Trung Quốc nhập thiết bị sản xuất chip gần mức kỷ lục để đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ
Thế giới số - Ngày đăng : 16:10, 22/01/2024
Trung Quốc nhập thiết bị sản xuất chip gần mức kỷ lục để đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ
Nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc đã tăng 14% trong năm 2023 lên mức gần 40 tỉ USD, con số lớn thứ hai về giá trị kể từ khi có dữ liệu chính thức vào 2015, theo hãng tin Bloomberg dựa trên dữ liệu hải quan chính thức.
Sự gia tăng này diễn ra bất chấp tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm 5,5% trong năm 2023, cho thấy tầm quan trọng mà chính phủ và ngành công nghiệp chip nước này đặt lên việc tự chủ sản xuất chip.
Các công ty chip Trung Quốc đang nhanh chóng đầu tư vào nhà máy bán dẫn mới để cố gắng nâng cao năng lực sản xuất của quốc gia và cố gắng vượt qua biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ cùng các đồng minh áp đặt.
Những hạn chế này khiến các công ty Trung Quốc khó tiếp cận máy cần thiết để sản xuất chip mạnh nhất, đồng thời kìm hãm sự phát triển ngành công nghệ cao của quốc gia châu Á.
Năm 2023, nhập khẩu thiết bị sản xuất chip từ Hà Lan của Trung Quốc tăng vọt trước khi có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, vốn sẽ hạn chế hơn nữa khả năng của SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) và các công ty cùng ngành trong việc mua sắm máy móc tiên tiến.
Hồi tháng 12.2023, nhập khẩu thiết bị quang khắc từ Hà Lan của Trung Quốc đã tăng gần 1.000% so với cùng kỳ năm 2022 lên mức 1,1 tỉ USD do các công ty đổ xô mua máy trước khi Hà Lan bắt đầu áp dụng các hạn chế trong tháng 1.2024.
Theo Bloomberg, ngay cả trước khi những hạn chế đó có hiệu lực, ASML (Hà Lan) đã hủy bỏ việc giao một số máy quang khắc cực tím sâu (DUV) của họ sang Trung Quốc theo yêu cầu từ chính phủ Mỹ. Việc này diễn ra vài tuần trước khi lệnh cấm xuất khẩu thiết bị sản xuất chip cao cấp có hiệu lực.
ASML thống trị thị trường toàn cầu về hệ thống in thạch bản, sử dụng tia laser để giúp tạo ra mạch điện tử. Công ty Hà Lan độc quyền về các hệ thống in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến - không thể thiếu để sản xuất những chip cao cấp nhất, đồng thời cung cấp những máy DUV cần thiết để tạo ra chất bán dẫn hoàn thiện hơn.
Đầu năm 2024, ASML cho biết chính phủ Hà Lan đã thu hồi giấy phép xuất khẩu một số thiết bị của họ sang Trung Quốc: “Giấy phép vận chuyển hệ thống in thạch bản NXT:2050i và NXT:2100i vào năm 2023 gần đây đã bị chính phủ Hà Lan thu hồi một phần, ảnh hưởng đến một số ít khách hàng ở Trung Quốc”.
Hệ thống NXT:2050i và NXT:2100i có giá hàng chục triệu euro mỗi máy. Khách hàng Trung Quốc của ASML đã được thông báo không nên mong đợi nhận được giấy phép cho các hệ thống này kể từ ngày 1.1.2024.
Khách hàng của ASML tại Trung Quốc có SMIC và những công ty khác như Hua Hong, Nexchip Semiconductor, Wuhan Xinxin Integration Dianlu Manufacture, United Nova Technology.
Không rõ có bao nhiêu máy sẽ bị ảnh hưởng bởi việc Hà Lan thu hồi giấy phép, dù ASML cho biết việc thay đổi sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của hãng năm 2023.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ASML trong quý 3/2023, chiếm 46% doanh thu của công ty. ASML đã đặt mục tiêu đạt doanh thu 6,7 tỉ - 7,1 tỉ euro (7,39 tỉ - 7,83 tỉ USD) vào quý 4/2023, trong đó khách hàng Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm gần một nửa doanh thu của hãng trong nửa cuối năm.
Những cỗ máy sản xuất chip tinh vi nhất của ASML là EUV đã bị Mỹ hạn chế xuất khẩu từ lâu và chưa bao giờ được chuyển đến Trung Quốc.
Nhập khẩu chip của Trung Quốc giảm mạnh trong năm 2023 do khó khăn kinh tế và nỗ lực nội địa hóa
Nhập khẩu các mạch tích hợp (IC) của Trung Quốc đã giảm mạnh cả khối lượng và giá trị vào năm 2023, dù các chất bán dẫn vẫn là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nước này trước cả dầu thô, theo dữ liệu hải quan chính thức.
Trong năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 479,5 tỉ đơn vị IC trị giá 349,4 tỉ USD, giảm 10,8 % theo khối lượng và giảm 15,4 % giá trị so với 2022. Để so sánh, Trung Quốc đã chi 337,5 tỉ USD để nhập khẩu dầu thô vào năm 2023, giảm 7,7 %, trang SCMP đưa tin.
Việc giảm mạnh nhập khẩu IC và thiết bị bán dẫn phản ánh tình trạng khó khăn về kinh tế của Trung Quốc trong năm 2023, đặc biệt là do doanh số bán hàng smartphone và laptop thấp. Dữ liệu này cũng bị ảnh hưởng bởi nỗ lực của Trung Quốc trong việc tăng cường sản xuất trong nước để giảm phụ thuộc vào chip nhập khẩu.
Do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cứng rắn từ Mỹ, Trung Quốc không thể trực tiếp mua chip tiên tiến, chẳng hạn bộ xử lý đồ họa (GPU) H100 và A100 được thiết kế bởi Nvidia (hãng chip có giá trị lớn nhất thế giới). Tuy nhiên, Trung Quốc đang đạt được tiến bộ vững chắc về tăng cường sản xuất chip kế thừa, gồm cả chip được sử dụng trong ô tô và thiết bị gia đình, để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Dữ liệu hải quan cho thấy nhập khẩu điốt và các linh kiện bán dẫn tương tự, đại diện cho chip hàng hóa thông thường, của Trung Quốc giảm 23,8% về số lượng trong năm 2023.
Mỹ đã tăng cường kiểm soát xuất khẩu với Trung Quốc vào tháng 10.2022, gây ra sự gián đoạn rộng rãi cho công cụ bán dẫn toàn cầu và các công ty không có nhà máy sản xuất chip trong các hoạt động kinh doanh liên quan đến Trung Quốc. Tháng 10.2023, Mỹ đã thắt chặt thêm “thòng lọng”, cắt đứt quyền tiếp cận của Trung Quốc với các chip AI mà Nvidia từng tạo ra cho quốc gia châu Á.
Trong nỗ lực do chính phủ hậu thuẫn nhằm xây dựng chuỗi cung ứng chip nội địa vững chắc hơn, các nhà sản xuất chip Trung Quốc đã tăng cường năng lực tại địa phương và hợp tác với nhau. Những nỗ lực này cũng góp phần vào sự sụt giảm nhập khẩu chip, do Trung Quốc tăng cường năng lực sản xuất chip phổ biến trong nước.
Trung Quốc hiện có 44 nhà máy sản xuất chip bán dẫn hoạt động và 22 nhà máy khác đang được xây dựng, công ty nghiên Trendforce cho biết gần đây. Đến cuối năm 2024, khả năng sản xuất chip công nghệ trưởng thành (được định nghĩa là 28 nanomet trở lên) sẽ được mở rộng tại 32 nhà máy chip của Trung Quốc.
Sự mở rộng ồ ạt này gây lo ngại cho Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), vì dự kiến đến năm 2027, thị phần sản xuất chip trưởng thành của Trung Quốc trên toàn cầu sẽ tăng từ 31% lên 39%, và có thể tăng cao hơn nữa nếu việc mua sắm thiết bị diễn ra suôn sẻ, TrendForce lưu ý.
Chip trưởng thành là những chip được sản xuất trên các quy trình công nghệ đã được phát triển và hoàn thiện trong nhiều năm. Quy trình này thường sử dụng các công nghệ sản xuất đã được chứng minh và ổn định, cho phép tạo ra chip với chi phí thấp và chất lượng cao.
Chip trưởng thành thường được sử dụng trong các ứng dụng phổ biến, chẳng hạn như smartphone, máy tính, thiết bị gia dụng và ô tô. Các ứng dụng này không yêu cầu hiệu suất hoặc tính năng cao nhất, vì vậy chip trưởng thành là lựa chọn phù hợp về mặt chi phí và hiệu suất.
Các ví dụ về chip trưởng thành bao gồm:
Chip xử lý trung tâm (CPU) cho smartphone và máy tính xách tay.
Chip đồ họa (GPU) cho máy tính chơi game và thiết bị di động.
Chip cảm biến hình ảnh (CIS) cho camera.
Chip vi điều khiển (MCU) cho thiết bị gia dụng và ô tô.
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ Mỹ, chip trưởng thành là lĩnh vực mà Trung Quốc có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới như Intel, Samsung và TSMC. Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của mình và chip trưởng thành là một trong những lĩnh vực mà nước này đạt được những tiến bộ đáng kể.