Dân số già đe dọa nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Trung Quốc

Góc nhìn - Ngày đăng : 16:54, 18/01/2024

Theo hãng tin Reuters, tình trạng dân số già đe dọa 2 mục tiêu chính sách quan trọng của Trung Quốc trong chục năm tới là thúc đẩy tiêu dùng nội địa và kiềm chế bong bóng nợ, đặt ra thách thức nghiêm trọng cho triển vọng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Góc nhìn

Dân số già đe dọa nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Trung Quốc

Cẩm Bình 18/01/2024 16:54

Theo hãng tin Reuters, tình trạng dân số già đe dọa 2 mục tiêu chính sách quan trọng của Trung Quốc trong chục năm tới là thúc đẩy tiêu dùng nội địa và kiềm chế bong bóng nợ, đặt ra thách thức nghiêm trọng cho triển vọng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.

Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục cùng số người chết do COVID-19 khiến dân số Trung Quốc sụt giảm năm thứ 2 liên tiếp. Một phần đáng kể của dân số khoảng 1,4 tỉ người rút khỏi lực lượng lao động và không còn nằm trong độ tuổi “hoàng kim” về sức khỏe lẫn sức mua. Tỷ trọng tiêu dùng hộ gia đình trong GDP nước này đã thuộc hàng thấp nhất thế giới, các chính quyền địa phương (chịu trách nhiệm lương hưu và chăm sóc người lớn tuổi) hiện chìm trong nợ nần do tăng trưởng dựa vào đầu tư suốt nhiều năm.

Theo nhà nghiên cứu Bành Tú Kiện (Đại học Victoria): “Thay đổi cơ cấu tuổi sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế”. Ước tính trong 10 năm tới, khoảng 300 triệu người hiện ở độ tuổi 50 - 60 (tương đương dân số nước Mỹ) rút khỏi lực lượng lao động đúng vào thời điểm mà Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc dự báo ngân sách lương hưu sẽ vô cùng căng thẳng.

dan.jpg

Tuổi nghỉ hưu thấp

Độ tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc thuộc hàng thấp nhất thế giới: 60 với nam, 55 với nữ giới làm việc văn phòng và 50 với nữ giới làm công nhân nhà máy. Dự tính năm nay có 28 triệu người đến tuổi nghỉ hưu.

Tại nước này, nhân viên đơn vị nhà nước thường nghỉ hưu đúng tuổi, chủ lao động tư nhân cũng hiếm khi làm việc quá tuổi.

Cư dân tỉnh Thiểm Tây, bà Li Zhulin (50 tuổi, thất nghiệp) lo lắng trước viễn cảnh phải sống dựa vào lương hưu chỉ 5.000 - 7.000 nhân dân tệ (tương đương 697 - 975 USD) mỗi tháng của chồng khi ông nghỉ hưu vào năm 2027 sau quãng thời gian dài làm việc cho đơn vị nhà nước. Bà nỗ lực cắt giảm chi tiêu, đồng thời học cách lập kế hoạch tài chính để tránh trở thành gánh nặng với cô con gái duy nhất.

“Nếu con tôi kết hôn, ngoài nuôi dưỡng gia đình mình thì nó còn phải lo cho bố mẹ chồng. Tôi không dám tưởng tượng tình cảnh khó khăn đến mức nào”, bà Li chia sẻ.

Người tiêu dùng ngày càng lớn tuổi

Người ở độ tuổi 30 - 49 là đối tượng đông thứ 2 trong dân số Trung Quốc, với số lượng khoảng 230 triệu. Đây là đối tượng chi tiêu mạnh tay nhất bởi sự nghiệp của họ thăng tiến đủ tốt để có thể mua nhà, ô tô; và đầu tư cho việc học của con cái.

Khi nhóm này bước sang tuổi 50, con cái hoàn thành việc học bắt đầu tìm việc nên họ chi tiêu ít đi. Thế hệ tương lai hiện ở độ tuổi 20 lại chiếm tỷ lệ nhỏ nhất trong dân số do chính sách 1 con kéo dài từ năm 1980 đến 2015.

Cơ cấu trên là tin xấu cho ngành bất động sản ở đất nước tỉ dân. Chuyên gia kinh tế Larry Hu (Ngân hàng đầu tư Macquarie Capital) lưu ý rằng “kinh nghiệm từ Nhật cho thấy khi nhóm dân số thuộc độ tuổi lao động giảm đi thì nhu cầu nhà ở cũng giảm theo”.

Ít động lực đổi mới

Quyết định bãi bỏ chính sách 1 con chỉ phát huy tác dụng trong thời gian ngắn, tỷ lệ sinh 8 năm qua đều thấp.

Số lượng trẻ em có mối tương quan trực tiếp với tiêu dùng nội địa. Nhà nghiên cứu Bành Tú Kiện phân tích rằng thị trường nội địa thu hẹp sẽ khiến Trung Quốc tăng phụ thuộc vào nhập khẩu, ngoài ra lực lượng lao động già đi kéo giảm cả động lực đổi mới lẫn tốc độ cải thiện năng suất.

Cẩm Bình