Nhiều doanh nghiệp xây dựng ở miền Tây 'hụt hơi'
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:52, 22/01/2024
Nhiều doanh nghiệp xây dựng ở miền Tây 'hụt hơi'
Chưa bao giờ doanh nghiệp xây dựng ở các tỉnh miền Tây lại lao đao như hiện nay. Để duy trì hoạt động, nhiều chủ doanh nghiệp phải tìm cách xoay trở nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn, chờ thời cơ để phục hồi, phát triển.
Năm 2023, do ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng ở các địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã “hụt hơi” trong việc duy trì hoạt động.
“Không làm thì chết sớm, còn làm thì toàn thua lỗ, cũng chết nhưng muộn hơn”, đó là chia sẻ của ông V., chủ một doanh nghiệp xây dựng ở Cà Mau.
“Tôi nợ ngân hàng nhiều nên hết đường xoay rồi. Tôi cứ nghĩ rằng sau đại dịch COVID-19 thì tình hình kinh tế sẽ khả quan hơn, ai ngờ nó còn thê thảm hơn thời điểm diễn ra dịch bệnh. Giờ doanh nghiệp của tôi coi như hết đường cứu, phá sản rồi. Năm 2023, các doanh nghiệp xây dựng đối diện với quá nhiều khó khăn, thách thức”, ông V. than thở.
Theo ông V., năm 2023, hàng hóa vật liệu xây dựng khan hiếm, giá cả biến động thất thường... khiến cho doanh nghiệp không chủ động được nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, đơn giá của chủ đầu tư đưa ra tại thời điểm được bình ổn, đến khi đấu thầu và đôi bên ký kết hợp đồng thì giá cả vật liệu tăng cao. Điều này khiến cho nhà thầu không kịp trở tay.
“Đơn giá ký kết hợp đồng với chủ đầu tư là giá trọn gói, không được điều chỉnh. Vì vậy năm nay nhà thầu làm không có lãi, thậm chí là thua lỗ nặng. Chỉ những công trình có giá trị hợp đồng trên 20 tỉ đồng thì mới được điều chỉnh giá”, ông V. nói.
Bên cạnh hoạt động xây dựng lao dốc không phanh, các cửa hàng kinh doanh đồ trang trí nội thất, vật liệu xây dựng cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Mua bán không được, nhiều cửa hàng hoạt động cầm chừng, thậm chí là cắt giảm nhân sự để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Bà G., chủ một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng ở TP.Cà Mau cho hay: “Do ảnh hưởng tình hình kinh tế chung toàn cầu, việc mua bán, kinh doanh năm nay tại cửa hàng tôi gặp nhiều khó khăn. Doanh số bán hàng năm nay giảm nhiều so với năm trước. Thời điểm dịch bệnh COVID-19 coi vậy mà kinh doanh được, còn năm nay không ai xây dựng gì nhiều. Vài tháng trước, tôi còn cắt giảm nhân sự để giảm bớt gánh nặng trả lương, chờ tình hình ổn định rồi tính tiếp”.
Tình cảnh của ông H., chủ một doanh nghiệp xây dựng khác ở Bạc Liêu cũng tương tự. “Năm nay, nhận thấy tình hình khó khăn từ trước nên tôi chỉ làm cầm chừng để nuôi lính và duy trì hoạt động. Dẫu đã có chuẩn bị nhưng vẫn không tránh được thua lỗ. Giờ coi như tôi chịu rồi, chờ kinh tế ổn định rồi tính tiếp”, ông H. nói.
Giá cả vật liệu thực tế tại bãi và đơn giá của chủ đầu tư đưa ra có sự chênh lệch đáng kể, cùng với đó nguồn nguyên liệu không đảm bảo, tăng cao thất thường... là nguyên nhân chính làm cho doanh nghiệp xây dựng gặp khó. Hiện có nhiều doanh nghiệp đã “âm thầm” phá sản và còn rất nhiều doanh nghiệp đang “gồng mình” chịu đựng, đối diện trước bờ vực phá sản trong tương lai gần.
Theo lãnh đạo một Ban quản lý dự án trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu: “Năm nay, không riêng gì lĩnh vực xây dựng mà các lĩnh vực hoạt động, kinh doanh khác cũng gặp khó khăn. Thậm chí có doanh nghiệp vì không trụ nổi, nợ nần chồng chất nên đã kêu bán tài sản để giảm bớt gánh nặng trả lãi ngân hàng”.