Iran tránh giao tranh trực tiếp với Mỹ, Israel
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:51, 16/01/2024
Iran tránh giao tranh trực tiếp với Mỹ, Israel
Trang Jara News dẫn lời giới phân tích đánh giá ở căng thẳng Trung Đông hiện tại, cả Iran lẫn Mỹ đều khá thận trọng để tránh làm bùng lên một cuộc chiến trực tiếp.
Không ai biết tình trạng này sẽ kéo dài được bao lâu, nhưng qua 100 ngày xung đột Israel - Hamas có thể thấy Iran chủ yếu thúc đẩy lực lượng ủy nhiệm quấy rối quân đội Mỹ và gây áp lực lên Israel cùng lực lượng phương Tây ở Iraq, Syria, Biển Đỏ chứ chưa tiến xa đến mức gây chiến.
Các bên tấn công nhau đồng thời gửi đi hàng loạt tín hiệu. Bằng chứng của sự thận trọng ở khắp mọi nơi. Vài tuần gần đây Tehran đẩy mạnh làm giàu uranium, điều làm dấy lên lo ngại quốc gia Hồi giáo này muốn tăng tốc sản xuất vũ khí hạt nhân, tuy nhiên cần lưu ý rằng họ vẫn cẩn thận giữ uranium ở dưới mức có thể dùng để chế tạo bom. Israel thực hiện đợt không kích tiêu diệt phó chỉ huy Saleh Mohammed Suleiman Al-Arouri của Hamas ở miền Nam Lebanon rất chính xác, tránh tổn hại đến nhóm Hezbollah (tuy nhiên vài ngày sau họ lại sát hại chỉ huy cấp cao Hezbollah Wissam Tawil). Mỹ cùng Anh vừa tấn công hàng chục mục tiêu Houthi trên lãnh thổ Yemen trong đêm sau khi nói rõ ý định hai nước không nhắm đến giới lãnh đạo Houthi.
Cựu quan chức ngoại giao Mỹ Ryan C.Crocker nhận định cho dù cố ý khuấy động tình hình Trung Đông, nhưng Iran chẳng hề muốn chiến tranh toàn diện nổ ra khi trong nước bất ổn vì nhiều cuộc biểu tình vài năm gần đây. Điều mà giới lãnh đạo quốc gia Hồi giáo quan tâm là sự ổn định của chế độ. Phía Mỹ cũng cố kiềm chế căng thẳng.
Trong lịch sử, Mỹ từng không tránh khỏi bị kéo vào các cuộc xung đột cách xa nửa vòng trái đất. Tai nạn, ám sát, tàu chiến hứng chịu tấn công cùng hàng loạt biến cố khác đều có thể làm đảo lộn kế hoạch. Tuy nhiên ở cuộc chiến Ukraine - Nga, Washington đến nay lại tránh xa xung đột vô cùng hiệu quả. Tổng thống Joe Biden chỉ đạo đội ngũ quan chức hỗ trợ Ukraine bằng mọi cách, miễn là lực lượng Mỹ không trực tiếp đối đầu với Nga. Ông cũng yêu cầu Kyiv không dùng vũ khí do Mỹ cung cấp tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Căng thẳng Trung Đông hiện tại cũng tương tự. Các quan chức tình báo Mỹ đánh giá mục đích của 2 nhóm Houthi, Hezbollah và các nhóm vũ trang ở Iraq, Syria khiến Israel không thể dành toàn bộ nguồn lực cho chiến dịch quân sự tại Dải Gaza, đồng thời đẩy cao thiệt hại quân sự, kinh tế lẫn chính trị của xung đột khiến Israel - Mỹ phải gánh chịu mà không làm bùng lên một cuộc chiến trực tiếp Iran muốn tránh.
Cựu quan chức Crocker cũng lưu ý rằng cần phân biệt rõ hành động nào của lực lượng ủy nhiệm là Iran chỉ đạo, hành động nào mang tính tự phát. Ông đánh giá lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei giỏi triển khai quyền lực trong khu vực hơn người tiền nhiệm, nhưng cũng khó lòng kiểm soát hoàn toàn các nhóm vũ trang mà họ dốc sức củng cố suốt nhiều năm.
Trong các nhóm vũ trang, Houthi tương đối tự do vì không có mối quan hệ sâu sắc với Iran như Hezbollah. Nhóm này cũng chứng tỏ được năng lực quân sự vượt trội khi liên tiếp tập kích tàu hàng gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sau đợt tấn công nhiều mục tiêu Houthi trên lãnh thổ Yemen vừa qua, Lầu Năm Góc đánh giá nhóm này vẫn bảo toàn được 3/4 năng lực quân sự. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 14.1 ca ngợi Houthi “dũng cảm và mạnh mẽ”.
Nhà phân tích Rainam al-Hamdani (cựu thành viên phái đoàn đại diện Yemen tại Liên Hợp Quốc) cảnh báo tình hình hiện tại vô cùng rủi ro, chỉ cần lực lượng ủy nhiệm có một bước đi sai lầm thì chiến lược kiềm chế mà cả Iran lẫn Mỹ đang cố gắng duy trì sẽ đổ vỡ.