Nhờ hiệu ứng ChatGPT, Coursera có người đăng ký các khóa học AI mỗi phút vào năm 2023
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 23:06, 18/01/2024
Nhờ hiệu ứng ChatGPT, Coursera có người đăng ký các khóa học AI mỗi phút vào năm 2023
Nền tảng công nghệ giáo dục Coursera (Mỹ) trung bình mỗi phút có thêm một người dùng mới cho các khóa học về trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2023, Giám đốc điều hành Jeff Maggioncalda cho biết hôm 18.1.2024.
Đây là dấu hiệu rõ ràng về việc rất nhiều người nâng cao kỹ năng để khai thác tiềm năng bùng nổ trong lĩnh vực AI tạo sinh (generative AI).
Generative AI là một loại AI có mục tiêu chính là tạo ra thông tin mới, thường thông qua quá trình học máy và học sâu. Loại AI này không chỉ giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, mà còn có khả năng tạo ra dữ liệu, văn bản, hình ảnh, âm thanh và nhiều loại thông tin khác.
Một ví dụ nổi tiếng về generative AI là mô hình ngôn ngữ lớn GPT (Generative Pre-trained Transformer) của OpenAI. GPT có khả năng tạo ra văn bản mới, dựa trên dữ liệu mà nó đã được huấn luyện trước đó.
Generative AI có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng, gồm tạo văn bản, hình ảnh, âm thanh và thậm chí trong việc giải quyết vấn đề trong lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo và thiết kế.
Generative AI và mô hình ngôn ngữ lớn, công nghệ đằng sau ChatGPT của OpenAI, đã gây bão trên toàn thế giới và tạo ra cuộc chạy đua giữa các công ty để tung ra phiên bản chatbot AI lan truyền của riêng họ.
Mô hình ngôn ngữ lớn là kiểu mô hình học máy có khả năng hiểu và tạo ra ngôn ngữ tự nhiên với quy mô lớn. Những mô hình này thường được đào tạo trên dữ liệu văn bản lớn để hiểu ngữ cảnh, cấu trúc ngôn ngữ và có khả năng tạo ra văn bản mới dựa trên thông tin học được.
Các mô hình ngôn ngữ lớn thường sử dụng các mạng nơ-ron sâu, đặc biệt là mạng nơ-ron chuyển giao (transformer), để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý ngôn ngữ tự nhiên, như dịch máy, tóm tắt văn bản và tạo văn bản mới.
Một số mô hình ngôn ngữ lớn nổi tiếng là GPT (Generative Pre-trained Transformer) của OpenAI, BERT (Bidirectional Encoder Representations from Transformers) của Google, XLNet (Transformer-XL) của Đại học Carnegie Mellon và Google. Những mô hình này đã đạt được những tiến triển đáng kể trong việc hiểu và tạo ra ngôn ngữ tự nhiên, đóng góp vào nhiều ứng dụng khác nhau trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên và AI.
Jeff Maggioncalda, Giám đốc điều hành Coursera, nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos: “Tôi muốn nói rằng điểm nóng thực sự là generative AI vì nó ảnh hưởng đến rất nhiều người”.
Ông cho biết Coursera đang tìm cách cung cấp các khóa học về AI cùng những công ty đi đầu trong cuộc đua công nghệ này, gồm cả OpenAI và Google DeepMind.
Coursera là một nền tảng học trực tuyến hàng đầu được thành lập vào năm 2012 bởi hai giáo sư người Mỹ là Andrew Ng và Daphne Koller. Coursera cho phép người dùng trên khắp thế giới tham gia các khóa học và chứng chỉ từ các trường đại học và tổ chức giáo dục hàng đầu với nhiều lĩnh vực khác nhau, như AI, khoa học máy tính, kinh doanh, khoa học dữ liệu, ngôn ngữ, nghệ thuật và nhiều chủ đề khác.
Ban đầu nhà đầu tư lo ngại rằng các ứng dụng dựa trên generative AI có thể thay thế những công ty giáo dục công nghệ (ed-tech). Song ngược lại, công nghệ này đã khuyến khích nhiều người nâng cao kỹ năng, mang lại lợi ích cho các công ty như Coursera.
Coursera có hơn 800 khóa học AI và hơn 7,4 triệu lượt đăng ký vào năm 2023. Mọi học sinh trên nền tảng này đều có quyền truy cập vào trợ lý AI giống ChatGPT, được gọi là "huấn luyện viên", để được cung cấp dịch vụ dạy kèm cá nhân hóa.
Jeff Maggioncalda nói trợ lý AI này được xây dựng bằng các mô hình ngôn ngữ lớn từ OpenAI và Google Gemini. Ông cho biết Coursera không có kế hoạch xây dựng hoặc đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn của riêng mình.
"Có lẽ chúng tôi sẽ tinh chỉnh dữ liệu độc quyền dựa trên các mô hình ngôn ngữ lớn này", ông nói.
Coursera cũng sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn để dịch khoảng 4.000 khóa học sang các ngôn ngữ khác nhau và có kế hoạch tăng cường tuyển dụng vị trí liên quan đến AI trong năm 2024.
ChatGPT trở thành cái tên quen thuộc với nhiều người ngay cả trước khi năm 2023 bắt đầu. Chỉ vài tuần sau khi ra mắt chatbot AI này vào ngày 30.11.2022, OpenAI được dự đoán sẽ thu về doanh thu lên tới 1 tỉ USD trong năm 2024, các nguồn tin nói với Reuters thời điểm đó.
Khả năng của mô hình ngôn ngữ lớn trong việc biến lời nhắc thành thơ, bài hát và bài tiểu luận ở trường trung học đã thu hút 100 triệu người dùng ChatGPT chỉ 2 tháng để trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất từ trước đến nay, đạt thành tích mà Facebook phải mất 4 năm rưỡi và Twitter mất 5 năm mới có được.
Dù ChatGPT đưa ra câu trả lời với sự tự tin nhưng đôi khi chúng lại sai. Điều này xảy ra thường xuyên đến mức “ảo giác” (theo nghĩa AI tạo ra thông tin sai lệch) được chọn là từ của năm trên Wikipedia.com do ấn tượng sâu sắc mà công nghệ này mang lại cho xã hội.
Những sai lầm như vậy đã không làm mất đi sự hưng phấn hoặc ngăn chặn nỗi sợ hãi hiện hữu mà AI đã truyền cảm hứng.
Theo hãng Pitchbook, các nhà đầu tư đã bơm 27 tỉ USD vào các công ty khởi nghiệp generative AI trong năm 2023, dẫn đầu là khoản đặt cược nhiều tỉ USD của Microsoft vào OpenAI.
Cuộc chiến giành quyền tối cao về AI, vốn diễn ra giữa các hãng công nghệ lớn trong nhiều năm, đột nhiên trở thành tâm điểm, khi Alphabet, Meta Platforms và Amazon đều công bố những cột mốc quan trọng mới.
Đến tháng 3.2023, hàng ngàn nhà khoa học và chuyên gia AI, gồm cả Elon Musk, đã ký một bức thư ngỏ yêu cầu tạm dừng đào tạo các hệ thống AI mạnh hơn mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4 để nghiên cứu tác động của chúng và mối nguy hiểm tiềm tàng với nhân loại. Bước đi này gợi nhớ đến bộ phim ăn khách Oppenheimer của đạo diễn Christopher Nolan, trong đó nhà sản xuất bom nguyên tử Oppenheimer cảnh báo rằng việc theo đuổi tiến bộ không ngừng có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người.
“Đây là một rủi ro hiện hữu. Nó đủ gần để chúng ta phải nỗ lực ngay bây giờ và dồn nhiều nguồn lực vào việc tìm hiểu những gì có thể làm được”, theo Geoffrey Hinton, một trong những “cha đẻ AI”, người rời Alphabet vào tháng 5.
Công ty tư vấn PwC ước tính tác động kinh tế liên quan đến AI có thể đạt 15.700 tỉ USD trên toàn cầu vào năm 2030, gần bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.
Điểm mấu chốt thúc đẩy sự lạc quan về tăng trưởng là thực tế rằng gần như mọi ngành nghề, từ tài chính và pháp lý đến sản xuất và giải trí, đều đã coi AI là một phần trong chiến lược dự kiến của mình.