Asanzo bị nghi vấn 'hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam' từng làm ăn thế nào?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:00, 24/06/2019
Mở rộng thị phần, doanh thu tăng từng năm
Asanzo được thành lập năm 2013. Năm 2017, hãng nghiên cứu thị trường GfK từng cho biết Asanzo đứng thứ 4 trên thị trường tivi Việt Nam với thị phần 16%, sau Samsung (35%), Sony (25%) và LG (17%). Độ phủ của thương hiệu tại nông thôn đến 70%. Ngoài tivi, Asanzo còn có các dòng thiết bị điện tử, điện gia dụng và điện thoại thông minh.
Đáng chú ý, trong vài năm gần đây, cái tên Asanzo nổi lên như một thế lực trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử trong nước, đặc biệt là tivi bên cạnh các thương hiệu nổi tiếng như Sony, Samsung và LG.
Năm 2017, Asanzo từng công bố tổng doanh thu của toàn hệ thống đạt 4.600 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2016. Năm 2018, công ty tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi, lên 10.000 tỉ đồng doanh thu. Đây là con số rất ấn tượng nếu so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành ti vi, điện tử, vốn bị đánh giá là đã rơi vào trạng thái bão hòa.
Trong khi đó, Báo cáo công ty mẹ của Công ty CP Tập đoàn Asanzo (Asanzo) cho biết trong năm 2017, doanh thu đạt 549 tỉ đồng và lợi nhuận 255 triệu đồng.
Trên thực tế, hệ thống các công ty của Asanzo còn bao gồm nhiều công ty khác như: Công ty Điện tử Asanzo Miền Bắc, Công ty điện lạnh Asanzo, Công ty Viễn thông Asanzo..Các công ty này hình thành nên các giao dịch thương mại phức tạp và tạo nên mức doanh thu hơn 4.600 tỉ đồng trong năm 2017 của Asanzo.
Trong năm 2018, Asanzo cũng đã lên kế hoạch để xây dựng thêm nhà máy mới tại TP.HCM, đặt tại huyện Củ Chi, với diện tích khoảng 17.000 m2, và có mức đầu tư hơn 400 tỉ đồng. Đây là nhà máy sản xuất hàng hóa phục vụ các ngành hàng cho thị trường miền Trung và miền Nam.
Asanzo là "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt"?
Mới đây, hàng loạt phương tiện truyền thông cáo buộc sản phẩm của Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam, với các minh chứng về việc Asanzo nhập "nguyên con" đồ gia dụng từ Trung Quốc thông qua nhiều công ty nhập khẩu, dán nhãn Asanzo thay vì lắp ráp linh kiện và ghi xuất xứ Việt Nam.
Trước nghi vấn "Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt", CEO Asanzo Phạm Văn Tam lên tiếng cho biết sản phẩm Asanzo không phải "made in Việt Nam" mà xuất xứ tại Việt Nam.
Việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, công ty chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam”.
Giải thích về vụ việc nhãn hiệu Asanzo bị gắn cho các sản phẩm đến từ Trung Quốc, ông Tam cho biết: Asanzo không còn lắp ráp các mặt hàng điện gia dụng nữa và đã giao nhóm ngành hàng này cho các công ty phụ trợ. Chính vì vậy, kể từ thời điểm đó, trên thị trường xuất hiện 2 dòng sản phẩm khác nhau nhưng cùng modern và logo Asanzo.
Lý do vẫn xuất hiện hàng điện tử mang thương hiệu Asanzo tại Trung Quốc là vì công ty có thể mạnh về mảng điện tử nên đã nhượng quyền sản xuất cho các đại lý để đa dạng hơn về mặt hàng hóa, tạo điều kiện có thêm thu nhập cho họ.
Cũng theo ông Phạm Văn Tam, Asanzo đang nhượng quyền cho một vài công ty khác sử dụng thương hiệu của mình, do vậy Asanzo không có khiếu nại trước việc những đơn vị này thuê nhà sản xuất Trung Quốc đóng logo Asanzo vào sản phẩm điện gia dụng rồi nhập về bán tại thị trường trong nước.
Asanzo đã từng có công văn gửi sang phía công an khẳng định công ty không bảo hộ thương hiệu của mình. Do vậy, trước vấn đề mà báo chí đặt ra liên quan đến nhãn mác thương hiệu, ông Tam cho rằng nội bộ Asanzo có rất nhiều công ty con, bộ phận nào làm sai thì phải sẽ chịu trách nhiệm.
Mặc dù phía Asanzo đã lên tiếng giải thích về vấn đề này, nhưng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao cho biết đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao đối với doanh nghiệp Asanzo.
Tuyết Nhung tổng hợp