EVN: Việt Nam sẽ phát triển nhanh điện mặt trời trong thời gian tới
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:52, 01/06/2019
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương đã có tiếp nhận rất nhiều dự án về năng lượng tái tạo. Đây là chính sách hết sức đúng đắn trong khi chúng ta có thể nhìn nhận trong thời gian tới, nguy cơ thiếu điện rất rõ.
“Điện hạt nhân chúng ta đã dừng rồi. Thủy điện thì có thể nói gần như là cạn kiệt, thậm chí các nguồn nước cho thủy điện nhiều khi không đảm bảo. Nhiệt điện thì cũng gây rất nhiều tác hại, báo chí nói rất nhiều. Do đó hiện chúng ta định hướng tập trung vào năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời…", ông Hải nói.
Thứ trưởng Hải cho rằng, nhiều dự án Bộ Công Thương đã tiếp nhận và có một số đã đi vào hoạt động và sắp tới có thể sớm đi vào hoạt động. Tuy nhiên, việc này cũng có những thách thức. Ví dụ liên quan đến Luật Quy hoạch chẳng hạn, có thể mấy trăm dự án năng lượng mặt trời bị ngưng trệ, không thực hiện được.
“Chúng ta làm ra điện, tức là năng lượng tái tạo, nhưng để đấu nối vào mạng lưới điện quốc gia thì thứ nhất là có nguồn tài chính để đầu tư vào”, ông Hải nói.
Nói thêm về điều này, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Võ Quang Lâm cho hay, có thể nói rằng Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về điện mặt trời trong thời gian rất ngắn. Cho tới ngày 30.5, này đã có 47 dự án điện mặt trời với công suất 2.300 MW được đấu nối vào lưới điện quốc gia.
Dự kiến, trong tháng 6 này tiếp tục sẽ có khoảng 49 dự án với công suất vào khoảng 2.600 MW nữa. Như vậy là chúng ta có xấp xỉ 5.000 MW trong một thời gian rất ngắn.
Theo ông Lâm, để đáp ứng để yêu cầu đấu nối, có hai việc. Thứ nhất là thực hiện được các quy định về đấu nối vào hệ thống điện quốc gia thì có một số văn bản pháp quy mà Bộ Công Thương quy định. Để giải quyết vấn đề này, EVN trong thời gian qua đã họp với các nhà đầu tư, đã ký các hợp đồng mua bán điện. Khoảng hơn 200 nhà đầu tư đã đến EVN cùng trao đổi, bàn các biện pháp tháo gỡ để có thể giải tỏa được công suất nhanh nhất.
Tập đoàn cũng đã thành lập các tổ công tác tại các tổng công ty điện lực, tại các khu vực có nhiều dự án điện mặt trời, thành lập một website để các nhà đầu tư có thể theo dõi đầy đủ các tiến độ đấu nối, các hồ sơ cần thiết phải thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương; rút ngắn thời gian các nhà đầu tư phải nộp hồ sơ, hoàn thiện hồ sơ.
“Sơ bộ, một số quy định như là phải nộp hồ sơ trước từ 60 đến 90 ngày, chúng tôi yêu cầu chỉ nộp trước 45 ngày. Các việc liên quan đến điều độ, khoảng thời gian là 20 ngày thì chúng tôi giải quyết trong vòng từ 10-15 ngày. Đến lúc khai báo đấu nối thì thực hiện trong khoảng từ 2-10 ngày”, ông Lâm nói.
Đặc biệt, theo ông Lâm, toàn bộ hệ thống này được khai báo online, các nhà đầu tư không cần đi gặp bất cứ ai cả. Hồ sơ của các nhà đầu tư sẽ được xử lý và chính vì vậy trong vòng 2 tháng vừa qua đã có 2.300 MW.
Theo ông Lâm, vấn đề khó khăn sắp tới là cải tạo công suất. Để đầu tư được một hệ thống lưới điện 220 KV thì mất từ 3 đến 5 năm. Nếu đầu tư hệ thống 500 KV thì thời gian dài hơn. Ở đây lâu nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai. Các thủ tục để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư không mất nhiều thời gian nhưng liên quan đến đất rừng, liên quan đất canh tác, tất cả đều phải xin ý kiến của Thủ tướng.
“Chính vì vậy quá trình thực hiện tất cả các đấu nối này thời gian dài hơn. Tuy nhiên, với mức độ quyết tâm cao nhất, chúng ta có thể giải tỏa được những công suất mà các nhà đầu tư đang đầu tư đến nay. Cho đến nay thì vẫn đáp ứng được tiến độ của các nhà đầu tư và chúng tôi tiếp tục báo cáo với Bộ Công Thương, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án lưới điện và giải tỏa công suất cho các dự án điện mặt trời”, ông Lâm chia sẻ.
Lam Thanh