Highlands, The Coffee House, Starbucks, Phúc Long trong 'đại chiến' chuỗi cà phê Việt
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:00, 12/06/2019
Thị trường chuỗi cà phê Việt bắt đầu bùng nổ trong khoảng 10 năm trở lại đây với sự góp mặt của những tên tuổi đi lên từ startup như The Coffee House, Cộng, cho tới những tên tuổi lớn như Phúc Long, Highlands Coffee, Trung Nguyên hay là sự du nhập từ nước ngoài của Starbucks, The Coffee Bean.
Ở 4 năm gần đây nhất, bảng xếp hạng chuỗi cà phê Việt đã dần định hình. Vị trí dẫn đầu thường xuyên thuộc về Highlands Coffee, còn phía sau đó là cuộc đua căng thẳng giữa Phúc Long, The Coffee House, Starbucks. Bất ngờ lớn nhất của năm 2018 là sự vươn lên của The Coffe House, soán ngôi thứ nhì của Starbucks.
Cụ thể theo số liệu của VIRAC (Công ty CP Nghiên cứu Ngành và Tư vấn Việt Nam), doanh thu năm 2018 của Highlands Coffee tiếp tục tăng trưởng 31% lên hơn 1.600 tỉ đồng, bỏ xa các đối thủ.
Trong khi đó, vị trí thứ hai có một sự thay đổi khi The Coffee House, với tốc độ tăng trưởng gần 100%, đánh bật Starbucks. Doanh thu The Coffee House năm 2018 đạt gần 670 tỉ đồng, trong khi doanh thu của Starbucks chưa tới 600 tỉ đồng (năm 2017 doanh thu của Starbucks cao hơn Coffee House khoảng 100 tỉ đồng).
Cục diện doanh thu trên thị trường chuỗi cà phê Việt cũng phản ánh số lượng cửa hàng của mỗi chuỗi. Hiện Highlands có 240 cửa hàng còn The Coffee House có 145, Starbucks 49 cửa hàng.
Phúc Long vẫn quyết tâm bám đuổi nhóm dẫn đầu với tốc độ tăng doanh thu gần 40% (doanh thu năm 2018 hơn 470 tỉ đồng), nhờ việc mở rộng mạng lưới và tiến công ra thị trường phía Bắc.
Câu chuyện cạnh tranh trên thị trường chuỗi cà phê ở Việt Nam vốn là đề tài không mới của báo giới. Một bài viết cuối năm 2018 trên Nikkei Asia Review đã nhận định các chuỗi cà phê Việt đang tăng tốc khi các đối thủ ngoại như Starbucks, The Coffee Bean "đủng đỉnh".
Tuy nhiên, một trong những ưu điểm của chuỗi cà phê của Việt Nam là nắm khá chắc văn hóa và người tiêu dùng bản địa, mục tiêu rõ ràng đối tượng khách hàng rõ ràng, hướng đến người trẻ, không gian thiết kế độc đáo. Mức giá đồ uống phải chăng, thực đơn đa dạng, cùng một lợi thế là khách có thể dùng Internet trong nhiều giờ chứ không bị gián đoạn như ở các chuỗi cà phê lớn.
Những đặc điểm này giúp các chuỗi cà phê Việt cạnh tranh mạnh hơn với các thương hiệu lớn, vốn có dịch vụ và quản trị tốt hơn.
Lướt qua vị trí dẫn đầu của Highlands Coffee liên tục từ năm 2014 và 2 năm 2017 - 2018 luôn có lãi trước thuế vượt 100 tỉ đồng, để hướng đến sự ganh đua cho vị trí thứ hai giữa Starbucks và The Coffee House - ngoại đấu nội.
Nikkei trong bài viết gần đây cũng nhắc đến The Coffee House như một hiện tượng của mô hình chuỗi cà phê Việt. Điểm khác biệt của chuỗi này là không đầu tư cửa hàng tại những vị trí "vàng" mà bằng thiết kế quán trẻ trung, ấn tượng, phù hợp với giới trẻ, mức giá phù hợp với khách hàng trung cấp.
Trong khi đó, Starbucks lại có tốc độ tăng trưởng doanh thu theo hướng chững lại trong 2 năm gần đây, chưa nói đến số lượng cửa hàng ở Việt Nam còn khá ít so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore.
Còn Phúc Long, mới chỉ với phân khúc miền Nam mà đã có thể cạnh tranh ngang ngửa ở top 4 thì khi có thêm thị trường miền Bắc, chuỗi này sẽ trở thành đối thủ đáng gờm.
Giữa lúc cuộc đua chuỗi cà phê Việt đang căng thẳng thì Trung Nguyên, sau lần thay đổi nhận diện thương hiệu giữa năm 2018, đã dần tách ra khỏi thị trường chung để đi theo một ngách riêng. Sự thay đổi có phần xa rời thị hiếu của giới trẻ và dân công sở vốn là nhóm khách hàng chính mà các chuỗi khác đang hướng tới, thay vào đó có vẻ thích hợp với lứa tuổi trung niên hơn hoặc những người ghét sự ồn ào. Tuy nhiên nó sẽ giúp thương hiệu này có nhóm khách hàng trung thành riêng, không cần phải tốn quá nhiều tiền cho cuộc đua giành thị phần với các thương hiệu kia.
Cũng không thể không nhắc đến Cộng, những chuỗi cà phê như Cộng đang giành giật thị phần với nhóm dẫn đầu, ở phân khúc khách hàng trẻ và dân công sở.
Theo Trí thức trẻ