Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành trong quý 2/2024
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:17, 18/01/2024
Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành trong quý 2/2024
Theo VNDirect, Ngân hàng Nhà nước đang tính tới việc có thể giảm lãi suất điều hành trong quý 2/2024.
Đó là dự báo được VNDirect đưa ra về tình hình lãi suất trong năm 2024 ngày 18.1. Trong đó, dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm% trong quý 2/2024, đưa lãi suất tái cấp vốn về 4% và lãi suất chiết khấu về 2,5%.
Đồng thời, VNDirect cũng dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân duy trì ở vùng thấp 4,5 - 5%/năm và Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia VNDirect cũng nhận định lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức đáy trong suốt năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu duy trì môi trường lãi suất thấp. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng không còn nhiều dư địa để giảm thêm lãi suất tiền gửi trong bối cảnh nhu cầu tín dụng phục hồi dẫn dến nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng lên.
Về mặt bằng chung lãi suất, VNDirect đưa ra dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân duy trì ở vùng thấp 4,5 - 5%/năm trong năm 2024. Lãi suất cho vay bình quân sẽ giảm khoảng 0,5 - 1 điểm % trong năm 2024 nhờ chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại đang ở mức thấp.
Đối với biến động về tỷ giá ngoại tệ, tỷ giá USD/VNĐ được dự báo ít biến động hơn trong năm 2024. Đồng tiền Việt có thể tăng giá so với USD khoảng từ 1 - 2% do có nhiều yếu tó hỗ trợ VNĐ trong năm nay như việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất điều hành hay triển vọng thu hút vốn FDI sẽ trở nên tích cực hơn trong năm tới.
Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế thông qua việc liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; đồng thời, có nhiều văn bản chỉ đạo, trực tiếp làm việc với các tổ chức tín dụng đề nghị tiết giảm chi phí, giảm lãi suất huy động để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VNĐ giảm 2 - 3% so với cuối năm 2022.
Với tác động có độ trễ của chính sách sau 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất và các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Trên thị trường, lãi suất huy động hiện nay đang xuống rất thấp, chủ yếu dao động từ 1,7% đến 5,2%/năm. Đây có thể là tín hiệu của đợt giảm lãi suất huy động tiếp theo của các tổ chức tín dụng, khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dồi dào.
Theo số liệu thống kê Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 15.1, tính đến tháng 10.2023, người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng thêm 422 tỉ đồng so với tháng 9, đạt hơn 6,44 triệu tỉ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Như vậy, liên tiếp hơn 1 năm qua, lượng tiền người dân gửi vào ngân hàng luôn có xu hướng tăng. Tổng số tiền được gửi vào ngân hàng tháng sau luôn cao hơn tháng trước, mặc dù lãi suất huy động được các ngân hàng thương mại áp dụng mức thấp kỷ lục. Lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, tính đến tháng 10.2023 đạt 6,24 triệu tỉ đồng, tăng hơn 5% so với cuối năm 2022. Đây cũng là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.