Nokia rời khỏi liên doanh viễn thông với Huawei trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung

Thế giới số - Ngày đăng : 14:01, 21/01/2024

Gã khổng lồ thiết bị viễn thông Nokia (Phần Lan) đã tìm được người mua mới cho phần lớn cổ phần của mình trong TD Tech, liên doanh với Huawei tại Trung Quốc, sau khi thỏa thuận được đề xuất vào năm 2023 bị hủy bỏ do Huawei phản đối mạnh mẽ.
Thế giới số

Nokia rời khỏi liên doanh viễn thông với Huawei trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung

Sơn Vân 21/01/2024 14:01

Gã khổng lồ thiết bị viễn thông Nokia (Phần Lan) đã tìm được người mua mới cho phần lớn cổ phần của mình trong TD Tech, liên doanh với Huawei tại Trung Quốc, sau khi thỏa thuận được đề xuất vào năm 2023 bị hủy bỏ do Huawei phản đối mạnh mẽ.

Hãng công nghệ không dây TD Tech (Trung Quốc) từng là liên doanh giữa Nokia Solutions and Networks (công ty con của Nokia Group) và Huawei.

Theo thỏa thuận mới nhất, TD Tech sẽ được đồng kiểm soát bởi Huawei và một nhóm đơn vị bao gồm Chengdu High-Tech Investment Group và Chengdu Gaoxin Jicui Technology Co (đều thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc) cùng công ty đầu tư mạo hiểm Huagai, theo thông báo được Cục Quản lý Thị trường Nhà nước (SAMR) công bố.

Thông báo không tiết lộ mỗi công ty mới tham gia liên doanh sẽ nắm giữ bao nhiêu cổ phần của TD Tech. Trước khi bán, Nokia sở hữu 51% cổ phần TD Tech, còn Huawei nắm giữ 49%.

Cơ quan quản lý tuyên bố không có lo ngại về chống độc quyền với thỏa thuận này và sẽ thu thập ý kiến ​​của công chúng cho đến ngày 28.1. Theo SAMR, Huawei và TD Tech cùng nhau kiểm soát không quá 10% thị phần smartphone của Trung Quốc, nhưng không nêu rõ khung thời gian cho dữ liệu này.

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cho thấy riêng Huawei (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến) đã chiếm 14% thị phần smartphone Trung Quốc trong quý 3/2023, đứng ở vị trí thứ 5 sau Honor, Oppo, Vivo và Apple.

Được thành lập năm 2005, TD Tech từng là liên doanh giữa Huawei và tập đoàn công nghệ Siemens (Đức) cho đến năm 2007, khi Siemens bán một nửa cổ phần của mình cho Nokia. Năm 2013, Siemens bán toàn toàn bộ cổ phần của mình trong TD Tech, đưa Nokia trở thành cổ đông chính.

Được biết đến với thiết bị liên lạc không dây, gồm cả thiết bị mạng 4G và 5G, TD Tech có mặt ở hơn 100 quốc gia, phục vụ 8 triệu khách hàng trong ngành, theo trang web của hãng. TD Tech từng là nhà cung cấp chính cho các công ty khai thác viễn thông do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn.

TD Tech có các trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô với lực lượng lao động hơn 2.000 người, theo trang web công ty.

Trước đây, dù Nokia là cổ đông chính của TD Tech nhưng Huawei lại là hãng kiểm soát liên doanh này trên thực tế, theo các nhà quan sát trong ngành.

Yang Guang, nhà phân tích phụ trách lĩnh vực viễn thông tại công ty nghiên cứu Omdia, nói vào năm ngoái: “Dù TD Tech trên danh nghĩa là một liên doanh, nhưng thực tế nó được kiểm soát bởi Huawei. Ban lãnh đạo liên doanh là cựu nhân viên của Huawei, với các giải pháp sản phẩm dựa trên sản phẩm của Huawei nhưng được điều chỉnh cho phù hợp với thị trường công nghiệp”. Tuy nhiên, TD Tech về mặt kỹ thuật vẫn là thực thể riêng biệt với Huawei.

Năm 2023, khi Nokia cố gắng bán phần lớn cổ phần của mình trong liên doanh này cho nhà sản xuất mực in New East New Materials (niêm yết tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc), Huawei đã đe dọa sẽ ngừng cấp phép công nghệ cho TD Tech.

Trong hồ sơ chứng khoán hồi tháng 4.2023, New East New Materials từng cho biết đặt mục tiêu mua 51% cổ phần của TD Tech từ Nokia Solutions and Networks với giá 2,1 tỉ nhân dân tệ (305,2 triệu USD). Song, thỏa thuận này cuối cùng đã sụp đổ do Huawei phản đối.

Huawei thông báo TD Tech dựa trên năng lực công nghệ cũng như khả năng bán hàng và dịch vụ toàn cầu của cả hai bên (Huawei và Nokia Solutions and Networks), nên bất kỳ người mua nào cũng phải có khả năng chiến lược tương tự để cho phép việc hợp tác tiếp diễn.

Chưa hết, Huawei từng đe dọa sẽ sử dụng “quyền từ chối đầu tiên”, thanh lý cổ phần của mình trong TD Tech hoặc chấm dứt thỏa thuận cấp phép công nghệ với TD Tech. Quyền từ chối đầu tiên cho phép Huawei mua cổ phần của Nokia Solutions and Networks trước bên thứ ba.

Vào thời điểm đó, Yang Guang lý giải Huawei không muốn mất quyền kiểm soát TD Tech vì điều này có thể giúp gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tránh được một số lệnh trừng phạt từ Mỹ và cho phép hãng giải quyết một số phân khúc thị trường hiệu quả hơn.

nokia-roi-khoi-lien-doanh-vien-thong-voi-huawei-trong-boi-canh-cang-thang-my-trung.jpg
Nokia đã tìm được người mua mới cho phần lớn cổ phần của mình trong TD Tech, liên doanh với Huawei tại Trung Quốc - Ảnh: Internet

TD Tech vào năm 2021 đã bắt đầu bán những chiếc điện thoại Huawei được đổi thương hiệu dưới tên của riêng mình, trong đó có M40 5G, sử dụng chip 7 nanomet của MediaTek thay vì bộ xử lý Kirin từ Huawei.

Lệnh trừng phạt do chính quyền Biden áp đặt hiện cấm các công ty bán cho Huawei những chip tiên tiến được sản xuất bằng công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ, gồm cả bộ xử lý MediaTek do TSMC sản xuất. TSMC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.

Bất chấp những hạn chế từ Mỹ, Huawei vào năm 2023 đã ra mắt dòng smartphone Mate 60 được trang bị bộ xử lý tiên tiến Kirin 9000s, hỗ trợ 5G do SMIC sản xuất trong nước. SMIC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc.

Huawei cho biết doanh thu của hãng đã tăng 9% vào năm 2023, một phần nhờ vào dòng Mate 60.

Huawei đã cung cấp phiên bản xem trước của HarmonyOS Next cho lập trình viên

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu TechInsights (Canada), HarmonyOS dự kiến sẽ vượt qua iOS để trở thành hệ điều hành smartphone lớn thứ hai ở Trung Quốc trong năm 2024.

TechInsights cho biết trong khi Android của Google và iOS của Apple sẽ tiếp tục thống trị lĩnh vực hệ điều hành smartphone toàn cầu, HarmonyOS do Huawei tự phát triển sẽ chiếm ưu thế ở Trung Quốc so với hai gã khổng lồ của Mỹ.

Việc áp dụng HarmonyOS ngày càng tăng được thúc đẩy bởi sự quay trở lại của Huawei với phân khúc smartphone 5G, bắt đầu bằng sự ra mắt bất ngờ Mate 60 Pro vào cuối tháng 8.2023.

Theo báo cáo, TechInsights cũng cho rằng Huawei sẽ phục hồi vững chắc vào năm 2024.

Tất cả smartphone của Huawei đều được cài sẵn HarmonyOS, giải pháp thay thế Android, do công ty Trung Quốc tự phát triển và ra mắt vào tháng 8.2019. Động thái này diễn ra ba tháng sau khi Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại.

Khi ra mắt, Mate 60 Pro đã truyền cảm hứng cho một làn sóng yêu nước nhiệt thành của người tiêu dùng Trung Quốc và công ty có trụ sở tại Thâm Quyến phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung khi phải nỗ lực tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu.

TechInsights cho rằng thách thức về nguồn cung của Huawei, do tình trạng thiếu chipset Kirin 9000s, sẽ giảm bớt trong vài tháng tới. Danh mục sản phẩm của Huawei đã được mở rộng hơn nữa vào tuần trước khi hãng này tung ra các mẫu smartphone mới thuộc dòng Nova tầm trung.

HarmonyOS được dự đoán sẽ đạt cột mốc quan trọng vào năm 2024 khi Huawei ra mắt phiên bản mới HarmonyOS Next, sẽ không hỗ trợ các ứng dụng dựa trên Android.

Hôm 19.1.2024, Huawei đã giới thiệu HarmonyOS Next tại hội nghị nhà phát triển của mình.

Huawei cho biết phiên bản xem trước dành cho nhà phát triển của HarmonyOS Next đã được cung cấp cho các lập trình viên hôm 19.1 và hệ điều hành này sẽ trình làng để sử dụng thương mại vào quý 4/2024.

Zhu Yonggang, Chủ tịch Dịch vụ đám mây kinh doanh tiêu dùng của Huawei, nói rằng hơn 200 đối tác trong ngành đã bắt đầu phát triển các ứng dụng HarmonyOS gốc và công ty đặt mục tiêu có được 5.000 đối tác tham gia vào cuối năm 2024.

Gã khổng lồ dịch vụ giao hàng Meituan đã hoàn thành phiên bản đầu tiên của ứng dụng dành cho HarmonyOS. Trong khi các công ty internet khác, chẳng hạn nền tảng truyền thông xã hội về phong cách sống Xiaohongshu và dịch vụ bản đồ trực tuyến Amap, cũng đã đạt được tiến bộ. Amap được hỗ trợ bởi Alibaba.

Với mục đích khuyến khích phát triển một hệ sinh thái mạnh mẽ hơn cho HarmonyOS, Huawei sẽ hợp tác với hơn 280 công ty và hơn 300 tổ chức giáo dục để đào tạo các nhà phát triển cho hệ điều hành này.

Huawei sẽ đầu tư 7 tỉ nhân dân tệ (983 triệu USD) để hỗ trợ đổi mới trong các lĩnh vực từ ứng dụng gốc HarmonyOS đến bộ công cụ phát triển phần mềm (SDK), được các nhà phát triển sử dụng để xây dựng ứng dụng cho nền tảng cụ thể, theo các bài đăng trên tài khoản Weibo chính thức của HarmonyOS.

Việc áp dụng HarmonyOS ngày càng tăng. Kể từ khi ra mắt vào tháng 8.2019, HarmonyOS hiện chạy trên hơn 800 triệu thiết bị, theo Richard Yu Chengdong - Giám đốc điều hành nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei.

Sơn Vân