Căng thẳng Biển Đỏ ảnh hưởng việc xuất khẩu mặt hàng tỉ USD của Việt Nam

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:11, 18/01/2024

Tồn kho tại các thị trường lúc này không phải là vấn đề chi phối mặt hàng xuất khẩu tỉ USD - cá tra của Việt Nam năm 2024, mà nguyên nhân chính là sự căng thẳng trên Biển Đỏ.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Căng thẳng Biển Đỏ ảnh hưởng việc xuất khẩu mặt hàng tỉ USD của Việt Nam

Tuyết Nhung 18/01/2024 16:11

Tồn kho tại các thị trường lúc này không phải là vấn đề chi phối mặt hàng xuất khẩu tỉ USD - cá tra của Việt Nam năm 2024, mà nguyên nhân chính là sự căng thẳng trên Biển Đỏ.

ca-tra.jpg
Xuất khẩu cá tra của Việt Nam được dự báo tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2024 - Ảnh: IT

Nửa đầu tháng 12.2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt hơn 76 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến ngày 15.12.2023 thế giới đã nhập khẩu gần 1,8 tỉ USD cá tra từ Việt Nam, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022.

Trung Quốc và Hồng Kông vẫn là thị trường tiêu thụ hàng đầu cá tra từ Việt Nam trong năm 2023. Việc Trung Quốc mở cửa mạnh dạn hơn so với đầu năm 2023 khiến trị giá xuất khẩu cá tra sang thị trường này dần tăng trở lại. Năm 2024, nhu cầu từ Trung Quốc sẽ phục hồi tốt hơn so với năm 2023. Mặc dù sản phẩm cá tra được sử dụng rộng rãi và ưa thích tại hệ thống nhà hàng ăn uống, tuy nhiên giá xuất khẩu vào thị trường này sẽ tiếp tục làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu sang đây.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhìn nhận chuyện xuất khẩu sang Mỹ năm 2023 giảm chủ yếu là do lượng hàng tồn kho tại Mỹ quá nhiều do đợt nhập khẩu ồ ạt cuối năm 2022. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến trị giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ liên tục sụt giảm so với cùng kỳ trong suốt năm 2023. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), năm 2022 trị giá nhập khẩu cá tra Việt của Mỹ đạt mức cao nhất trong lịch sử do nhu cầu tiêu thụ tăng cao sau dịch COVID-19. Cũng theo ITC, tính đến tháng 10.2023, Mỹ đã mua gần 278 triệu USD cá tra Việt Nam.

Sau khi giảm lượng hàng tồn kho năm 2022, thị trường Mỹ có thể quay lại sôi động hơn, tuy nhiên mức độ phục hồi sẽ không cao. Ngoài ra, kết luận cá tra Việt Nam được đánh giá tốt về an toàn thực phẩm của Cơ quan Kiểm dịch và an toàn thực phẩm (FSIS) trong đợt thanh tra vừa qua cùng với mức thuế thấp mặc dù mới sơ bộ trong kỳ xem xét hành chính POR 19 đặt nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp cá tra thâm nhập thị trường này.

Bên cạnh những cơ hội hồi phục cho xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, hiện cũng có nhiều thách thức doanh nghiêp Việt phải vượt qua. Trong đó, việc ngày càng có nhiều công ty kinh doanh sản phẩm thủy sản Mỹ nộp đơn để Bộ Thương mại Mỹ chấp thuận là nguyên đơn của vụ kiện chống bán phá giá cá tra khiến cho các đợt rà soát hành chính hằng năm ngày càng trở nên phức tạp.

Kết quả ngành xuất khẩu cá tra đạt được trong năm 2023 cũng trả lời phần nào đó cho xu hướng xuất khẩu và xu hướng tiêu thụ của năm 2024. Cá tra xuất khẩu sẽ không chỉ tập trung vào mặt hàng phi lê đông lạnh - sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, mà sẽ mở rộng và tăng dần với cá tra giá trị gia tăng và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra).

Theo VASEP, biến động của thế giới những tháng cuối năm 2023 cũng ảnh hưởng nhất định đến xu hướng và chiến lược của các nhà chế biến. Hải sản có nguồn gốc từ Nga, bao gồm cả hải sản Nga được bên thứ 3 chế biến, bị Mỹ cấm nhập khẩu vào nước này có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ.

Năm 2024, được dự báo giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại, tuy nhiên những căng thẳng trên Biển Đỏ gần đây cũng gây ra không ít khó khăn trong quá trình vận tải, nhất là những thách thức về cước vận chuyển gia tăng. Giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng.

"Doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, chủ động lên các phương án thích hợp, bao gồm cả việc mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này, hay tìm kiếm thêm các phương thức vận chuyển khác để đảm bảo chuỗi cung ứng", đại diện VASEP nhấn mạnh.

Bắt đầu từ tháng 1.2024, cước vận chuyển hàng hóa đi Mỹ, Canada và EU tăng gấp đôi so với tháng 12.2023. Trong đó, xuất khẩu đồ gỗ và thủy sản là hai ngành hàng chịu áp lực lớn nhất từ việc tăng giá cước này, do phần lớn các sản phẩm được xuất đi các thị trường Mỹ và châu Âu. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang đứng ngồi không yên vì một loạt hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, EU và các nước.

Theo VASEP, hàng loạt hãng vận tải lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk... đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ. Bắt đầu từ tháng 1.2024, cước đi Mỹ/Canada và EU tăng rất mạnh so với tháng 12.2023. Theo đó, cước sang Bờ Tây (LA) tăng thêm 800 - 1.250 USD, tùy tuyến. Tháng 12.2023, giá cước này ở mức 1.850 USD tăng lên 2.873 - 2.950 USD cho tháng 1.2024.

Bờ Đông (NY) ghi nhận mức tăng nhiều hơn từ 1.400 USD đến 1.750 USD tùy theo tuyến, khi tháng 12.2023 giá ở mức 2.600 USD tăng lên 4.100 - 4.500 USD cho tháng 1.2024. Riêng cước tàu sang EU ghi nhận tăng mạnh so với tháng 12.2023 với cước đi Hamburg có giá 1.200 - 1.300 USD trong tháng 12.2023, tăng lên 4.350 - 4.450 USD trong tháng 1.2024, tăng hơn gấp đôi so với tháng liền trước.

Nguyên nhân khiến giá cước vận chuyển tăng là do 80% lượng hàng hóa đi Bờ Đông nước Mỹ, Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Do căng thẳng Israel/Hamas, nhóm quân Houthi (Yemen) đã tấn công các tàu đi vào Biển Đỏ để qua kênh đào này. Tháng 12.2023, các tàu của Maersk, MSC và CMA đều bị tấn công, điều này buộc nhiều tàu phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình mất thêm 7 - 10 ngày. Điều này dẫn đến vòng quay của con tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn, vòng quay một con tàu mất khoảng 2 tuần. Một số tuyến vận tải phải cắt bỏ một số chuyến hàng hằng tuần dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.

Tuyết Nhung