Sau TikTok, Ấn Độ chặn ByteDance cung cấp dịch vụ phát nhạc online Resso
Thế giới số - Ngày đăng : 16:41, 16/01/2024
Sau TikTok, Ấn Độ chặn ByteDance cung cấp dịch vụ phát nhạc online Resso
ByteDance, công ty mẹ của TikTok, sẽ đóng cửa ứng dụng phát nhạc trực tuyến Resso ở Ấn Độ vào cuối tháng 1.2024, theo trang Insider.
Động thái này được đưa ra sau khi chính phủ Ấn Độ vào tháng 12.2023 yêu cầu rằng Apple và Google loại bỏ Resso khỏi các cửa hàng ứng dụng.
Người phát ngôn của ByteDance nói với Insider: “Thật không may, do điều kiện thị trường địa phương, chúng tôi không thể tiếp tục phục vụ người dùng Resso ở Ấn Độ được nữa. Vì vậy, chúng tôi đã đưa ra quyết định đóng cửa Resso và các hoạt động liên quan của nó vào ngày 31.1.2024. Người dùng sẽ được hoàn lại số phí đăng ký còn lại của họ".
Ấn Độ là thị trường cuối cùng mà Resso hoạt động sau khi ByteDance ngừng cung cấp dịch vụ âm nhạc ở Brazil và Indonesia để triển khai nỗ lực phát trực tuyến khác tại các quốc gia đó, được gọi là TikTok Music. Ứng dụng này kết hợp một số tính năng xã hội của TikTok với tính năng phát nhạc trực tuyến. Cũng có sẵn ở Úc, Mexico và Singapore, TikTok Music hoạt động độc lập với Resso. ByteDance chưa công bố kế hoạch tung ra TikTok Music ở Ấn Độ.
TikTok đã bị cấm ở Ấn Độ kể từ năm 2020 khi chính phủ quốc gia Nam Á loại bỏ hàng chục ứng dụng Trung Quốc trong bối cảnh xảy ra xung đột địa chính trị giữa hai nước này ở biên giới. Có cùng chủ sở hữu là ByteDance như TikTok, nên làm thế nào Resso có thể tránh được lệnh cấm ở Ấn Độ trong vài năm vẫn còn là điều bí ẩn.
Đại diện của chính phủ Ấn Độ không trả lời ngay lập tức câu hỏi tìm bình luận từ trang Insider.
Việc bị cấm ở Ấn Độ dường như không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của TikTok trên toàn cầu sau đó, khi công ty thông báo vào tháng 9.2021 rằng đã vượt mốc 1 tỉ người dùng.
Dù TikTok hiện đã bị loại khỏi Ấn Độ - một trong những thị trường phát nhạc trực tuyến đông dân nhất, ByteDance vẫn còn nhiều không gian để mở rộng dịch vụ đăng ký nghe nhạc TikTok Music khi cạnh tranh với các công ty lớn như Spotify, Apple Music và YouTube Music.
Chưa công bố kế hoạch tung ra TikTok Music tại Mỹ, ByteDance đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu lên Văn phòng Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Mỹ cho dịch vụ này vào tháng 5.2022, trang Insider đưa tin.
Việc ByteDance đóng cửa Resso ở Ấn Độ diễn ra vào thời điểm thú vị với TikTok, công ty đang mở rộng tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp âm nhạc bên ngoài tính năng liên quan video ngắn trên ứng dụng của mình. Ngoài việc cung cấp dịch vụ phát nhạc trực tuyến tại 5 thị trường, TikTok còn tổ chức sự kiện âm nhạc trực tiếp "cháy vé" tại thành phố Mesa (bang Arizona, Mỹ), với sự tham gia của nghệ sĩ như Cardi B và Peso Pluma.
TikTok cũng cung cấp dịch vụ hỗ trợ nghệ sĩ thông qua bộ phận SoundOn và hợp tác với SiriusXM để tạo ra đài phát thanh TikTok Radio.
Người quản lý trong nhóm âm nhạc của TikTok đã chia sẻ với Insider rằng công ty đặt mục tiêu phát triển các tính năng mới nhằm hỗ trợ công việc của nghệ sĩ.
"Chúng tôi muốn tối đa hóa thời gian dành cho các nghệ sĩ để họ có thể tập trung vào công việc nghệ thuật và mọi thứ trở nên dễ dàng nhất", Paul Hourican, người đứng đầu toàn cầu về quan hệ đối tác và lập trình âm nhạc của TikTok, nói.
Không riêng TikTok Music, ByteDance còn muốn mở rộng sự phát triển của TikTok Shop.
Đầu tháng 12.2023, TikTok đã đạt được thỏa thuận đầu tư vào đơn vị Tokopedia thuộc GoTo Group (Indonesia) và hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ mua sắm trực tuyến, mở đường cho một mô hình thương mại điện tử vượt ra khỏi nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Những người quen thuộc với thỏa thuận cho biết TikTok đã đồng ý hợp tác rộng rãi với Tokopedia trên một số lĩnh vực thay vì cạnh tranh trực tiếp với nền tảng nổi tiếng Indonesia này.
Cổ phiếu GoTo Group tăng mạnh tại Jakarta (thủ đô Indonesia) sau thông tin trên. Dù hai công ty đã đạt được thỏa thuận không chính thức nhưng các chi tiết cuối cùng của việc liên minh đó đang được hoàn thiện và có thể thay đổi trước khi công bố. Theo Bloomberg, thỏa thuận phải được cơ quan quản lý Indonesia chấp thuận.
Khoản đầu tư vào Tokopedia sẽ là một bước tiến đầu tiên với TikTok Shop, nhánh dịch vụ video của ByteDance đang phát triển nhanh chóng và xâm nhập vào lĩnh vực mua sắm trực tuyến từ Mỹ đến châu Âu. Tuy nhiên, sự phát triển của TikTok Shop ở Indonesia so với Sea và Tokopedia đã bị dừng lại khi quốc gia này (phản hồi các khiếu nại từ các thương gia địa phương) ra lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng truyền thông xã hội hồi cuối tháng 9.2023.
Bây giờ, việc hợp tác với Tokopedia có thể cung cấp một mô hình cho TikTok khi theo đuổi việc mở rộng vào các thị trường khác như Malaysia, nơi chính phủ ra tín hiệu sẵn sàng xem xét ảnh hưởng của những công ty nước ngoài như TikTok.
Bloomberg đưa tin vào tháng 11.2023 rằng TikTok và GoTo Group đang thảo luận về một khoản đầu tư tiềm năng nhưng một lựa chọn khác là liên doanh. Điều đó có thể đòi hỏi phải xây dựng một nền tảng thương mại điện tử mới.
Mục tiêu cuối cùng của TikTok là hồi sinh dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Indonesia, thị trường bán lẻ lớn nhất Đông Nam Á. TikTok, nền tảng duy nhất bị ảnh hưởng ngay lập tức bởi các quy định mới của Indonesia, đã phải tạm dừng dịch vụ mua sắm trực tuyến để tuân thủ các hạn chế.
Indonesia là thị trường đầu tiên và lớn nhất của TikTok Shop. TikTok Shop bắt đầu cung cấp dịch vụ ở Indonesia vào năm 2021 và thành công ngay lập tức với những người mua sắm trẻ tuổi, đặc biệt là những ai chủ yếu xem video, khuyến khích nó mở rộng sang các thị trường khác, gồm cả Mỹ.
Với GoTo Group - công ty internet lớn nhất Indonesia, thỏa thuận với TikTok có thể gặp rủi ro vì sẽ giúp đối thủ bán lẻ trực tuyến lớn hoạt động tại quốc gia này. Thế nhưng, thoả thuận cũng sẽ mang lại cho GoTo Group đối tác truyền thông xã hội toàn cầu mạnh mẽ trong thỏa thuận có thể thúc đẩy khối lượng mua sắm, hậu cần và thanh toán cho cả hai công ty.
Patrick Walujo, người tiếp quản vai trò Giám đốc điều hành GoTo Group hồi tháng 6.2023, đang cố gắng mang lại lợi nhuận cho công ty trên cơ sở điều chỉnh vào cuối năm 2023 để cho thấy hãng thương mại điện tử và dịch vụ gọi xe này có tiềm năng lâu dài. Patrick Walujo đang tiếp tục chiến dịch giảm lỗ của người tiền nhiệm bằng cách sa thải nhân viên, giảm thăng chức và thắt chặt kiểm soát chi phí.
TikTok đã cố gắng thu hút sự chú ý từ các quan chức chính phủ và công ty truyền thông xã hội khác để tìm ra cách khởi động lại hoạt động thương mại điện tử của mình tại Indonesia.
Teten Masduki, Bộ trưởng Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia, cho biết TikTok đã nói chuyện với 5 công ty, gồm cả Tokopedia, PT Bukalapak.com và Blibli về khả năng hợp tác.
Indonesia là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á phản đối TikTok. Việc giải quyết vấn đề ở Indonesia sẽ là vấn đề then chốt với TikTok khi các chính phủ trên khắp thế giới đánh giá cách quốc gia lớn nhất Đông Nam Á hành động nhằm hạn chế sự hiện diện thương mại điện tử đang phát triển của gã khổng lồ truyền thông xã hội Trung Quốc. Chỉ vài tháng trước đó, TikTok cho biết sẽ đầu tư hàng tỉ USD vào khu vực Đông Nam Á.
Sau các hạn chế của Indonesia, Malaysia đang nghiên cứu khả năng quản lý TikTok và các hoạt động thương mại điện tử của ứng dụng này. TikTok đang phải đối mặt với các lệnh cấm và sự giám sát có thể xảy ra ở Mỹ, châu Âu vì lo ngại an ninh quốc gia.