Trung Quốc xây tổ hợp đường hầm gió lớn nhất thế giới, vượt Boeing, Airbus

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:20, 19/01/2024

Sau 16 năm giữ bí mật, Trung Quốc vừa tiết lộ 18 đường hầm gió hiện đại cho ngành hàng không thế giới.
Khoa học - công nghệ

Trung Quốc xây tổ hợp đường hầm gió lớn nhất thế giới, vượt Boeing, Airbus

Long Hải 19/01/2024 14:20

Sau 16 năm giữ bí mật, Trung Quốc vừa tiết lộ 18 đường hầm gió hiện đại cho ngành hàng không thế giới.

may-bay.jpg
Máy bay C919 của Trung Quốc - Ảnh: Sky_Blue

Trung Quốc vừa công bố về thành tựu lớn của mình trong lĩnh vực hàng không, đó là tổ hợp đường hầm gió dân dụng lớn nhất thế giới. Một bài báo đăng trên tạp chí Acta Aerodynamica Sinica của Trung Quốc đã tiết lộ một tổ hợp khổng lồ, tương đương với tổng số đường hầm gió tương tự ở Mỹ và châu Âu.

Kể từ năm 2007, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng 18 đường hầm gió trên cả nước, cung cấp môi trường thử nghiệm quan trọng cho các nhà khoa học và kỹ sư. Những cơ sở này đóng vai trò then chốt trong việc phát triển máy bay chở khách mới nhất của Trung Quốc là C919. Đây là bước đột phá của quốc gia này trong lĩnh vực chế tạo máy bay phản lực dân sự nội địa lớn đầu tiên.

Tầm quan trọng của thành tựu này trở nên rõ ràng khi so sánh với các nước phương Tây. Trong khi các đường hầm gió lớn nhất ở Mỹ và EU có kích thước dưới 5 mét thì Trung Quốc có 4 đường hầm kích thước trên 8 mét. Những cơ sở tiên tiến này cho phép các kỹ sư thử nghiệm các thách thức phát triển máy bay khác nhau, từ hình dáng khí động, điều kiện hoạt động cực hạn tới hệ thống phá băng, khử độ rung, tiếng ồn và kiểm soát bay.

Vượt trội so với Boeing 737, Airbus A320

C919 được cho là vượt trội so với các đối thủ như Boeing 737 và Airbus A320. Loại máy bay này có không gian rộng rãi hơn và hình dáng khí động với lực cản thấp hơn so với các đối thủ. Ngoài ra, trong giai đoạn bay hành trình, độ ồn cabin của 737 có thể lên tới 80 decibel, trong khi C919 chỉ tạo ra 60 decibel. Mẫu máy bay này cũng tiết kiệm với chi phí hoạt động, bao gồm tiêu thụ nhiên liệu, thấp hơn 10% so với đối thủ đến từ phương Tây.

Mặc dù C919 chỉ mới hoạt động thương mại vài tháng nhưng nó đại diện cho một thành công về mặt công nghệ. Được thiết kế hoàn toàn từ ban đầu bằng cách sử dụng các đường hầm gió của Trung Quốc, chiếc máy bay này được coi là “bước đột phá công nghệ cơ bản và nguyên bản”, như kỹ sư cấp cao Wu Junqiang đã nêu trong bài báo.

Ngoài lĩnh vực hàng không, tổ hợp đường hầm gió khổng lồ nhấn mạnh tham vọng lớn hơn của Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng rộng lớn như vậy cho thấy một động thái chiến lược của nước này nhằm đạt được những bước đột phá trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc.

Nỗ lực to lớn này là sự khác biệt so với cách tiếp cận trước đó của Trung Quốc, như khi dự án máy bay chở khách Y-10 bị hủy bỏ vào những năm 1980. Các nhà xây dựng đường hầm gió ở Trung Quốc đã tạo ra đột phá trong một loạt thách thức công nghệ suốt hai thập kỷ qua, thiết lập một hệ thống nghiên cứu và phát triển máy bay lớn với đầy đủ quyền sở hữu trí tuệ.

Long Hải