Đừng để Tết trở thành áp lực
Góc bình luận - Ngày đăng : 21:00, 22/01/2024
Đừng để Tết trở thành áp lực
Những năm gần đây, có nhiều ý kiến đề nghị bỏ Tết cổ truyền và không ít người tỏ ra tán đồng với ý tưởng này. Trong tâm thức của người Việt, Tết cổ truyền là ngày lễ thiêng liêng, trọng đại, vấn đề là làm sao để Tết không trở thành áp lực.
Tết cổ truyền là tài sản tinh thần của người Việt. Mỗi khi Tết đến, người Việt dù ở đâu đều nôn nao, mong mỏi được trở về sum họp bên gia đình sau một năm bộn bề lo toan, tất bật.
Đối với những người Việt Nam xa xứ, Tết là khoảng thời gian để nhớ về tổ tiên, cội nguồn. Có lẽ vì tính thiêng liêng này nên cứ mỗi khi đến những ngày giáp Tết, các bến tàu xe lại chật cứng hành khách. Dù có thể phải chịu đựng giây phút mệt nhọc trên đoạn đường về quê nhưng hầu như ai cũng háo hức được trở về.
Trong văn hóa của người Việt Nam, Tết còn là dịp để mỗi người tự soi rọi lại mình, là thời điểm tổng kết năm cũ và đề ra những mục tiêu cho năm mới. Đặc biệt hơn cả, Tết để tưởng nhớ và tri ân tổ tiên, nghĩ về cội nguồn gia tộc, qua đó gắn bó tình thân.
Ngày Tết cũng là cơ hội để người ta dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm cho nhau, là dịp tốt nhất để hòa giải những bất đồng gây ra trước đó. Tết cũng là dịp mà mỗi người luôn tâm niệm và dặn lòng phải đối xử tử tế với nhau, không làm những điều xấu, chỉ nói những lời tốt đẹp...
Tất cả những phong tục tốt đẹp ấy giúp con người Việt luôn hướng về dân tộc và những giá trị nhân văn cao đẹp.
Những năm gần đây, không biết có phải “phú quý sinh lễ nghĩa” hay không mà với nhiều người, Tết cổ truyền gây nhiều áp lực và thậm chí trở thành gánh nặng. Đã có những diễn đàn được mở ra để cùng nhau bàn bạc, giải thích nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục. Cũng đã có những ý kiến đề xuất rằng Việt Nam nên học Nhật Bản khi họ cũng từng đón Tết cổ truyền giống Việt Nam nhưng nay đã đón Tết dương lịch...
Những vất vả, áp lực vào mỗi khi Tết đến có thể kể ra rất nhiều. Chẳng hạn trong truyền thống của người Việt, con cháu, học trò biếu quà cho cha mẹ, thầy cô để tỏ lòng tri ân khi Tết đến. Nay phong tục tốt đẹp này đã bị biến tướng đi nhiều và có những người biếu quà tết vì vụ lợi, toan tính riêng chứ không còn mang ý nghĩa tỏ lòng biết ơn.
Cũng vậy, phong tục lì xì trong ngày tết vốn rất đẹp, người lớn lì xì cho trẻ em những phong bao màu đỏ với những đồng tiền mệnh giá nhỏ mang ý nghĩa may mắn, thì nay cũng đã bị “biến tướng”. Một số trẻ em chỉ chăm chăm nhìn vào giá trị bên trong của phong bao lì xì mà quên đi những lời chúc dễ thương, lễ độ với người lớn…
Để Tết Việt vẫn giữ được những phong tục tốt đẹp vốn có thì chúng ta cần có suy nghĩ và cách ứng xử với Tết. Nếu mỗi người dành những ngày Tết cổ truyền quý giá để quan tâm, chia sẻ với người thân yêu thì đó sẽ là khoảng thời gian đầy ý nghĩa.
Vào những ngày nghỉ quý giá này, chúng ta thăm hỏi người thân, bạn bè và gửi tới nhau những lời chúc tốt đẹp nhất thay vì ăn nhậu quá đà thì tốt đẹp biết bao nhiêu. Hoặc ta có thể dành thời gian để chiêm nghiệm, sẻ chia với những cảnh đời khó khăn xung quanh... Và như vậy, chắc chắn Tết sẽ không còn là áp lực.