ngoài cửa để hút thuốc lá; hoặc một số người chở vợ con phía sau vẫn hút thuốc phì phèo. Thế là nhiều tấn bi kịch đã xảy ra, nhiều người phụ nữ Á Đông không hút thuốc lá nhưng lại bị ung thư phổi do hít khói thuốc thụ động.
Trong chúng ta, chắc nhiều người cũng từng có cảm giác khó chịu khi hít phải khói thuốc lá từ người chạy xe phía trước, thậm chí nhiều khi còn bị tàn thuốc lá bay trúng vào mặt, mắt và quần áo.
Chỉ một hành vi hút thuốc lá không đúng, thiếu kiến thức về tác hại của thuốc lá đã dẫn đến ung thư phổi, và sự diễn tiến sau đó vô cùng phức tạp. Người bị ung thư phổi thường có cảm giác lạnh thấu xương và đau nhức từ chiều tối trở đi. Đặc biệt là vào mùa đông thì lạnh và đau dữ dội hơn vào ban đêm.
Theo bác sĩ Đức, hiện nay việc điều trị ung thư phổi được thực hiện kết hợp đa mô thức đúng nghĩa, gồm: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, thuốc đích, thuốc miễn dịch, y học hiện đại và y học cổ truyền kết hợp. Một số người bệnh thì áp dụng Đông - Tây y kết hợp “cúng bái”, nguyện cầu tứ phương tám hướng. Thậm chí nhiều người vì quá hoảng loạn, mất phương hướng nên xem thông tin trên mạng rồi tự điều trị theo phương pháp truyền miệng.
“Hút thuốc lá chưa biết được ích lợi gì ngoài việc thỏa mãn cơn ghiền. Nhưng khi phát sinh ra ung thư phổi cho bản thân hay người xung quanh, thì chi phí đó đắt đỏ gấp ngàn lần, thậm chí để lại những nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn không gì bù đắp được”, bác sĩ Đức nhận định.
Chia sẻ với những người đang hút thuốc lá, bác sĩ Đức nói rằng đường học thì học trước kiểm tra sau, chứ đường đời là kiểm tra trước học sau, và đôi khi có những bài học đắt giá ảnh hưởng đến tính mạng như “chồng hút thuốc lá vợ ung thư phổi” hay “con hút thuốc lá mẹ ung thư phổi”. Sau tất cả, dù vợ và mẹ bệnh tật nhưng những người hút thuốc lá thì không thể từ bỏ làn khói thuốc. Họ theo trường phái “còn thở còn gỡ” và “lỡ rồi lỡ luôn”.
“Nếu thực sự có hạnh phúc và ấm yên nhờ khói thuốc thì sao lại có tốn kém, sinh thiết, chụp CT, PET-CT, phẫu thuật, hóa chất, xạ trị; hay đau khổ, hy vọng, hối tiếc, trả giá bằng sức khỏe và mạng sống của bản thân cùng người xung quanh. Đừng lý sự lòng vòng để bảo vệ và bao biện cho việc hút thuốc lá, cũng đừng để xảy ra những sự việc không thể vãn hồi rồi mới ước quay lại thuở xưa khi không biết và sử dụng thuốc lá”, bác sĩ Đức nói.