Vì sao tòa án Trung Quốc công nhận bản quyền cho ảnh cô gái do AI tạo ra bằng Stable Diffusion?

Thế giới số - Ngày đăng : 22:30, 15/01/2024

Theo thẩm phán Trung Quốc đưa ra phán quyết mang tính bước ngoặt, quyết định công nhận bản quyền của một hình ảnh được tạo ra thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mục đích khuyến khích sự sáng tạo như vậy và thúc đẩy ngành công nghiệp mới nổi này.
Thế giới số

Vì sao tòa án Trung Quốc công nhận bản quyền cho ảnh cô gái do AI tạo ra bằng Stable Diffusion?

Sơn Vân 15/01/2024 22:30

Theo thẩm phán Trung Quốc đưa ra phán quyết mang tính bước ngoặt, quyết định công nhận bản quyền của một hình ảnh được tạo ra thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mục đích khuyến khích sự sáng tạo như vậy và thúc đẩy ngành công nghiệp mới nổi này.

Trong phán quyết đầu tiên thuộc loại này ở Trung Quốc, Tòa án Internet Bắc Kinh vào tháng 11.2023 đã quyết định rằng một bức ảnh, được tạo ra thông qua ứng dụng chuyển văn bản thành hình ảnh Stable Diffusion, phải được coi là tác phẩm nghệ thuật được bảo vệ bởi luật bản quyền, vì “tính độc đáo” và đầu vào trí tuệ của người sáng tạo ra nó.

Chủ tọa phiên tòa Zhu Ge nói trong một bài giảng rằng việc chỉ định nội dung AI tạo sinh (generative AI) có tư cách pháp lý theo một số điều kiện nhất định trong trường hợp này là nhằm mục đích khuyến khích mọi người sáng tạo bằng các công cụ mới, trang The Paper (Trung Quốc) đưa tin hôm 15.1.2024.

Generative AI là một loại AI có mục tiêu chính là tạo ra thông tin mới, thường thông qua quá trình học máy và học sâu. Loại AI này không chỉ giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, mà còn có khả năng tạo ra dữ liệu, văn bản, hình ảnh, âm thanh và nhiều loại thông tin khác.

Một ví dụ nổi tiếng về generative AI là mô hình ngôn ngữ lớn GPT (Generative Pre-trained Transformer) của OpenAI. GPT có khả năng tạo ra văn bản mới, dựa trên dữ liệu mà nó đã được huấn luyện trước đó. Generative AI có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng, gồm tạo văn bản, hình ảnh, âm thanh và thậm chí trong việc giải quyết vấn đề trong lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo và thiết kế.

Bà Zhu Ge cho biết: “Nếu không có nội dung nào được tạo ra bằng mô hình AI có thể được coi là tác phẩm nghệ thuật thì điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp”.

Phán quyết này đã đổ thêm dầu vào các cuộc tranh cãi nảy lửa về việc liệu nội dung do AI tạo ra có nên được bảo vệ bởi luật bản quyền hay không. Dù vậy, Tòa án Internet Bắc Kinh khẳng định rằng các tranh chấp trong tương lai về sự thể hiện cá nhân của tác giả trong hình ảnh tạo ra với sự giúp đỡ từ AI nên được xử lý từng trường hợp cụ thể.

Vụ kiện vi phạm sở hữu trí tuệ được khởi xướng vào tháng 5.2023 bởi nguyên đơn họ Li, người sử dụng ứng dụng Stable Diffusion của công ty khởi nghiệp Stability AI (có trụ sở ở Anh) để tạo ra hình ảnh một cô gái châu Á và đăng nó lên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu (Trung Quốc).

vi-sao-toa-an-trung-quoc-cong-nhan-ban-quyen-cho-hinh-anh-do-ai-tao-ra-voi-stable-diffusion.jpg
Hình ảnh gốc về một cô gái châu Á do AI tạo ra (bên trái) là tâm điểm của vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ do Tòa án Internet Bắc Kinh xét xử vào ngày 27.11.2023 - Ảnh: Xiaohongshu

Li đã kiện một blogger tên Liu với cáo buộc sử dụng hình ảnh đó mà không được phép trong một bài đăng trên Baijiahao, nền tảng chia sẻ nội dung thuộc sở hữu của Baidu (gã khổng lồ internet Trung Quốc).

Tòa án sau đó đã ra phán quyết có lợi cho Li. Cụ thể hơn, chủ tọa phiên toà phán quyết rằng hình ảnh do AI tạo ra của Li là một tác phẩm nghệ thuật, dựa trên cách anh liên tục thêm lời nhắc và điều chỉnh các thông số để tạo thành bức ảnh phản ánh “sự lựa chọn thẩm mỹ và đánh giá cá nhân của mình”.

Tòa án yêu cầu bị cáo Liu phải đưa ra lời xin lỗi công khai cũng như trả cho nguyên đơn Li 500 nhân dân tệ (70,43 USD) tiền bồi thường thiệt hại và 50 nhân dân tệ án phí.

Zhu Ge, chủ tọa phiên tòa, cho biết trong bài phát biểu của mình rằng phán quyết được đưa ra với với suy nghĩ về những tác động tiềm tàng lên "các ngành công nghiệp mới nổi", theo trang The Paper. Bà hy vọng phán quyết trong vụ án này có thể làm tài liệu tham khảo cho các tranh chấp trong tương lai.

Stable Diffusion có thể tạo ra hình ảnh, video và hoạt cảnh từ lời nhắc bằng văn bản hoặc hình ảnh. Stable Diffusion hoạt động theo mô hình khuếch tán, trong đó một hình ảnh được bắt đầu từ trạng thái ngẫu nhiên và sau đó dần dần được làm sắc nét. Lời nhắc bằng văn bản hoặc hình ảnh được sử dụng để điều khiển quá trình khuếch tán, giúp tạo ra hình ảnh phù hợp với mô tả.

Stable Diffusion có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau:

- Tạo hình ảnh nghệ thuật độc đáo và sáng tạo.
- Tạo ra các hình ảnh, video quảng cáo hấp dẫn và thu hút sự chú ý.
- Tạo ra các hình ảnh và video mô phỏng để phục vụ cho mục đích giáo dục, đào tạo.
- Nghiên cứu các lĩnh vực như thị giác máy tính, AI và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Phán quyết của tòa án được đưa ra khi tham vọng của Trung Quốc về AI tạo sinh tiếp tục phát triển trong bối cảnh công nghệ này được sử dụng rộng rãi hơn trên toàn thế giới. Những tiến bộ trong việc sử dụng AI cũng được kỳ vọng sẽ chuyển đổi các ngành công nghiệp và cải thiện cuộc sống hàng ngày của con người.

Theo báo cáo của CCID Group - đơn vị nghiên cứu liên kết với Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, ngành công nghiệp AI tạo sinh của Trung Quốc được dự báo sẽ đóng góp giá trị kinh tế trị giá 30.000 tỉ nhân dân tệ vào năm 2035, chiếm 1/3 giá trị toàn cầu của ngành là 90.000 tỉ nhân dân tệ.

Nhiều hãng công nghệ Trung Quốc cũng đã tăng cường nỗ lực phát triển hoạt động kinh doanh của mình bằng cách sử dụng AI tạo sinh. Ví dụ, gã khổng lồ dịch vụ giao hàng Meituan (Trung Quốc) gần đây đã ra mắt Wow, chatbot AI có mục đích trả lời các câu hỏi của người dùng bằng dấu ấn cá nhân.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba giới thiệu một cửa hàng trực tuyến bán các sản phẩm kỹ thuật số dựa trên trợ lý ảo Duxiaoxiao của Baidu trong chiến dịch Ngày Độc thân (11.11) vào năm 2023.

Sơn Vân