Sau 1 ngày sốt nhẹ, bé gái 5 tuổi bị nguy kịch do viêm cơ tim tối cấp

Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:30, 22/01/2024

Bệnh nhi đau ngực, ói, tay chân lạnh, lơ mơ, môi tái, chi mát và rơi vào tình trạng nguy kịch... chỉ sau 1 ngày sốt nhẹ.
Thông tin Y học

Sau 1 ngày sốt nhẹ, bé gái 5 tuổi bị nguy kịch do viêm cơ tim tối cấp

Hồ Quang 22/01/2024 18:30

Bệnh nhi đau ngực, ói, tay chân lạnh, lơ mơ, môi tái, chi mát và rơi vào tình trạng nguy kịch... chỉ sau 1 ngày sốt nhẹ.

Chiều 22.1, BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho hay, các bác sĩ ở đây vừa kịp thời cứu sống bé gái bị nguy kịch do viêm cơ tim tối cấp, sốc tim.

sau-1-ngaay-sot-nhe-be-gai-5-tuoi-bi-nguy-co-do-viem-co-tim-toi-cap-hinh-anh.png
Bệnh nhi Đ.T.T.T (5 tuổi, ngụ huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Tiến, bé gái này là cháu Đ.T.T.T (5 tuổi, ngụ huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ). Cách nhập viện 2 ngày, bé T. bị sốt nhẹ, than mệt, nhức đầu nhưng một ngày sau đó, bệnh nhi đau ngực, ói, tay chân lạnh. Bé được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc, rối loạn nhịp tim, xét nghiệm troponin I tăng cao nên được hỗ trợ hô hấp đặt nội khí quản để thở, truyền adrenalin và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Bác sĩ Tiến cho biết, lúc này, bệnh nhi lơ mơ, môi tái, chi mát, CRT dưới 3 giây, huyết kẹp tụt 70/50mmHg, tĩnh mạch cổ nổi, mạch quay nhẹ khó bắt, nhịp tim không đều. Monitor nhịp nhanh 200 - 220 lần/phút, đo ECG ghi nhận nhịp nhanh thất, thở qua nội khí quản.

Bệnh nhi được tiến hành xét nghiệm men tim Troponin I, CK-MB tăng cao, siêu âm tim giảm phân suất tống máu EF còn 20 - 24% (bình thường EF 60 - 80%). Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim.

Bệnh nhi tiếp tục được thở máy, vận mạch adrenalin, dobutamin, dopamine, sử dụng thuốc chống loạn nhịp lidocain nhưng tình hình vẫn không cải thiện.

Bệnh viện tiến hành hội chẩn và quyết định tiến hành đặt cannula động mạch đùi và tĩnh mạch đùi, mồi dịch hệ thống máy ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể), kết nối với bệnh nhân chế độ V-A ECMO.

“Chúng tôi tiếp tục điều trị thuốc chống loạn nhịp, truyền máu, tiểu cầu, điều chỉnh điện giải, toan kiềm, chống đông hệ thống ECMO bằng heparine, sử dụng lợi tiểu để giảm tải thất trái, kháng sinh điều trị bội nhiễm phổi. Nhưng tình trạng sức khỏe của bệnh nhi vẫn phức tạp, huyết áp dao động, nhịp tim dao động, tổn thương gan, thận”, bác sĩ Tiến nói.

Sau 12 ngày đêm chạy ECMO, các bác sĩ đã nỗ lực xử trí các chuyển biến bất thường của nhịp tim, cơ tim và huyết động; điều trị hỗ trợ các cơ quan gan, thận, điều chỉnh điện giải, kiềm toan nên tình trạng tim của bệnh nhi đã hồi phục dần.

“Hiện rối loạn nhịp của bệnh nhi chuyển sang nhịp xoang bình thường, cải thiện phân suất tống máu EF 48 - 54%, huyết áp ổn định khi làm nghiệm pháp calibre máy ECMO. Bệnh nhi được cai ECMO, rút cannula mạch máu và tiếp tục điều trị hỗ trợ tại Khoa Hồi sức tích cực”, bác sĩ Tiến cho biết.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Tiến cảnh báo, vào thời điểm giao mùa như hiện nay, thời tiết thất thường: sáng nóng, tối lạnh, có thể xuất hiện các trường hợp nhiễm siêu vi biến chứng viêm cơ tim trẻ em và người lớn với biểu hiện như: sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau đầu, ói, đau bụng, sắc mặt xanh tái, tay chân tái, móng chân tay tái, ngất, đau ngực... Nếu xảy ra các hiện tượng trên, chúng ta nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám, định bệnh chẩn đoán sớm viêm cơ tim và xử trí thích hợp.

Hồ Quang